“Ẩn số” thương vụ Softbank bán ARM
Nửa năm nay, tập đoàn công nghệ Softbank của tỷ phú Masayoshi Son bán hàng loạt tài sản chiến lược, thu về 90 tỷ USD.
Nhưng với thương vụ bán công ty sản xuất chip ARM cho Nvidia, sẽ giúp Mỹ như “hổ mọc thêm cánh” và khiến nhiều quốc gia lo sốt vó.
Toan tính của người Mỹ
Việc Nvidia thâu tóm hãng sản xuất chip xử lý ARM Holdings của Softbank đã giúp người Mỹ nắm giữ hầu như toàn bộ hệ thống cung cấp thiết bị tối quan trọng này trên phạm vi toàn cầu.
Nvida hiện chiếm 80% thị trường card đồ họa (GPU) dùng cho máy tính, smartphone, các máy chơi game điện tử cũng như các chip SoC dùng trong lĩnh vực điện toán di động và ngành công nghiệp ô tô.
Các hãng sản xuất chip lớn nhất là Intel, ADM, Nvidia đều của Mỹ, nay thêm ARM sẽ giúp Mỹ trở thành “độc cô cầu bại” trong lĩnh vực này. Cần biết rằng, chip xử lý là “trái tim” của mọi thiết bị thông minh, sản xuất nó không hề đơn giản.
Trong xu thế kinh tế số, bên nào nắm được nguồn cung chip cho thiết bị di động thì sẽ nắm chắc phần thắng. Hãy nhìn bài học Huawei- một tập đoàn tưởng chừng hùng mạnh không ai cản được họ, nhưng khi bị Mỹ khóa nguồn cung chip và các ứng dụng cốt lõi, thì Huawei lập tức hiện nguyên hình với cái ruột trống rỗng.
Ai lo lắng?
Theo giới chuyên gia, tập đoàn Mỹ thâu tóm nốt ARM sẽ cắt cụt nguồn cung của các công ty công nghệ tại Trung Quốc đại lục.
ARM hứa hẹn đóng góp không nhỏ vào sản xuất siêu máy tính- lĩnh vực chạy đua ngấm ngầm nhưng không kém quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc có được siêu máy tính mạnh hơn giúp kiểm soát được Big Data, AI, được sử dụng cho công nghiệp quốc phòng.
Đáng chú ý, ARM không trực tiếp sản xuất chip, mà thông qua các công ty khác sản xuất chip cho hầu hết các thiết bị di động như điện thoại và máy tính bảng. ARM cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh như cung cấp các bộ xử lý cho ô tô, dịch vụ trung tâm dữ liệu và các thiết bị khác.
Đây là “nước cờ” cao tay, một mặt bẻ gãy sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, mặt khác dồn ép các đối thủ đồng cân đồng lạng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu vào thế yếu hơn.
Rõ ràng, Trung Quốc khó lòng ngồi yên khi Mỹ từng bước thâu tóm hết công nghệ lõi, cũng có nghĩa là nắm lợi thế về địa chính trị, địa chiến lược và giờ đây là địa kinh tế. Thậm chí người ta còn đánh giá “không có Nvidia thì không có hình ảnh trên màn hình, cũng không có trò chơi điện tử”.
ARM từng là một công ty của Anh, khi bán cho Softbank (Nhật Bản), doanh nghiệp này vẫn giải quyết việc làm cho người dân Anh. Nay ARM đổi sang chủ Mỹ, việc làm, thu nhập, đóng góp ngân sách sớm dịch chuyển sang Mỹ hoặc một quốc gia thứ ba nào đó. Đây còn là một mối đe dọa đến sự tự chủ về công nghệ của Vương Quốc Anh nói riêng và Châu Âu nói chung.
Giới lãnh đạo EU liên tục nói tới chiến lược tự chủ công nghệ số, nhưng để một tập đoàn công nghệ hàng đầu châu lục bị bán là thất bại ê chề của toàn khối, chứ không riêng nước Anh.