Bắc Kinh tính 'trường chinh công nghệ'

THEO TUỔI TRẺ 29/09/2020 16:19

Bắc Kinh đã nhận thấy những hệ quả ngày càng nặng nề đối với ngành công nghệ cao của nước này sau những cú tấn công liên tiếp của Washington.

Sáng 28-9, giá cổ phiếu của Tập đoàn Sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc đã đột ngột giảm mạnh hơn 7,6%, sau khi nhiều hãng truyền thông đưa tin Washington đã áp đặt lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với công ty này hồi cuối tuần trước.

SMIC trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu thứ 2 của Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế thương mại của Mỹ, sau Tập đoàn công nghệ Huawei.

Cụ thể trong phiên mở cửa sáng 28-9 tại thị trường giao dịch Hong Kong, cổ phiếu của SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, có trụ sở tại Thượng Hải - đã giảm 7,64%, chỉ còn 17,10 đôla Hong Kong.

Vẫn là lý do "dính líu đến quân đội"

Đây được xem là hệ quả của việc cơ quan chức năng Mỹ gửi thư tới các doanh nghiệp của nước này yêu cầu phải xin cấp phép xuất khẩu cho SMIC, với lý do SMIC và các công ty con có thể sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu vào các mục đích quân sự tiềm ẩn nguy cơ đối với Mỹ.

Thông tin từ truyền thông Mỹ cho biết Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo với các công ty sản xuất chip máy tính của Mỹ về việc phải xin giấy phép trước khi xuất khẩu một số công nghệ nhất định cho nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc.

Theo nguồn tin, các quy định mới trên được thông báo trong một lá thư gửi tới ngành công nghiệp này hôm 25-9, trong đó nêu rõ "hàng xuất khẩu cho SMIC hoặc các công ty con của công ty này có nguy cơ bị sử dụng cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc".

Chính quyền Tổng thống Trump ngày càng lo ngại hơn về việc Bắc Kinh dựa vào các công ty tư nhân để thúc đẩy các mục tiêu quân sự.

Bộ Thương mại Mỹ chưa đưa ra phản ứng về thông tin trên, tuy nhiên một người phát ngôn từ Cục Công nghiệp và an ninh cho biết họ liên tục theo dõi và đánh giá bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ và sẽ thực hiện hành động thích hợp khi được bảo đảm.

Trong khi đó, Tập đoàn SMIC cho đến nay đều bác bỏ có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Bắc Kinh lo lắng

Trong nhiều năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh vị trí thống trị về công nghệ. SMIC là chìa khóa cho tham vọng của Bắc Kinh trong việc sẽ đạt được khả năng tự chủ về chất bán dẫn trong tương lai.

Các nhà phân tích cho rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào chip sản xuất từ nước ngoài, trong đó có Mỹ, đã cản trở mục tiêu quốc gia trên.

Mối lo ngại trên đã trở thành hiện thực khi đầu năm nay Mỹ tiến hành chiến dịch nhằm ngăn chặn gã khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc tiếp cận các nguồn cung cấp chất bán dẫn toàn cầu, động thái mà công ty này cho rằng sẽ đe dọa "sự sống còn" của Huawei.

Washington thậm chí tìm mọi cách thúc giục chính phủ các nước khác loại bỏ Huawei với lý do do thám cho chính quyền Bắc Kinh. Kể từ ngày 15-9, các quy định mới đã cấm các công ty Mỹ cung ứng hay cung cấp dịch vụ sửa chữa cho Huawei.

Ngay sau thông tin về quyết định cứng rắn của Mỹ liên quan SMIC, tờ báo tiếng Anh của chính quyền Bắc Kinh là Thời báo Hoàn cầu đã có bài xã luận với tựa đề "Trung Quốc cần chuẩn bị cho cuộc trường chinh mới sau khi Mỹ tấn công SMIC".

Bài báo lập luận: "Đây là chiến trường mới của Mỹ sau cuộc bao vây toàn diện nhằm vào Huawei nhằm làm tê liệt ngành công nghệ cao của Trung Quốc. Toàn bộ ngành công nghiệp thông tin được xây dựng trên nền tảng của ngành công nghiệp bán dẫn. Và Mỹ kiểm soát chắc được điều đó.

Như vậy, Mỹ đã kiểm soát được thượng tầng chỉ huy của cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc. Không nghi ngờ gì nữa, Mỹ sẽ lợi dụng lợi thế này hơn nữa".

Tờ báo chính thống của Trung Quốc kêu gọi người dân: "Chúng ta cần chuẩn bị cho một "cuộc trường chinh mới". Chúng ta phải hiểu là sẽ có những khó khăn trong những năm tới. Nhưng chúng ta không có gì phải hoảng sợ. Mỹ không thể đè bẹp chúng ta được".

THEO TUỔI TRẺ