Tranh cãi nảy lửa trong phiên điều trần Facebook, Google và Twitter
Tổng thống Trump, người nhiều lần bị Twitter "gắn cờ" các bài viết trên Twitter cá nhân, đặc biệt quan tâm tới phiên điều trần.
Không chỉ "nướng" các giám đốc điều hành ba gã khổng lồ công nghệ, các nghị sĩ Mỹ còn quay sang công kích lẫn nhau sau phiên điều trần ngày 28-10. Facebook và Twitter bị cáo buộc "kiểm duyệt có chọn lọc" các nội dung được chia sẻ.
Theo Hãng tin Reuters, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã sử dụng phần lớn thời gian của họ trong phiên điều trần để cáo buộc các công ty kiểm duyệt có chọn lọc những nội dung chống lại phe bảo thủ. Phe Dân chủ chủ yếu tập trung vào việc các công ty này đã không hành động đủ để chống lại thông tin sai lệch về bầu cử Mỹ.
Một trong những ví dụ được nêu ra là chuyện bài báo của New York Post về các hoạt động làm ăn của Hunter Biden, con trai ứng viên tổng thống Joe Biden. Bài viết này đã bị Facebook và Twitter chặn lượt tiếp cận trên các nền tảng của mình. Trên Twitter, một số tài khoản còn bị xóa hoặc tạm đình chỉ sau khi chia sẻ bài viết của New York Post.
Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành (CEO) của Facebook, đổ lỗi cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). "Tất cả chúng ta đều nghe những cảnh báo công khai của FBI chuyện nước ngoài can thiệp bầu cử Mỹ. Ít nhiều gì điều đó đã khiến chúng tôi cảnh giác và trở nên nhạy cảm hơn. Facebook đã xử lý vụ việc với nghi ngờ đây là một âm mưu thao túng của nước ngoài".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker, người điều khiển cuộc điều trần, đã chỉ trích mạnh mẽ CEO Jack Dorsey của Twitter và Facebook đang áp đặt "tiêu chuẩn kép". Ông chỉ ra chuyện Twitter đã ngồi im khi lãnh đạo các nước khác lan truyền thông tin sai lệch nhưng lại vào cuộc quyết liệt với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz, một thành viên khác của đảng Cộng hòa, đã tiếp tục màn chỉ trích CEO Twitter ngay cả khi phiên điều trần kết thúc. Dorsey trước đó khẳng định Twitter không ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ.
"Thứ quái quỷ gì đã bầu chọn và trao cho ông cái quyền quyết định truyền thông được đăng tin tức gì, dân Mỹ được nghe thông tin nào vậy?", ông Cruz chất vấn CEO Twitter.
Tổng thống Trump, người nhiều lần bị Twitter "gắn cờ" các bài viết trên Twitter cá nhân, đặc biệt quan tâm tới phiên điều trần. Ông liên tục tweet trên Twitter, thậm chí còn đòi bãi bỏ Điều 230 của Đạo luật chuẩn mực truyền thông, vốn được xem là cái khiên pháp lý bảo vệ các công ty Internet.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Brian Schatz cho biết ông không có bất kỳ câu hỏi nào và gọi phiên điều trần là "vô nghĩa". Các thành viên khác của đảng Dân chủ gồm Tammy Baldwin, Ed Markey và Amy Klobuchar thì nhận xét phiên điều trần được tổ chức chỉ nhằm mục đích giúp ông Trump tái đắc cử.