Facebook, Google, Twitter phản đối sắc lệnh của Donald Trump
Việc cắt giảm quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với nội dung người dùng đăng tải trên nền tảng của mạng xã hội, internet vấp phải sự phản đối gay gắt.
Tấm khiên yếu đi
Hôm nay 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhắm vào tấm lá chắn pháp lý của các công ty internet, đây là điều mà các công ty này đang dựa vào để bảo vệ họ khỏi trách nhiệm đối với nội dung do người dùng tạo ra.
Cụ thể, sắc lệnh của Donald Trump nhắm và Mục 230 của Đạo luật về Thông tin về Truyền thông, rất cần thiết cho các nền tảng xã hội lớn như Twitter, YouTube, Facebook, Google...
Theo đó, trước đây, các công ty internet có quyền miễn trừ trách nhiệm đối với những nội dung mà người dùng đăng tải trên nền tảng của mình. Tuy nhiên theo sắc lệnh mới mà Tổng thống Trump vừa ký, điều luật miễn trừ sẽ bị giảm bớt, và các công ty như Facebook, Twitter và Google sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung người dùng đăng tải.
Ông Trump cho biết: “Đó là một vấn đề lớn. Họ có một chiếc khiên bảo vệ. Do đó họ có thể làm bất cứ thứ gì họ muốn. Nhưng giờ đây họ sẽ không còn chiếc khiên đó nữa”.
Trong buổi ký sắc lệnh, vị Tổng thống Mỹ đã nêu ra quan điểm của mình rằng, khi các mạng xã hội như Twitter chỉnh sửa các bài viết, thiết lập danh sách đen, đây là hành động biên tập, thuần túy và đơn giản. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc đó, Twitter không còn là một nền tảng xã hội trung lập, mà họ đã trở thành những biên tập viên có quan điểm riêng của mình, như vậy đã mất đi tính trung lập cần thiết.
“Tôi cho rằng điều này cũng đúng với các mạng xã hội và tìm kiếm khác như Google hay Facebook” – ông Trump cho biết.
Phản ứng gay gắt
Với sắc lệnh này, lẽ dĩ nhiên các công ty internet đã có những phản ứng gay gắt. Các công ty công nghệ và những người ủng hộ quyền internet tin rằng sắc luật mới đã làm đảo ngược tinh thần ban đầu của đạo luật (Mục 230). Họ cho rằng, Mục 230 được thiết kế để bảo vệ các công ty internet khỏi bị kiện vì nội dung họ lưu trữ đồng thời trao quyền cho họ đưa ra lựa chọn kiểm duyệt mà không chịu trách nhiệm về những quyết định đó.
Chính Twitter đã gọi lệnh này là một cách tiếp cận chính trị hóa đối với một đạo luật mang tính bước ngoặt: “Mục 230 bảo vệ sự đổi mới của nước Mỹ và tự do ngôn luận. Nỗ lực nhằm phá bỏ điều luật này sẽ đe dọa tương lai của tự do ngôn luận và tự do trên mạng internet”.
Facebook cũng đưa ra một tuyên bố, khẳng định rằng: “Công ty đã tin tưởng vào việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận đối với các dịch vụ của chúng tôi, đồng thời bảo vệ cộng đồng của chúng tôi khỏi nội dung độc hại bao gồm nội dung được tung ra để ngăn cử tri thực hiện quyền bầu cử”.
Trong khi đó, gã khổng lồ tìm kiếm Google cũng bày tỏ phản đối Đạo luật này: “Chúng tôi có chính sách nội dung rõ ràng và chúng tôi thi hành chúng mà không liên quan đến quan điểm chính trị”, một phát ngôn viên của Google cho biết.
“Làm suy yếu Mục 230 theo cách này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của Mỹ và sự lãnh đạo toàn cầu về tự do internet” – Google cho biết.
Mặc dù việc loại bỏ tấm khiên này không gây ra mối đe dọa hiện hữu cho các công ty internet, nhưng nó cho thấy, các công ty truyền thông xã hội sẽ phải gắt gao hơn trong việc kiểm duyệt nội dung. Và họ lo ngại rằng, đây là dấu hiệu cho thấy các mạng xã hội, internet mất đi sự tự do, đây là thay đổi rất lớn với mạng internet trong tương lai