Trung Quốc bao giờ “thoát Mỹ”?
Thời gian qua, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, như Huawei, ZTE… đã lọt vào danh sách đen của Mỹ.
Để tự chủ công nghệ, thoát phụ thuộc vào Mỹ, thì Trung Quốc không còn cách nào khác là phải tự sản xuất chip.
Cuộc chơi tốn kém
Sau Huawei, ZTE… lại đến lượt SMIC- nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, có nguy cơ bị Mỹ “cấm cửa”. Trước thực trạng này, SMIC sẽ tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất với tổng số tiền ước tính khoảng 7 tỷ USD.
Bên cạnh vốn, SMCI cũng nhận được sự hậu thuẫn từ chính quyền Trung Quốc. Tháng 7 năm nay, Bắc Kinh thông qua chương trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm đối với các công ty bán dẫn trong nước đã sản xuất được chip kích cỡ 28nanomet hoặc nhỏ hơn. Chính phủ cũng mở rộng chương trình ưu đãi thuế cho toàn bộ chuỗi cung ứng chất bán dẫn, từ thiết kế đến đóng gói…
Hiện SMIC đang vận hành 9 nhà máy ở Trung Quốc. Trong đó, tại Vũ Hán, tập đoàn này sở hữu một nhà máy sản xuất chip trị giá 20 tỷ USD được khởi công năm 2018 với tham vọng trở thành trung tâm sản xuất thiết bị bán dẫn có tầm cỡ châu lục. Nhưng giấc mơ này gần như tan vỡ do thiếu vốn.
Hay như Tacoma Nanjing Semiconductor Technology- một nhà máy khác trị giá 3 tỷ USD ở phía Đông Trung Quốc do Chính phủ hậu thuẫn cũng phá sản do không thu hút được nhà đầu tư.
Không chỉ là tiền
Công nghệ bán dẫn là một trong những tiến bộ vượt bậc của loài người trong nửa sau thế kỷ 20, công nghệ này đóng vai trò là trái tim của mọi thiết bị điện tử từ thông thường đến thông minh hiện nay.
Mỹ đang đứng đầu về công nghệ bán dẫn, chiếm 49% sản lượng; kế tiếp là Hàn Quốc chiếm 24% thị phần; Châu Âu, Nhật Bản cùng chiếm 9%. Trong khi đó, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng Trung Quốc chỉ tăng nhẹ thị phần từ 1% lên 4% từ năm 2008 đến 2018.
Dù vậy, Huawei, Oppo, Xiaomi (Trung Quốc) vẫn là những nhà sản xuất smartphone lớn nhất toàn cầu, gần như toàn bộ chip thế hệ mới đều được mua từ các công ty Mỹ.
Sau 40 năm xây dựng, đến quý I/2020, Trung Quốc mới có một công ty sản xuất chip lọt vào top 10 thế giới, đó là HiSilicon- công ty con của Huawei. Tuy nhiên so với 10 công ty hàng đầu như Intel, Samsung, TMSC Micron, Broadcom,… Trung Quốc mới chiếm một tỉ lệ công suất 3,7%.
Tự chủ công nghệ bán dẫn là quá trình lâu dài, nước Mỹ có lịch sử 300 năm thì có hơn 200 năm công nghiệp hóa, họ là chủ nhân của 1 trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Thập niên 50 thế kỷ trước, Trung Quốc còn nghèo khó thì Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu hóa rồng bằng tiềm lực tự có.
Trong khi đó, nền công nghiệp Trung Quốc, nhất là công nghiệp điện tử dính rất nhiều tai tiếng như vi phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí đánh cắp công nghệ. Rõ ràng, Trung Quốc cần thêm nhiều thời gian để có thể đuổi kịp đối thủ.