Dấu hiệu Huawei thấm đòn trừng phạt của Mỹ
Sau hơn một năm kể từ khi chính quyền Tổng thống Donal Trump áp đặt lệnh trừng phạt lên Huawei, tốc độ tăng trưởng về doanh số smartphone của nhà sản xuất Trung Quốc đã có dấu hiệu chậm lại.
Theo số liệu của Công ty Dữ liệu quốc tế IDC cho thấy, ở cấp độ toàn cầu, các lô hàng smartphone của Huawei trong quý đầu năm nay chỉ ở mức 49 triệu chiếc, đây là con số thấp nhất trong 8 quý qua của Huawei và giảm từ mức cao nhất là 66 triệu chiếc trong hai quý trước đó. Được biết, doanh số smartphone của Huawei hiện đang chiếm khoảng 1/5 thị trường smartphone Android trên toàn thế giới.
Hiện tại, Huawei đang mất khả năng cạnh tranh ở nhiều thị trường, doanh số thường giảm xuống các mẫu cũ và rẻ hơn trong khi quyền truy cập vào các ứng dụng của Google cho smartphone không còn có sẵn trên các mẫu mới.
Trong nửa cuối năm 2018, Huawei đã xuất khẩu hơn một nửa số điện thoại của mình, thì trong quý vừa qua tỷ lệ này đã giảm xuống còn 42%. Nhưng về mặt doanh thu, với sự gia tăng các mẫu smartphone 5G đắt tiền hơn đã đẩy doanh thu trung bình của Huawei ở thị trường Trung Quốc tăng lên.
Huawei là một người chơi đến sau trong lĩnh vực sản xuất smartphone của Trung Quốc, họ bắt đầu sản xuất điện thoại chủ yếu cung cấp cho các nhà khai thác viễn thông.
Vì Huawei đã là một công ty sản xuất cơ sở hạ tầng viễn thông ở cấp độ toàn cầu, có mối liên kết với các nhà khai thác di động trên toàn thế giới. Huawei quyết định tận dụng điều này và bán chủ yếu ở nơi các nhà khai thác có quyền kiểm soát lớn nhất đối với thị trường bán lẻ điện thoại, chủ yếu ở các nước giàu hơn.
Các thương hiệu lớn khác của Trung Quốc như Vivo, OPPO và Xiaomi đang mở rộng thị trường trong đó ưu tiên hàng đầu vào các thị trường mới nổi lớn ở châu Á như Ấn Độ, nơi mà thị trường bán lẻ smartphone không được kiểm soát bởi các nhà cung cấp di động.
Trong khi đó, Huawei có thị phần rất thấp ở thị trường Ấn Độ và cũng không mạnh ở một số thị trường châu Á lớn khác như Indonesia, Việt Nam và Đài Loan. Tuy nhiên, nó đang hoạt động tốt ở Philippines, Malaysia, Thái Lan và Sri Lanka.
Huawei đã trở thành một người chơi có phạm vi tiếp cận trên toàn thế giới, nhưng hầu như không chiếm lĩnh được ở các thị trường lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Ấn Độ và Mỹ.
Liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia trong triển khai cơ sở hạ tầng mạng 5G, các quốc gia trong nhóm “Five Eyes” bao gồm Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Anh mà đứng đầu là Mỹ và Úc đã phát động cuộc tấn công nhằm chống lại Huawei.
Trong số 5 quốc gia thuộc nhóm “Five Eyes” thì Huawei có rất ít thị phần ở thị trường Mỹ, Canada và Úc, nhưng lại chiếm thị phần đáng kể ở Anh. Châu Âu là một thị trường quan trọng, vì nó chiếm ¼ thị trường điện thoại thông minh Android cao cấp toàn cầu có giá bán lẻ trước thuế trên 600 USD. Và châu Âu là nơi Huawei đạt được một số lợi nhuận lớn nhất trong hai năm trước lệnh trừng phạt của Mỹ, với thị phần đạt đỉnh gần 30% thị trường Android vào năm ngoái.
Châu Âu luôn luôn là khu vực có tình hình chính trị phức tạp. Trong khi một số quốc gia trong Liên minh châu Âu rất nhiệt tình với Huawei và khá hài lòng về việc cho phép họ có vai trò trong cơ sở hạ tầng mạng 5G thì một số quốc gia khác lại có quan điểm ngược lại.
Điều đó được thể hiện qua việc Huawei đã tiếp tục làm tương đối tốt ở Trung và đặc biệt là Đông Âu, nhưng đã bị suy giảm ở Tây Âu, nơi có nhiều quốc gia phản đối Huawei triển khai mạng 5G của họ.
Đối với Huawei, Nga là thị trường quan trọng ở khu vực Đông Âu, tại đây Huawei đã làm rất tốt thông qua thương hiệu điện thoại thông minh thứ hai của mình là Honor. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ Latinh cũng là một thế mạnh của Huawei khi trong năm vừa qua họ đã củng cố được vị thế của mình.
Mỹ hiện đang trong quá trình tăng cường áp lực lên Huawei. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei vào năm ngoái đã buộc nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc phải xem xét về sự tự lực trong công nghệ và gia tăng nỗ lực vào phát triển thị trường nội địa.