Kinh tế số tuần qua: Tesla liệu có cần PR?
Elon Musk là kiểu người giao tiếp với những người ông muốn và bất cứ khi nào ông thích
Kinh tế số tuần qua: Tesla liệu có cần PR?
Trang tin Elektra mới đây cho rằng Tesla có vẻ đã từ bỏ các hoạt động quan hệ công chúng. Theo đó, bộ phận PR đã bị giải thể và công ty không có phát ngôn viên để phản hồi lại báo chí. Tờ The New York Post cố gắng liên hệ liên quan đến báo cáo này của Elektra, song công ty không trả lời.
Không thể phủ nhận rằng Tesla và Elon Musk luôn rất đặc biệt, đôi khi theo những cách không ai ngờ tới. Những gì họ làm dù bất thường đến đâu cũng gây được sự chú ý. Họ có một đội ngũ làm ra các sản phẩm đột phá và một vị CEO đầy cá tính, luôn biết cách tạo sự chú ý. Bất chấp những “lùm xùm” với các cơ quan quản lý chứng khoán và ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giá trị vốn hoá của Tesla không xuống dưới mức 400 tỷ USD.
Với chừng đấy “hào quang”, có vẻ họ cũng không quá cần “đánh bóng” tên tuổi.
Tesla là cái tên tiếp theo trong nhóm các công ty “bất hảo” với giới truyền thông, nhưng vẫn thành công trong việc quảng bá hình ảnh. Trong những ngày đầu tiên của Google, những người sáng lập cũng tỏ ra không mấy thân thiện với các phóng viên. Walmart trong nhiều năm hoạt động PR một cách cầm chừng. Apple cũng vậy - bạn có thể học được nhiều điều từ Steve Jobs, nhưng trong số đó có lẽ không có kiến thức về PR.
Nói đi cũng phải nói lại. Steve Jobs vốn là một bậc thầy trong việc giao tiếp với báo chí. Với giới truyền thông, Apple giữ cách tiếp cận hai cấp độ: họ hợp tác với những đối tác họ cho là xứng đáng, và bỏ qua những cái tên còn lại.
Elon Musk cũng là kiểu người giao tiếp với những người ông muốn và bất cứ khi nào ông thích. Mới đây nhất, Elon đồng ý lời mời phỏng vấn của Maureen Down của tờ The New York Times. Ông cũng hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội Twitter. Chỉ riêng hôm thứ Tư, ông chia sẻ quan điểm về bánh ngọt ở Đức, lịch sử phá sản của ngành công nghiệp ô tô, việc phát triển pin ô tô, và còn nhiều thứ khác nữa.
Mọi công ty đến một thời điểm nào đó đều phải chơi cuộc chơi PR. Sau tất cả, Google cũng phải thuê một nhóm nhân viên để giao thiệp với công chúng. Apple dưới thời Tim Cook cũng dùng PR để đánh bóng tên tuổi. Walmart sau hàng thập kỉ “chập chững” cuối cùng cũng suy nghĩ nghiêm túc.
Ngày đó với Tesla có lẽ sẽ tới sớm thôi.
TIN TRONG TUẦN
Một đêm sau khi con ruồi trên tóc Mike Pence trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất giữa thềm bầu cử tổng thống Mỹ, Facebook tỏ ra cứng rắn hơn với các quảng cáo chính trị. Họ cho biết sẽ xử lý gắt gao những bài viết mang tính xúi giục người dân đe doạ cử tri.
Bên cạnh lệnh cấm chạy quảng cáo chính trị trước ngày 3/11, Facebook cũng sẽ ngừng chạy các quảng cáo sau thời điểm này.
Vụ kiện giữa Oracle và Google vẫn rất căng thẳng, khi Oracle cáo buộc việc Google dịch ngược các đoạn mã Java API để dùng trên Android là hành vi vi phạm bản quyền.
Google phản bác rằng những API này không nằm trong phạm trù bảo vệ bởi bản quyền, và do đó hoàn toàn được phép sử dụng.
AT&T có vẻ không phải là nhà đầu tư “mát tay” trong lĩnh vực truyền hình. 20 năm trước, họ từng mua một vài đơn vị cung cấp truyền hình cáp, gián tiếp đẩy cổ phiếu sụt giảm và gây ra một khoản lỗ khổng lồ. Vài năm gần đây, họ mang về DirecTV và Time Warner, nhưng kết quả không thay đổi.
Có lẽ họ nên học hỏi Amazon khi hãng này đã chi 1 tỷ USD để mua lại Twitch, nền tảng stream về trò chơi điện tử ăn khách nhất thế giới vào năm 2014. YouTube và Facebook dù đã rất cố gắng nhưng không thể cạnh tranh lại Twitch khi nền tảng này vẫn thu được 91% lượt xem stream trực tuyến trong quý 3.
IBM gây sốc cho nhà đầu tư vào hôm thứ Năm khi công bố chuyển mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng thành một công ty riêng biệt. Giám đốc điều hành Arvind Krishna giải thích:
“IBM sẽ tập trung vào nền tảng đám mây lai mở (open hybrid cloud) và trí tuệ nhân tạo. Công ty tách ra này sẽ có sự linh hoạt cao hơn, nhờ đó có khả năng thiết kế và điều hành cơ sở vật chất của một trong những công ty quan trọng nhất trên toàn cầu.”
Phần còn lại của IBM sẽ có doanh thu hàng năm khoảng 60 tỷ USD so với 20 tỷ USD từ công ty mới. Trong năm 2020, cổ phiếu của IBM đã giảm 7% nhưng đã tăng 14% sau ngày thứ Năm.
Intel vừa âm thầm ra mắt dòng chip xử lý thứ 11 của hãng với tên gọi Rocket Lake, chỉ một ngày trước khi AMD dự định công bố chip Zen 3 của mình. Dự kiến giao hàng vào đầu năm sau, dòng chip Rocket Lake sẽ nhắm tới giới game thủ, những người muốn tốc độ xử lý nhanh, có thể đạt tới 7GHz.
Uỷ ban Quốc phòng của Quốc hội Anh cho biết họ có “bằng chứng rõ ràng về sự thông đồng” giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc. Đó là một bước tiến trong những nỗ lực đánh giá sự minh bạch của Huawei, nhưng theo phóng viên David Meyer, tài liệu này chưa cho thấy những chi tiết cụ thể về các bằng chứng mà Uỷ ban có.
Trong khi đó, chính quyền Trump đang xem xét các hạn chế đối với nền tảng thanh toán của Ant Group và Tencent.