Tương tác kỹ thuật số - trạng thái “bình thường mới” của ngành y tế
Tương tác kỹ thuật số đang mở ra trạng thái “bình thường mới” của ngành y tế, đó là nhận định của ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc GE Việt Nam kiêm Giám đốc điều hành GE Healthcare Việt Nam.
Trong những tình huống bất ổn như dịch COVID-19, việc chuyển đổi dịch vụ y tế và đào tạo nhân lực theo hướng số hóa sẽ giúp đảm bảo đáp ứng những nhu cầu mới và khẩn cấp của cộng đồng. Về vai trò của tương tác kỹ thuật số trong tương lai ngành y tế, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có nội dung trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc GE Việt Nam kiêm Giám đốc điều hành GE Healthcare Việt Nam.
- Thời điểm sau dịch COVID-19 chính là bước ngoặt cho ngành y tế khi đây là lúc công nghệ số thể hiện được rõ nhất sức mạnh trong việc khám và chữa bệnh. Ông có nhận định như thế nào về ý kiến này?
Những biến động như dịch COVID-19 là một tác nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế hơn là tạo ra bước ngoặt, đưa y tế đi theo một hướng mới. Quá trình chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra từ hàng chục năm nay, tạo ra những biến đổi rõ rệt trong chất lượng và tốc độ dịch vụ khám chữa bệnh. Đây là một xu hướng tất yếu, và tôi nghĩ rằng việc chúng ta cần đến sự hỗ trợ nhiều hơn của kỹ thuật số để mang đến nhiều lợi ích hơn cho hệ thống y tế và bệnh nhân là một điều bình thường dễ hiểu.
Đại dịch gây ra sự tăng đột biến về nhu cầu mà khó có thể đáp ứng theo cách trực tiếp truyền thống, nhanh chóng thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ, điều mà trước đây có thể còn vướng mắc nên người ta càng thấy rõ được hiệu quả và vai trò của các công nghệ. Chúng tôi rất lạc quan về cuộc chuyển đổi số trong ngành y tế tại Việt Nam.
- Công nghệ kỹ thuật số có thể mang đến những lợi ích nổi bật nào cho các bệnh nhân thưa ông?
Trước hết, với sự hỗ trợ từ các thiết bị công nghệ cao, quá trình chẩn đoán bệnh sẽ yêu cầu ít sự can thiệp từ con người, rút ngắn thời gian chẩn đoán và điều trị bệnh, giảm thiểu lỗi sai từ con người, tăng độ chính xác trong chữa trị. Các công nghệ tự động hóa kết hợp cùng khả năng phân tích dữ liệu của trí tuệ nhân tạo giúp tiết kiệm thời gian của các y bác sỹ để họ có thể tập trung vào công việc quan trọng khác.
Trong trường hợp đại dịch, thảm họa, rõ ràng chúng còn có vai trò giúp hỗ trợ triển khai dịch vụ y tế từ xa một cách kịp thời và loại bỏ khả năng lây nhiễm bệnh do tiếp xúc gần trong những trường hợp không cần thiết. Từ đó tạo ra một môi trường an toàn cho bác sỹ, bệnh nhân, người nhà và những người đến thăm.
- Ngoài những thay đổi trong hiệu quả khám chữa bệnh, công nghệ số có tác động như thế nào đến việc đào tạo chuyên môn?
Đào tạo và huấn luyện theo hình thức trực tuyến đang được áp dụng và trở thành tiền đề cho một phương pháp hỗ trợ y tế mới giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự chuyên môn cao. Với phương pháp này, các bác sỹ ở bất cứ đâu vẫn luôn tiếp cận được với những kiến thức chuyên môn và sự hướng dẫn từ chuyên gia đầu ngành.
Theo số liệu từ Solidiance, trung bình Việt Nam có khoảng 8,6 bác sỹ/10.000 dân. Hầu hết nhân viên y tế tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Sự phân bổ chưa được đồng đều này tạo nên sự mất cân bằng trong chuyên môn giữa các tuyến.
Trong trường hợp dịch bệnh gây hạn chế di chuyển khiến, các công nghệ này giúp các cán bộ y tế đảm bảo quá trình trau dồi kiến thức liên tục.
- Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình chuyển đổi số ngành y tế đối với doanh nghiệp?
Một số công nghệ nổi bật nhất có thể kể đến là TeleICU, công nghệ theo dõi từ xa, công nghệ bảo dưỡng thiết bị từ xa. TeleICU là công nghệ giúp kết nối những bệnh nhân ở xa với với một đội ngũ y tế trọng yếu qua một trung tâm chỉ huy và truyền tải thông tin về sức khoẻ của bệnh nhân, bao gồm âm thanh và hình ảnh trong thời gian thực.
Với công nghệ theo dõi từ xa, bác sỹ có thể theo dõi tình trạng của bệnh nhân mà không cần luôn túc trực bên cạnh. Điều này giảm thiểu tiếp xúc giữa bác sỹ và bệnh nhân, tránh nguy cơ lây bệnh trong khi vẫn có thể hỗ trợ kịp thời trong mọi tình huống.
Đối với thiết bị, khi áp dụng công nghệ bảo dưỡng từ xa, qua các ứng dụng tương tác thực tế ảo, các chuyên gia kỹ thuật có thể hướng dẫn cách sửa chửa, bảo dưỡng máy móc và giải quyết những vấn đề đơn giản. Các nhà phân phối có thể dựa vào đó để chuẩn bị sẵn sàng những bộ phận, dụng cụ cần thiết, tránh những tình huống hỏng hóc bất ngờ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai chuỗi chương trình trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin cần thiết về bệnh dịch và đáp ứng yêu cầu đào tạo y khoa liên tục. Vừa qua, GE Healthcare cũng tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến về các vấn đề y tế trong dịch COVID-19 và thu hút hơn 1.000 nhân viên y tế tham gia.
- Trong thời gian qua, GE Healthcare đã triển khai các giải pháp kỹ thuật số như thế nào tại Việt Nam thưa ông?
GE Healthcare mong muốn tiếp tục kết hợp với ngành y tế Việt Nam để đưa những thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất vào vận hành. Suốt thời gian qua, chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp y tế mới tại Việt Nam, nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thời gian dịch COVID-19.
Trong tháng 3, GE Healthcare đã cung cấp hơn 200 máy theo dõi và máy thở của GE Healthcare cho trung tâm y tế từ xa thuộc bộ Y tế nhằm góp sức vào cuộc kiểm soát sự bùng phát của dịch COVID-19. Cùng với các công nghệ khác, thiết bị của chúng tôi đã kết nối 20 bệnh viện tuyến tỉnh xuyên suốt Bắc – Trung – Nam với trung tâm y tế từ xa tại Hà Nội, đảm bảo các cơ sở y tế ở nông thôn vẫn tiếp cận được với kiến thức y khoa cần thiết.
Bên cạnh đó, vào tháng 4, GE Healthcare đã phối hợp cùng Hội Kỹ Thuật Điện Quang & Y Học Hạt Nhân Việt Nam tổ chức một số hội thảo trực tuyến về chụp X-quang và kỹ thuật chụp CT lồng ngực để tăng hiệu quả chẩn đoán COVID-19 và hướng dẫn an toàn cho các kỹ thuật viên khi tiếp xúc với ca nghi nhiễm. Tháng 5, GE Healthcare cũng hỗ trợ để tổ chức buổi đào tạo y khoa liên tục về hình ảnh 3D của tử cung trong điều trị vô sinh.
Trong thời gian tới, GE sẽ tiếp tục làm việc cùng các cơ sở y tế tại Việt Nam để đưa ra những giải pháp công nghệ số phù hợp với tình hình thực tế, xoay quanh hai cốt lõi là nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng nhân lực.
Có thể bạn quan tâm