"Make in Vietnam" để đến với thế giới
“Không "Make in Vietnam" thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không "Make in Vietnam" thì chúng ta không thể đi ra thế giới".
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ hai vừa diễn ra. Ông Hùng nhận định, Make in Vietnam ngắn gọn, nó thúc giục, nó là tự hào Việt Nam và vì thế nó đi xa, đến được với mọi người và mọi miền.
Muốn Make in Vietnam phải làm chủ công nghệ
Theo Chỉ thị 01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng đinh: Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam” với hàm ý “Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”.
Để nói về việc triển khai Chỉ thị trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho hay: “Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động. Là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Là thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu”.
Muốn Make in Vietnam thì phải làm chủ công nghệ. Lời giải cho làm chủ công nghệ của Việt Nam là công nghệ mở. Với một nước đi sau như Việt Nam thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.
Thực tiễn, Make in Vietnam trong năm qua đã thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng của chúng ta làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Sứ mệnh cường quốc về an toàn, anh ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của việt Nam trên không gian mạng cũng là một trọng tâm của Make in Vietnam.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT năm 2020, với chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.
Để “đàn chim Việt” ra thế giới
Theo ông Phạm Kim Hùng CEO Base.vn, để chiến thắng trên chính sân nhà và cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung phát triển sản phẩm, luôn làm việc để kiến tạo các sản phẩm tốt hơn trước.
Theo ông Hùng, Make In Viet Nam là phải tìm ra cách để phát triển sản phẩm tốt với mức giá cạnh tranh. Nếu không đảm bảo chất lượng sẽ không thể cạnh tranh một cách lâu dài. Make in Viet Nam là sự kế thừa. Đây không chỉ là tinh thần mà còn thôi thúc để các công ty kiến tạo các sản phẩm tốt hơn để Việt Nam và thế giới sử dụng.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT ông Trương Gia Bình cho biết: “Ở thời điểm hiện tại chúng ta có sự thuận lợi lực lượng đông đảo, chúng ta có một ngọn cờ Make in Vietnam, vấn đề nằm ở trách nhiệm và lương tâm của mỗi người”.
Doanh nghiệp cần có sự liên kết, phối hợp với nhau, xây dựng eco system, các công ty hàng đầu như cánh chim đầu đàn dẫn dắt cả đàn chim hướng đi, nhưng sản phẩm của chúng ta chào ra thế giới là sản phẩm của một đàn chim Việt.
Theo ông Bình, doanh nghiệp và chính phủ cùng nhau tìm kiếm con đường cho tương lai. Việc nhà nước cần làm nhất là mở ứng dụng cho doanh nghiệp Việt Nam, chính sách mở thị trường, hiện nay chưa có. Ví dụ một DNNVV ứng dụng công nghệ số trong điều hành kinh doanh, thì doanh nghiệp sẽ hưởng một phần hỗ trợ khi chi tiêu cho công nghệ số, doanh nghiệp nâng cao năng suất, nhà nước lại hưởng lợi từ thu thuế. Khi Nhà nước lấy doanh nghiệp là trung tâm, các chính sách doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số sẽ đi vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Thanh Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel:
Việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số nên lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời thu hút các công ty công nghệ thế giới trên thế giới, có những chính sách ưu tiên, ưu đãi để xây dựng trung tâm tại Việt Nam, có cơ chế, chính sách xây dựng thúc đẩy thiết bị hạ tầng viễn thông trong nước, ưu tiên các doanh nghiệp Việt đảm nhận xây dựng các giải pháp an ninh mạng, hạ tầng trọng yếu.
Bà Nguyễn Hoàng Phương - CEO Be Group:
Các doanh nghiệp nước ngoài đang mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những giá trị trước mắt, ngắn hạn nhưng đồng thời đang lấy đi của chúng ta những giá trị lâu dài, mang tính chiến lược và thiết yếu của một quốc gia. Nếu như, các doanh nghiệp Việt Nam không đứng lên làm chủ công nghệ, tự xây dựng một nền tảng phát triển trong mảng kinh doanh cốt lõi thì chúng ta có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Người Việt Nam cần làm chủ dữ liệu số của chúng ta, không thể để công cuộc chuyển đổi số quốc gia bị thao túng bởi các doanh nghiệp và thế lực công nghệ nước ngoài.