Điều gì khiến Tổng thống Donald Trump muốn cấm TikTok tại Mỹ?
TikTok là “ngôi sao đang lên” trong ngành internet với khoảng 800 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng trên toàn cầu, trong đó có trên 80 triệu thành viên đang sinh sống tại Mỹ.
Ông Trump cùng nhiều quan chức chính phủ Mỹ quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia, và tin rằng công ty quốc hữu của Trung Quốc đang sở hữu TikTok sẽ gửi dữ liệu người dùng về cho chính quyền Bắc Kinh.
TikTok là “ngôi sao đang lên” trong ngành internet với khoảng 800 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng trên toàn cầu, trong đó có trên 80 triệu thành viên đang sinh sống tại Mỹ. Ứng dụng chia sẻ video ngắn này thuộc sở hữu của ByteDance, một công ty quốc hữu Trung Quốc. Chính vì vậy, Tổng thống Donald Trump muốn cấm phần mềm này hoạt động trên đất Mỹ.
Theo BCC, lệnh cấm là một cú giáng mạnh mẽ vào ByteDance. Hiện chưa rõ các vấn đề pháp lý liên quan tới việc thực thi ý định của ông Trump bởi không phải cứ là tổng thống thì có thể làm mọi điều trong hệ thống luật pháp Mỹ, chưa kể tới khả năng hiện thực hóa cũng như những thách thức về mặt pháp luật. Microsoft đã có ý định đàm phán để mua lại TikTok từ ByteDance nhưng Tổng thống Trump đang cân nhắc thương vụ này.
Phía TikTok phủ nhận cáo buộc từ Washington, trong khi người phát ngôn từ chối bình luận về lệnh cấm nói trên, chỉ tuyên bố trước báo giới rằng công ty “vẫn tự tin với thành công lâu dài của TikTok tại thị trường Mỹ”.
Bên cạnh vấn đề an ninh quốc gia, nhiều giả thiết được các chuyên gia đề cập trong sự kiện này. Ý định cấm TikTok tại Mỹ đã được đưa ra thảo luận từ vài tuần trước, còn sự thật phía sau bước đi trên vẫn là ẩn số. Nếu vấn đề không thực sự liên quan tới Trung Quốc hay chuyện an ninh quốc gia.
Forbes đặt giả thiết đây là hành động trả đũa của ông Trump sau vụ “biểu tình vắng mặt” tại Tulsa (Oklahoma, Mỹ) hồi tháng 6 vừa qua. Cuộc vận động tại Tulsa được kỳ vọng đánh dấu sự trở lại của các chiến dịch tranh cử mà Tổng thống mong mỏi với gần 20.000 người tham dự sau nhiều tháng bị giãn cách vì Covid-19.
Nhưng tất cả đổ bể trong mắt ông Trump khi nhiều TikToker (người chơi TikTok) và người trẻ đồng lòng tham gia chiến dịch đăng ký vé tới sự kiện rồi cuối cùng chẳng ai có mặt.
Tính chân thực trong giả thiết của Forbes chỉ có thể được giải đáp bởi chính ông Trump, hoặc có lẽ một vài thành viên trong nội các của ông.
Trở về với lý do an ninh quốc gia, BBC cũng cho rằng hành động của người đứng đầu Nhà Trắng còn bắt nguồn từ sâu xa hơn thế. Tại Ấn Độ, TikTok bị cấm sau khi nước này có đụng độ với Trung Quốc ở biên giới, hình thành nên một mối thù địa chính trị. Và điều tương tự cũng diễn ra dù ở Mỹ. Những quan điểm của ông Trump đã “đóng đinh” với Trung Quốc và trong các vấn đề đều được nhìn nhận qua lăng kính này.
Quan chức Washington ngày càng lo ngại về việc chính quyền Trung Quốc có thể tiếp cận thông tin của công dân Mỹ thông qua TikTok vì ứng dụng này thuộc công ty do Bắc Kinh quản lý. Trước đó, Lầu Năm Góc từng bày tỏ quan ngại tương tự đối với hai công ty Trung Quốc khác là Huawei và ZTE.
TikTok đương nhiên tuyên bố không lưu trữ dữ liệu người dùng tại Trung Quốc (được sao lưu tại máy chủ đặt ở Mỹ và Singapore), đồng thời không bao giờ trao thông tin này cho Bắc Kinh. CNN dẫn lời các chuyên gia bảo mật cho rằng rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn từ TikTok chỉ là lý thuyết và chẳng có bằng chứng nào cho thấy dữ liệu người dùng phần mềm này bị tình báo Bắc Kinh sử dụng.
Nhưng dù thế này hay thế khác, dù TikTok có nói gì đi chăng nữa, việc thuộc sở hữu của một công ty nhà nước Trung Quốc cũng đã là “một cái tội”.
Trang New York Times cho rằng nội các của ông Trump nếu không thể hiện thực hóa ý định cấm hoàn toàn TikTok thì cũng có cách để hạn chế ứng dụng này trên đất Mỹ nhờ vào Đạo luật Quyền lực Kinh tế khẩn cấp quốc tế để ngăn các sản phẩm ngoại quốc khỏi kho ứng dụng của Mỹ. Hoặc phương án khác là điền tên ByteDance vào danh sách cấm giao thương với doanh nghiệp Mỹ mà chưa được cấp phép.
Theo Forbes, TikTok có một cánh cửa hẹp để thoát thân là bán mình cho công ty Mỹ để được quyền hoạt động tại đây. Nhưng Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Đây không phải mấy thương vụ giao dịch như mọi người thường nghe, rằng họ sẽ mua rồi bán, rằng thế này rồi thế kia, đồn nhau công ty này công ty nọ liên quan. Nước Mỹ không phải là công ty chuyên mua lại và sáp nhập”.