Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ giáo dục Hàn Quốc
Dịch Covid-19 bùng phát trong năm qua đã khiến nhiều hoạt động của đời sống chuyển sang môi trường trực tuyến. Ngành giáo dục cũng không nằm ngoài trào lưu này.
Trong thời gian qua, các phương pháp học tập 4.0 đang dần trở nên phổ biến, chứng minh được hiệu quả kể cả khi dịch Covid-19 đã có những dấu hiệu tích cực. Không chỉ đơn giản là những nền tảng lưu trữ bài giảng trực tuyến, lớp học từ xa, công nghệ giáo dục còn là kết hợp trí tuệ nhân tạo để tùy biến chương trình học theo học sinh.
Đây là xu thế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Cùng với đó là khả năng phát triển nội dung, nền tảng để cung cấp ở mọi nên trên thế giới, không bị giới hạn ở quốc gia phát triển ban đầu.
Tại Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường 4.0 (EDU4.0) diễn ra mới đây, ông Suh Seong Min - Giám đốc Văn phòng đại diện Trung tâm hỗ trợ CNTT Hàn Quốc tại Hà Nội - cho rằng: “Sự quan tâm của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục rất lớn, đặc biệt là giai đoạn trong và sau cao điểm của đại dịch COVID -19, khi mà các nền tảng cũng như nội dung trực tuyến ngày càng phát triển. Cùng với sự kiện lần này, chúng tôi tin rằng thị trường công nghệ Việt Nam, đặc biệt là mảng giáo dục trực tuyến, sẽ có khả năng phát triển hơn và có thể khai thác nhiều hơn”.
Sự kiện có sự hiện diện của 6 doanh nghiệp chuyên về công nghệ giáo dục (Edtech) của Hàn Quốc với các nền tảng giáo dục trực tuyến, sáng tạo nội dung học tập, công cụ hỗ trợ học tập… Cụ thể, họ cung cấp từ nền tảng giảng dạy và học tập kỹ thuật số (như iPortfolio Inc, HanGLO), sáng tạo nội dung (như Kamibot(3.14), Humantoktalk Corporation…) hay các công cụ hỗ trợ và khơi gợi hứng thú học tập cho trẻ em (như Minglecon, Microcomputing…). Đây cũng là những “đại diện” của các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện nay như trí tuệ nhân tạo (AI), game mobile tương tác thực tế, AR, VR, IoT, Robotics…
Chúng tôi kỳ vọng, những sự kiện như thế này sẽ giúp phát triển khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam.
Ông Suh Seong Min cho rằng: “các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn vì họ đã hiểu rõ hơn về thị trường, đặc tính của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn có lợi thế nhờ nền tảng công nghệ hiện đại. Cùng đó, những sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp này không chỉ được công nhận tại Hàn Quốc mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Trong sự kiện lần này, các doanh nghiệp công nghệ giáo dục Hàn Quốc mới chỉ ở giai đoạn tìm hiểu, khảo sát thị trường Việt Nam, và họ vẫn cần nhiều thời gian để hiểu người dùng trong nước cần gì”.
Qua quan sát tại sự kiện Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường 4.0, Văn phòng đại diện Trung tâm hỗ trợ CNTT Hàn Quốc tại Hà Nội nhận định: Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng trong mảng nội dung giáo dục trực tuyến. Cụ thể là các chương trình đạo tạo ngoại ngữ như tiếng Hàn, tiếng Anh và đây có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tiến vào thị trường.
Hiện, Cục xúc tiến CNTT Hàn Quốc đang xúc tiến hỗ trợ các doanh nghiệp tiến vào thị trường của rất nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Úc, Ấn độ… Đặc biệt, chính phủ Hàn Quốc đang tập trung về việc các doanh nghiệp tiến vào thị trường Đông Nam Á. Do đó, ở Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và những thuận lợi cho cả 2 bên.
Cũng theo ông Suh Seong Min: “Ở mỗi thị trường có một đặc điểm khác nhau, do đó Việt Nam cũng có sự khác biệt so với Mỹ hay châu Âu. Nếu áp dụng những thành công trước đây thì sẽ khó khăn vì tính địa phương hóa của Việt Nam rất cao. Nhưng để nói về chiến lược xâm nhập thị trường Việt Nam, chúng tôi định hướng các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiến vào Việt Nam không như một đối thủ cạnh tranh mà sẽ hợp tác tích cực để tạo ra nền tảng dịch vụ tối ưu cung cấp cho người dùng”.
Có thể bạn quan tâm
Bài học khởi nghiệp kinh doanh giáo dục
07:05, 26/11/2020
TP. HCM: Lần đầu tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia về giáo dục nghề nghiệp
10:00, 24/11/2020
Giáo dục đáp ứng nhu cầu: Chuyện... tư duy FPT
11:30, 20/11/2020