Facebook trước nguy cơ bị “xé lẻ”
Trong thời đại số, Facebook giống như một kiểu “chủ nghĩa tư bản dữ liệu”, ảnh hưởng không kém các kiểu chủ nghĩa tư bản trong lịch sử.
Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) cùng khoảng 46 tiểu bang, thủ đô Washington và vùng lãnh thổ ủy trị Guam vừa đồng loạt đệ đơn kiện Facebook vi phạm Đạo luật chống độc quyền.
Độc quyền bằng thâu tóm
Đơn kiện Facebook của FTC và các tiểu bang có đính kèm email của CEO Facebook Mark Zukerberg gửi cho nhân viên từ năm 2008, trong đó có đoạn: “Tốt hơn hết là mua đối thủ cạnh tranh, còn hơn là phải cạnh tranh với họ…”.
Trên thực tế, đến nay Facebook gần như không có đối thủ, thậm chí không mảy may một nguy cơ nào đó có thể uy hiếp được họ - ít nhất trong 1 thập kỷ tới.
Hiện tượng mua bán và sáp nhập vốn dĩ bình thường trong thế giới kinh doanh. Tuy nhiên, nếu một doanh nghiệp nào sẵn sàng chi tiền bất cứ lúc nào để mua lại đối thủ cùng ngành là biểu hiện dị thường.
Càng lo ngại hơn khi Facebook trong mấy năm gần đây thường tỏ ra “lỗ mãng” với chính quyền Mỹ, liên tục gây ra các vụ bê bối, nhưng dư luận cũng chỉ lần lượt nhận được lời xin lỗi cũ kỹ từ Mark Zukerberg.
Nếu trước đây tư bản tài chính, tư bản công nghiệp chỉ tạo ra độc quyền bằng cách bóc lột giá trị thặng dư, cải tiến kỹ thuật công nghệ và được hậu thuẫn từ thiết chế “tự do cạnh tranh”, thì nay Facebook tạo ra độc quyền bằng túi tiền rủng rỉnh của mình.
Rõ ràng, tôn chỉ của Mark Zukerberg là cạnh tranh, thâu tóm bằng tiền, chứ không phải bằng sản phẩm dịch vụ tốt nhất, giá rẻ nhất như nguyên tắc kinh điển trong kinh tế thị trường.
Nỗi ám ảnh quá khứ
Cuối thế kỷ 19, tại Mỹ xuất hiện cái tên Standard Oil của tỷ phú dầu lửa Rockeffeller. Công ty này kiểm soát tới 90% trên tổng lượng “vàng đen” tại Bắc Mỹ. Tỷ phú này thao túng toàn bộ nền kinh tế Mỹ, ảnh hưởng sang tận Châu Âu.
Lo ngại quyền lực đế chế Rockeffeller, Tối cao pháp viện Mỹ ra phán quyết buộc Standard Oil giải thể vì vi phạm đạo luật chống độc quyền. Kết quả, Standard Oil bị “xé lẻ” ra 34 đơn vị riêng biệt, trong đó có những cái tên như ExxonMobil và Chevron vang danh tới tận ngày nay.
Với Facebook, các nhà lập pháp Mỹ dự kiến sẽ sử dụng “án lệ” của Standard Oil, buộc phải bán lại hai nền tảng WhatsApp và Instagram. Nếu Facebook muốn mua lại đối thủ nào có giá 10 triệu USD trở lên, sẽ phải được sự chấp thuận của FTC.
Thực tế trên cho thấy, thể chế kinh tế tư bản không còn cách nào khác tốt hơn để chống độc quyền, trong khi đó có hàng chục đạo luật quy định về việc này. Sự lớn lên không ngừng của Facebook có công của các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, đặc biệt là Barack Obama, đồng thời được sự hậu thuẫn nhiệt thành của các đạo luật của Mỹ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền Biden có thể sẽ phải “xẻ thịt” Facebook để bảo toàn tính ưu việt của thể chế. Nếu không, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân, Donald Trump là ví dụ.
Có thể bạn quan tâm