[eMagazine] Cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu đang đến đỉnh?
Đang có một cuộc khủng hoảng chip toàn cầu khiến các ngành công nghiệp phụ thuộc vào chất bán dẫn rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất.
Tình trạng thiếu chip, “bộ não” trong mọi thiết bị điện tử trên thế giới, đang ngày càng trở nên tồi tệ kể từ năm ngoái. Ban đầu, vấn đề chỉ là sự trì hoãn tạm thời về nguồn cung do các nhà máy đóng cửa khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau đó mặc dù hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, nhưng sự gia tăng nhu cầu mới do thay đổi thói quen được thúc đẩy bởi đại dịch khiến tình trạng khan hiếm chất bán dẫn toàn cầu đã đạt đến giới hạn của sự khủng hoảng.
Bên cạnh đó, việc các nhà sản xuất ô tô đầu tư vào xe điện công nghệ cao, sự bùng nổ doanh số bán TV và máy tính gia đình cũng như ra mắt bảng điều khiển trò chơi mới và điện thoại di động hỗ trợ 5G đều khiến nhu cầu chip tăng cao một cách bất thường.
Khi COVID-19 tấn công Trung Quốc, nó đã gây ra làn sóng hạn chế nguồn cung đầu tiên. Các nhà máy đóng cửa để đối phó với đại dịch, khiến sản xuất bị đình trệ, dẫn đến sụt giảm các mặt hàng yêu cầu chip. Nhưng khi đại dịch di chuyển từ Trung Quốc sang khắp thế giới, vấn đề đã chuyển từ cung sang cầu. Đây là khởi nguồn sâu xa nhất của sự thiếu hụt.
Trong những ngày đầu của đại dịch toàn cầu, chúng ta đã thấy nhu cầu về PC, máy ảnh, bàn phím và màn hình chưa từng có. Những người có PC nhận ra rằng họ cần phiên bản tốt hơn và các hộ gia đình nhiều người không còn có thể dùng chung thiết bị. Nhu cầu ngày càng tăng này dẫn đến tăng trưởng hơn 10% trong không gian PC cho năm 2020 và nhu cầu tăng vọt trong quý 4 đạt 25,4%.
Nhưng COVID-19 không chỉ thúc đẩy nhu cầu về PC, về cơ bản nó đã thay đổi hành vi của chúng ta. Mọi người tạm dừng việc đi ăn nhà hàng, tham gia một trận bóng hay đi xem phim. Sự thay đổi hành vi này đã chuyển việc tiêu tiền từ bên ngoài sang giải trí gia đình. Và giống như PC, TV, máy tính bảng, điện thoại tất cả những thứ này đều phụ thuộc vào khối lượng chip và nhu cầu này không được mong đợi, do đó không được dự báo trước.
Neil Campling, nhà phân tích công nghệ và truyền thông tại Mirabaud cho biết: “Chip là tất cả mọi thứ. Đang có một cơn bão hoàn hảo của các yếu tố cung và cầu. Nhưng về cơ bản, có những nhu cầu mới không theo kịp, khiến cho cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn”.
Năm ngoái, ngay cả một Apple hùng mạnh, một người mua chất bán dẫn lớn nhất thế giới với chi tiêu 58 tỷ USD mỗi năm, đã buộc phải trì hoãn việc ra mắt chiếc iPhone 12 được quảng cáo rầm rộ trong hai tháng do sự cố thiếu hụt.
Gần đây, Ford đã phải hủy bỏ ca làm việc tại hai nhà máy ô tô và cho biết lợi nhuận có thể sụt giảm 2,5 tỷ USD trong năm nay do tình trạng thiếu chip, trong khi Nissan đang ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Mexico và Mỹ. General Motors cho biết họ có thể “tuột tay” 2 tỷ USD trong năm nay.
Tháng trước, Sony, cùng với các nhà sản xuất máy chơi game khác đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hàng từ năm ngoái. Sony cho biết họ có thể không đạt được mục tiêu doanh số cho PS5 mới trong năm nay vì vấn đề cung cấp chất bán dẫn. Xbox của Microsoft cũng gặp phải các vấn đề về nguồn cung ít nhất cho đến nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, ví dụ điển hình nhất về cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đến từ Samsung, người mua chip lớn thứ hai thế giới sau Apple. Mới đây, công ty cho biết họ có thể phải hoãn việc ra mắt điện thoại thông minh cao cấp của mình do tình trạng khan hiếm, mặc dù cũng là nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới.
Các nhà sản xuất ô tô, đang là những người chịu ảnh hưởng nặng nề trong quá trình khủng hoảng thiếu chip. Toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu mua chip trị giá khoảng 37 tỷ USD, trong đó các công ty lớn nhất như Toyota và Volkswagen chi hơn 4 tỷ USD. Chính vì chỉ là “những khách hàng nhỏ” khiến họ bị xếp vào dạng khách không ưu tiên đối với các nhà cung cấp chất bán dẫn.
“Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ô tô vì họ ngồi ở “cuối bàn tiệc”. Nếu Apple đang chi 56 tỷ USD mỗi năm và tăng trưởng thì bạn sẽ chọn ai để giữ nguồn cung cấp đầu tiên”, Neil Campling chia sẻ.
Tất nhiên, chịu hậu quả đầu tiên là những người tiêu dùng, họ đang phải đối mặt với việc tăng giá và thiếu hụt các sản phẩm từ TV, điện thoại di động đến ô tô và máy chơi game khi sự thiếu hụt toàn cầu về chất bán dẫn ngày càng tăng.
Tiếp đó là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp di động (điện thoại thông minh). Với sự gia tăng nhu cầu về PC ngay từ đầu trong đại dịch đã dẫn đến một câu chuyện về nhu cầu điện thoại thông minh bị hạn chế. Với việc hầu hết khách hàng đều bị nhốt ở nhà, nhu cầu về thiết bị di động ngày càng giảm.
Những hạn chế về nguồn cung đối với chip điện thoại thông minh đã thể hiện rõ ràng trong kết quả thu nhập gần đây như của Qualcomm, khi doanh số bán hàng bị hạn chế do thiếu nguồn cung bán dẫn. Đây cũng là vấn đề mà các nhà sản xuất chip bao gồm cả Intel, AMD, Nvidia và Micron Technology đang phải đối mặt.
Các công ty viễn thông cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng này, “Mạng lưới băng thông rộng quốc gia nước Mỹ (NBN) đã xác nhận các báo cáo trên Commsday rằng họ sẽ tạm dừng kết nối khách hàng mới trên mạng cáp HFC của mình”, theo ZDNet chia sẻ.
Song, ngành công nghiệp ô tô đang là những người chịu hậu quả nặng nề nhất. Sau việc phải ngừng hoạt động do COVID-19 trong các nhà máy, cùng với những căng thẳng kinh tế dự kiến, đã khiến các nhà sản xuất ô tô cắt giảm dự báo về sản lượng và nhu cầu xe. Điều đó khiến ước tính doanh số bán ô tô giảm khoảng 15% so với năm 2020, nhiều nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả GM, Ford và Honda, đều lên tiếng cắt giảm dự báo doanh thu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã ký một sắc lệnh điều hành cho một giải pháp dài hạn hơn để tăng khả năng phục hồi trong nguồn cung chip và cho biết sẽ cần 37 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu cung cấp chip ngắn hạn. Các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ của cả hai đảng đã nhất trí để thúc đẩy sản xuất chip.
"Chúng tôi cần đảm bảo các chuỗi cung ứng này an toàn và đáng tin cậy. Tôi đang chỉ đạo các quan chức cấp cao trong chính quyền của mình làm việc với các nhà lãnh đạo công nghiệp để xác định các giải pháp cho sự thiếu hụt chất bán dẫn này, đồng thời kết nối với Hạ viện và Thượng viện. Họ đã thông qua dự luật 37 tỷ USD, trong ngắn hạn. Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy điều đó, nhưng tất cả chúng ta đều nhận ra rằng vấn đề cụ thể sẽ không được giải quyết ngay lập tức”, Joe Biden cho biết trong một phát biểu.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng ví von khi viện dẫn một câu tục ngữ cổ về móng ngựa: “Hãy nhớ câu tục ngữ xưa: for want of a nail, the shoe was lost; for want of a shoe the horse was lost” (Ý là: Vì một sự mất mát nhỏ mà có thể dẫn đến việc mất cái lớn hơn). Điều này cứ tiếp diễn cho đến khi mất tất cả chỉ vì một chiếc móng ngựa".
Ông cho biết thêm, khi cầm trên tay một chất bán dẫn nhỏ bé, “Ngay cả những lỗi nhỏ tại một điểm trong chuỗi cung ứng cũng có thể gây ra những tác động lớn hơn đối với chuỗi. Gần đây, chúng ta đã thấy sự thiếu hụt của các chip máy tính. Nó đã gây ra sự chậm trễ trong việc sản xuất ô tô, dẫn đến giảm giờ làm cho công nhân Mỹ - cái móng ngựa của thế kỷ 21”.
Theo các chuyên gia phân tích, tình trạng khủng hoảng thiếu hụt chip có thể chính là một bài “test” hai tháng cầm quyền của Team Joe Biden. Chính quyền Biden đang có các cơ hội cải thiện tình trạng thiếu hụt trong ngắn hạn và dài hạn. Sự tham gia của chính quyền Biden sẽ có nhiều tác động đến việc giải quyết tình trạng trên và ngăn chặn sự tái diễn.
Nhưng điều quan trọng trong dài hạn phải là khả năng tập trung vào việc nâng cao năng lực sản xuất chip. Nỗ lực này có thể được đẩy nhanh với các khoản tài trợ và ưu đãi thuế để khuyến khích các xưởng đúc có kinh nghiệm trên toàn cầu mở rộng năng lực trong nước. TSMC đã mở rộng ở Arizona, nhưng họ sẽ cần nhiều nguồn lực đáng kể hơn để ngăn chặn các vấn đề về nguồn cung.
Cuối cùng các chuyên gia phân tích cho rằng, sự thiếu hụt chip có vẻ vẫn sẽ tiếp diễn trong một thời gian nữa. Điều này có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2021 khi các xưởng đúc tăng công suất tại các nhà máy hiện có.
Ngoài ra, các xưởng đúc cũng có khả năng đầu tư vào các nhà máy chế tạo mới, và phải mất hai đến ba năm để đi vào hoạt động hoàn toàn, nhằm đáp ứng nhu cầu cao hơn trong trung hạn. Đồng thời, căng thẳng Mỹ-Trung cũng có thể thúc đẩy Trung Quốc phát triển các chuỗi cung ứng tự chủ hơn.