Ba xu hướng Fintech chuyển mình trong thời đại hậu Covid-19
Sau thời gian đầu phải vật lộn để bảo vệ nhân viên, khách hàng và cộng đồng, lĩnh vực Fintech đang đi qua khủng hoảng một cách ổn định.
Với những gì đã và đang diễn ra, Fintech nổi lên là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều sự chú ý trong cũng như sau đại dịch. Dịch bệnh Covid-19 đã mang đến lực đẩy mạnh mẽ cho các phương thức trực tuyến và lĩnh vực Fintech ở một vị thế thuận lợi để nắm bắt và tận dụng các cơ hội nổi lên từ tình hình thực tế hiện nay.
Sau thời gian đầu phải vật lộn để bảo vệ nhân viên, khách hàng và cộng đồng, lĩnh vực Fintech đang đi qua khủng hoảng một cách ổn định.
Với việc nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt các lệnh phong tỏa, những nền tảng thanh toán kỹ thuật số lại phát triển mạnh mẽ và các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đang hướng đến các chức năng cơ bản của Fintech để đáp ứng những nhu cầu cấp bách của mình.
Một thực tế là nguồn vốn từ lĩnh vực nhà nước và tư nhân đã bị thu hẹp, điều đó đang đe dọa các Fintech còn non trẻ. Các nhà đầu tư tài chính tập trung vào ít danh mục tài sản đầu tư hơn, đồng thời gia tăng kỳ vọng và ưu tiên lợi nhuận.
Tuy nhiên, khi nhìn về tương lai, chúng ta có thể nhận thấy những cơ hội hấp dẫn để đầu tư và mua bán sáp nhập - với các điều khoản và giá cả hợp lý hơn cho người mua.
Các công ty tập trung vào thâu tóm mua lại doanh nghiệp một cách có chiến lược sẽ săn lùng các công ty Fintech có thể giúp họ tiếp cận các phân khúc khách hàng mới hoặc các sản phẩm mới.
Dưới đây là ba chủ đề chính dự đoán sẽ định hình tương lai của Fintech.
Chuyển dịch trọng tâm
Mặc dù viễn cảnh phía trước đầy thách thức do tình hình suy thoái kinh tế trên toàn cầu, vẫn có nhiều điểm sáng cho lĩnh vực Fintech.
Xu hướng thanh toán kỹ thuật số đã phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là cơ hội mang đến những sản phẩm mới và những sự hỗ trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Với việc nhiều cửa hàng, chi nhánh hoạt động theo kiểu truyền thống phải đóng cửa, thương mại trực tuyến với sự hỗ trợ của Fintech lại ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ.
Tại châu Âu, trong giai đoạn áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, tần suất sử dụng các ứng dụng Fintech đã gia tăng 72% chỉ trong một tuần ở thời điểm cuối tháng 3, theo báo cáo của deVere.
Trong giai đoạn khủng hoảng này, người dân và doanh nghiệp đang chuyển sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số cho nhu cầu thiết yếu.
Chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục kể cả khi dịch Covid-19đã chấm dứt, khi khách hàng đã trở nên quen thuộc với hành vi tiêu dùng mới, tìm ra những phương thức mới mang lại hiệu quả và thích nghi với phong cách sống mới sử dụng các nền tảng kỹ thuật số.
Điều này đã trở thành thực tiễn trong các lĩnh vực sử dụng Fintech vốn bùng nổ trong giai đoạn phong tỏa, như sức khỏe, nhu yếu phẩm, giao tiếp trực tuyến, giáo dục và nội dung số.
Các doanh nghiệp Fintech dành những nỗ lực vượt bậc để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn này sẽ có cơ hội thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ sau khủng hoảng.
Do đó, các nhà đầu tư đang thúc giục các công ty trong danh mục đầu tư của mình định hướng lại chiến lược sản phẩm cốt lõi, dịch vụ khách hàng và mục tiêu hoạt động.
Các nhà sáng lập đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mục đích hướng đến của doanh nghiệp sau dịch Covid-19 là gì và cần phải có hướng đi như thế nào để đạt được mục tiêu đó.
Các nền tảng thanh toán lớn và đa dạng đang hoạt động khá hiệu quả và ghi nhận sự gia tăng trong khối lượng giao dịch đến từ các ngách của thương mại điện tử.
Các ngân hàng thế hệ mới hàng đầu thị trường cũng sẽ thu về nhiều lợi ích nếu tập trung vào nâng cao trải nghiệm số cho khách hàng, nếu như họ có thể tạo ra thu nhập từ các ứng dụng thông qua các phương thức kinh doanh truyền thống.
Các vòng huy động vốn nên được dùng để triển khai năng lực bảo lãnh và các sản phẩm ngân hàng dành cho doanh nghiệp.
Với sự đầu tư thích đáng vào hệ thống quản lý rủi ro, một số nền tảng cho vay sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng trong nhu cầu của khách hàng đi vay tìm kiếm mức lãi suất thấp, được hỗ trợ bởi các chương trình của chính phủ.
Một số mảng trong lĩnh vực Fintech có thể sẽ chứng kiến sự chuyển hướng của các nguồn lực. Các lệnh phong tỏa đã làm suy giảm nhu cầu sử dụng các thiết bị bán hàng. Những quy định về hạn chế đi lại xuyên biên giới cũng làm giảm khối lượng thanh toán và ngoại hối. Một cuộc suy thoái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các Fintech phục vụ khách hàng đại chúng.
Về mặt địa lý, các quốc gia có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém sẽ phục hồi chậm hơn. Lĩnh vực Fintech cũng phải đối mặt với những thách thức, vì vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần phải hết sức sáng suốt và thận trọng.
Áp lực tài chính và mua bán sáp nhập
Nguồn vốn hiện đang bị thu hẹp trong ngắn đến trung hạn, ở cả thị trường đại chúng lẫn thị trường tư nhân.
Các thương vụ liên quan đến Fintech trong quý I/2020 đã giảm xuống bằng mức của năm 2017, với số lượng các thương vụ được thực hiện chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều công ty Fintech đang vật lộn để bảo toàn dòng tiền khi các cột mốc doanh thu rất khó để duy trì trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu nhiều áp lực.
Với việc tập trung vào ít công ty trong danh mục đầu tư hơn so với trước đây, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ gia tăng các khoản đầu tư và kỳ vọng cao hơn vào các công ty này.
Đối với các Fintech đã hoạt động ổn định, thị trường vốn vay có đòn bẩy (leveraged-loan) và trái phiếu có lãi suất cao bị đóng băng làm hạn chế dòng vốn vốn đầu tư tư nhân, trong khi thị trường vốn đại chúng cũng gặp nhiều thách thức.
Trong một môi trường hạn chế về nguồn vốn, chúng ta có thể nhận thấy hoạt động vượt trội của các Fintech nhanh nhạy có chi phí cố định thấp và khả năng chuyển dịch từ mô hình “tăng trưởng bằng mọi giá” sang mô hình hoạt động có lợi nhuận. Sáp nhập hợp nhất là một phương án có thể cân nhắc.
Các Fintech có thể tìm kiếm sự cộng hưởng về doanh thu và chi phí thông qua hoạt động mua bán hoặc thiết lập quan hệ hợp tác.
Hồi tháng 3 vừa qua, TransferWise và Alipay đã thiết lập quan hệ hợp tác, hay hồi tháng 2, Rapyd đã ký thỏa thuận hợp tác với Visa.
Những mối quan hệ hợp tác như vậy sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh thiếu vắng nguồn vốn mới để thúc đẩy tăng trưởng.
Các Fintech phát triển hơn và mới hoàn thành đợt gọi vốn gia đoạn cuối cũng nên tham gia vào dẫn dắt hoạt động sáp nhập hợp nhất.
Cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược
Trong giai đoạn thị trường phát triển nhanh chóng, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Khi các nhà đầu tư thoái lui, việc định giá Fintech có khả năng bị ảnh hưởng, với sự gia tăng của các vòng gọi vốn trong đó giá trị công ty được định giá thấp hơn, các vòng gọi vốn mà giá trị công ty bị trượt giá hoặc các giai đoạn chuyển đổi.
Điều này sẽ mang lại cơ hội đầu tư cho các ngân hàng, Fintech đã hoạt động ổn định và nền tảng công nghệ lớn.
Các phân khúc Fintech mà trước đây bị coi là khó tiếp cận vì chi phí đắt đỏ nay có thể tiếp được cận dễ dàng hơn - chẳng hạn như mô hình ngân hàng bán lẻ kỹ thuật số.
Khi thị trường IPO hạ nhiệt, M&A sẽ trở thành lựa chọn rút lui đáng để cân nhắc nhất cho các nhà sáng lập và đầu tư của các Fintech, do đó, các bên mua sẽ được hưởng lợi từ các điều khoản và giá cả tốt hơn.
Các công ty tập trung vào thâu tóm mua lại doanh nghiệp một cách có chiến lược sẽ săn lùng những Fintech cung cấp các sản phẩm sáng tạo, cơ sở hạ tầng thông suốt hay khả năng tiếp cận khách hàng.
Chúng ta cũng có thể nhận thấy các tổ chức tài chính mở rộng sang các “hệ sinh thái” gần kề - trong thương mại điện tử, y tế, và nội dung trực tuyến.
Ba chủ đề trên cho thấy những cách thức Fintech có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn khó khăn này, với trọng tâm được đặt vào sự sáng tạo và những nền tảng cơ bản.
Trong quá trình phát triển, điều này sẽ tạo nên những cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược - nếu họ có thể phản ứng nhanh nhạy với sự chuyển dịch thị trường và suy nghĩ vượt lên trên lề thói cũ.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức trong cộng đồng, tuy nhiên chúng tôi hy vọng lĩnh vực Fintech sẽ tiếp tục đổi mới các dịch vụ tài chính và mang đến lợi ích cho tất cả mọi người.