Xuất khẩu công nghệ cao làm gì để tạo nên thương hiệu Việt?

NGUYỄN LONG 23/11/2020 11:00

Xuất khẩu hàng công nghệ cao đặc biệt là công nghệ thông tin đều tăng trưởng hơn năm trước, vậy bài toán hiện nay là làm thế nào để chúng ta không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về chất lượng.

Xuất khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm.

Xuất khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm.

Theo Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2019 của Bộ Công Thương Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là điện thoại và các loại linh kiện đạt 51,38 tỷ USD (tăng 4,4%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 35,93 tỷ USD (tăng 21,5%).

Như vậy, có thể thấy xuất khẩu hàng công nghệ cao đang tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Đặc biệt, vừa qua BKAV cũng đã xuất sang Mỹ lô hàng camera AI đầu tiên. Vậy bài toán hiện nay là làm thế nào để chúng ta không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về chất lượng. Để làm rõ vấn đề này phóng viên Tạp chí DĐDN đã có buổi trao đổi với Nguyễn Quang Trung, chuyên gia chuyển đổi số.

- Thưa ông, theo quan điểm của ông, đâu là những ngành công nghệ cao Việt Nam đang chiếm thế mạnh trên thị trường xuất khẩu công nghệ cao trên thế giới?

Xuất khẩu hàng công nghệ cao đã và đang đóng góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế cũng như có tác động tới cơ cấu ngành của Việt Nam theo hướng sử dụng có hiệu quả lợi thế của đất nước. Thông qua xuất khẩu hàng công nghệ cao đã góp phần làm tăng dự trữ ngoại tệ, kích thích các doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất, mở rộng các mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Đồng thời, giúp giải quyết công ăn, việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân,…

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018. Các mặt hàng công nghiệp CNTT, đặc biệt là điện thoại và máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử vẫn giữ vững trong danh sách top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD.

Ông Nguyễn Quang Trung, chuyên gia chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Quang Trung, chuyên gia chuyển đổi số.

- Theo ông trong thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để sáng tạo sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Việt Nam?

Theo tôi, về phía cơ quan quản lý cần tập trung vào 3 vấn đề chính sau:

Thứ nhất, cải thiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Chẳng hạn, phải đảm bảo hiệu quả thực thi từ khi ban hành chính sách đến người thực hiện xét duyệt hồ sơ; đồng thời, cắt giảm những thủ tục, giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, công nghệ hỗ trợ nhanh nhất. Nghiên cứu thêm các chính sách cụ thể về vấn đề công nghệ mới giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực công nghệ mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn.

Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV khai thác, sử dụng phục vụ đổi mới công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực doanh nghiệp và quảng cáo sản phẩm.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ. Cùng với đó, bám sát triển khai các quy định được nêu ra tại Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là hỗ trợ hình thành các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất sản phẩm mới.

Còn về phía doanh nghiệp, thứ nhất, cần nâng cao tiềm lực tài chính của doanh nghiệp thông qua các nguồn vốn vay từ ngân hàng, vốn hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu, đầu tư những công nghệ thích hợp phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Tăng cường mở rộng hợp tác, quan hệ với doanh nghiệp cùng ngành, các tổ chức tín dụng để không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm thông tin kinh doanh mà còn giúp mở rộng nguồn vốn có khả năng tiếp cận.

Thứ hai, các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn. Theo đó, doanh nghiệp có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư.

Thứ ba, tăng cường liên kết, hợp tác tốt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân lực có khả năng hấp thụ thành quả của tiến bộ công nghệ toàn cầu... 

ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD.

Năm 2019, ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD.

- Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để tạo ra các sản phẩm công nghệ cao có giá trị cao, xây dựng uy tín lớn trên thị trường công nghệ quốc tế, thưa ông?

Một là, tạo động lực cho sự phát triển khoa học công nghệ (KHCN). Động lực phát triển KHCN luôn vận động từ 2 phía: Nghiên cứu khoa học và ứng dụng sản xuất, do vậy, cần phải khuyến khích doanh nghiệp sản xuất tự tìm đến khoa học, coi KHCN là yếu tố sống còn và phát triển của doanh nghiệp, như vậy, mới có thể thúc đẩy nghiên cứu về KHCN, các nhà khoa học mới có cơ hội để phát huy năng lực.

Hai là, tạo nguồn lực tài chính cho hoạt động nghiên cứu KHCN. Vốn là nguồn lực tiên quyết để phát triển KHCN. Thực tế tại nhiều nước cho thấy, nguồn lực tài chính phát triển KHCN thường được huy động từ 2 phía: Nhà nước và khu vực doanh nghiệp.

Về đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho KHCN, Luật KHCN quy định cụ thể mức chi ngân sách hàng năm cho KHCN từ 2% trở lên và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KHCN. Trong thời gian tới, một phần vốn từ các chương trình kinh tế - xã hội và dự án cần được tăng cường cân đối nguồn để đầu tư cho KHCN, hỗ trợ đẩy mạnh nghiên cứu KHCN, triển khai và đảm bảo hiệu quả của dự án.

Ba là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính với mục tiêu là cho phép các tổ chức và các nhà khoa học có quyền tự chủ cao hơn trong thu hút vốn trong xã hội và sử dụng kinh phí vào hoạt động KHCN. Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích các viện nghiên cứu KHCN, các trường đại học cao đẳng, các  cơ quan, tổ chức nghiên cứu KHCN tham gia thực hiện các dự án KHCN cấp nhà nước và ở các địa phương cũng như ở các cơ sở sản xuất.

Bốn là, tận dụng xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước nhằm mở rộng quan hệ quốc tế về KHCN. Nếu không thực hiện có hiệu quả quan hệ hợp tác và trao đổi quốc tế về nghiên cứu - triển khai thì không thể tiếp nhận được KHCN tiên tiến của nhân loại. Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác phát triển các ngành công nghệ cao; ưu tiên hợp tác đầu tư nước ngoài vào phát triển KHCN; chỉ nhập khẩu và tiếp nhận chuyển giao những công nghệ tiên tiến.

Năm là, có chiến lược đào tạo dài hạn nhằm tăng nguồn nhân lực KHCN. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc đào tạo các cán bộ KHCN, nhất là cho các ngành kinh tế trọng yếu và các ngành công nghệ cao, trẻ hóa đội ngũ cán bộ KHCN trong các cơ sở nghiên cứu, các trường học và các cơ sở kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ phát triển thị trường nhân lực KHCN. Bố trí và phân công các cán bộ nghiên cứu khoa học theo đúng chuyên môn, ngành nghề.

- Thời gian qua Trung Quốc đã có một số động thái nhằm siết chặt việc xuất khẩu công nghệ, theo ông đâu là lý do phải siết chặt việc xuất khẩu công nghệ? Việt Nam nên chăng cũng nên xây dựng một bộ quy tắc về xuất khẩu công nghệ?

Theo quy định mới, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải nộp hồ sơ đăng ký trước tiên tại cơ quan thương mại cấp tỉnh, khi được chấp thuận mới được phép tiến hành đàm phán chuyển giao công nghệ với đối tác nước ngoài. Nếu đạt được thỏa thuận thương mại, lúc đó doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục phải nộp hồ sơ đăng ký giấy phép xuất khẩu.

Nguyên nhân chính siết chặt việc xuất khẩu công nghệ nhằm bí mật công nghệ rơi vào tay nước ngoài, ảnh hưởng tới kinh tế và an ninh. Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh trên và việc xây dựng bộ quy tắc xuất khẩu công nghệ là cần thiết trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Công nghệ cao tạo ra “chiến binh” tinh nhuệ

    Công nghệ cao tạo ra “chiến binh” tinh nhuệ

    00:09, 10/10/2020

  • Đà Nẵng tiên phong làm chủ quy trình công nghệ cao SMT đầu tiên tại Việt Nam

    Đà Nẵng tiên phong làm chủ quy trình công nghệ cao SMT đầu tiên tại Việt Nam

    13:29, 17/10/2020

  • Khẩu trang công nghệ cao - Xu hướng mới tại nhiều quốc gia

    Khẩu trang công nghệ cao - Xu hướng mới tại nhiều quốc gia

    05:08, 23/10/2020

NGUYỄN LONG