Chuyên gia Mỹ nói gì về việc Trung Quốc thí điểm dự án tiền số

THEO TIN NHANH CHỨNG KHOÁN 26/05/2020 10:23

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thí điểm đồng tiền kỹ thuật số quốc gia trong thế giới thực, một động thái mang màu sắc chính trị nhưng lại ít được chú ý.

Trung Quốc gần đây tung ra các khoản đầu tư "khủng" vào công nghệ mới với số vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD) tính đến năm 2025. Cùng với đó ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc tăng thêm 9% nhằm gia tăng sức ảnh hưởng đối với các định chế đa phương trên thế giới khi chính quyền Trump có ý rút lui khỏi các định chế này. Mới đây nhất là động thái Bắc Kinh cam kết tài trợ 2 tỷ USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong bài góc nhìn mới đây trên CNBC, ông Frederick Kempe, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) - một tổ chức nghiên cứu của Mỹ có sức ảnh hưởng về các vấn vấn đề toàn cầu - dẫn đánh giá của hai chuyên gia Aditi Kumar và Eric Rosenbach trên tạp chí đối ngoại Foreign Affairs (Mỹ) cho rằng điều thú vị nhất nhưng ít được chú ý nhất gần đây là Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số quốc gia trong thế giới thực.

Hai chuyên gia này cho biết, dự án thí điểm tiền số được Trung Quốc triển khai tại 4 thành phố lớn và đây là động thái ghi nhận Trung Quốc đi trước Mỹ trong việc phát triển tiền số - một yếu tố cốt lõi trong nền kinh tế số. Động thái trên của Bắc Kinh được cho rằng mang lại tác động toàn cầu lớn hơn bất cứ điều gì Bắc Kinh đã làm ở Hong Kong hoặc thậm chí với Đài Loan.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ chưa chuẩn bị gì trước tác động của động thái thí điểm tiền số của Trung Quốc, hai chuyên gia Kumar và Rosenbach viết. Nhìn chung, các loại tiền số sẽ làm suy yếu sức mạnh của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và khả năng mà các quan chức Mỹ có thể theo dõi các nguồn tài chính bất hợp pháp.

Còn cụ thể hơn, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số kết hợp với các hệ thống thanh toán điện tử hiện đại của Trung Quốc có thể tạo ra một nền tảng hiệu quả hơn. Trong tương lai nó có sức ảnh hưởng lớn hơn cả một đội tàu tàu sân bay.

Liên tưởng đến sức mạnh của Trung Quốc qua câu chuyện chống dịch Covid-19, ông Kempe đánh giá, việc Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới đẩy lùi được dịch Covid-19 và khôi phục tăng trưởng đã cho thấy khả năng đóng cửa nền kinh tế cũng thần tốc như việc nước này mở cửa nền kinh tế trở lại để đón bắt các cơ hội.

Theo giới quan sát, những lời lẽ phản đối đầy hoa mỹ mà Trung Quốc nói về Mỹ giờ đây đã cùn đi, đặc biệt là khi nhằm vào Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Dù Tổng thống Trump có cam kết gì cho cuộc bầu cử sắp tới và khả năng giữ ghế “ông chủ” Nhà Trắng, sẽ là khôn ngoan nếu ông Trump không đánh giá thấp quyết tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bởi ông Tập đã “nhào nặn” và xây dựng được đội ngũ lãnh đạo trung thành.

Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu (Global Times) Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), người được ví như phát ngôn viên không chính thức của chính quyền Trung Quốc, đã đăng dòng tweet phản bác cáo buộc của Tổng thống Trump về việc Trung Quốc muốn cựu Phó Tổng thống Joe Biden đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.

“Ngược lại, các cư dân mạng Trung Quốc mong muốn ông Trump tái cử vì ông Trump có thể làm cho nước Mỹ trở nên lập dị và đáng ghét đối với thế giới. Ông Trump cũng có thể thúc đẩy sự đoàn kết ở Trung Quốc và khiến tin tức thế giới trở nên khôi hài”, ông Hồ Tích Tiến viết.

Theo nhà nghiên cứu Frederick Kempe, sẽ đặt vấn đề sai cách nều như cho rằng đại dịch Covid-19 có thể khiến Trung Quốc mạnh hơn hay yếu đi trên trường thế giới. Trung Quốc có thể suy yếu về kinh tế và danh tiếng, nhưng lại có quyết tâm cao hơn về mặt địa chính trị.

Ngay cả khi lần đầu tiên Quốc hội Trung Quốc không đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 sau khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới suy giảm 6,8% trong quý I/2020, nước này vẫn cho thấy quyết tâm chính trị lớn khi nhắm đến Hong Kong và tăng cường các hành động ngăn ngừa ảnh hưởng và sự can thiệp của nước ngoài.

Trong cuộc trò chuyện gần đây với các giáo sư và sinh viên Đại học Giao thông Tây An, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Những tiến bộ lịch sử vĩ đại luôn đến sau những thảm họa lớn”, đồng thời gợi nhắc sự hy sinh của Trung Quốc trong quá khứ và những tiềm lực của Trung Quốc hiện nay. “Đất nước chúng ta đã được tôi luyện và trưởng thành qua khó khăn và gian khổ”, ông Tập Cận Bình nói các giáo sư và sinh viên Đại học Giao thông Tây An.

Còn với nước Mỹ, ông Kempe cho rằng điểm yếu lớn nhất của nước Mỹ hiện nay là “vấn đề Pogo”, một cụm từ gắn với nhân vật hoạt hình Walt Kelly của những năm 60 của thế kỷ trước - với câu nói kinh điển: “Chúng ta đã thấy kẻ thù và kẻ thù là chính chúng ta”. Với nước Mỹ lúc này, thật khó để suy nghĩ và đưa ra hành động mang tính lâu dài trong năm bầu cử 2020, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương bình luận.

THEO TIN NHANH CHỨNG KHOÁN