Nghiên cứu mới: Con người tin tưởng thuật toán hơn là tin lẫn nhau
Đứng trước một câu hỏi, người ta có xu hướng chọn câu trả lời mà họ tin là được đưa ra bởi một thuật toán.
Cuộc sống thường nhật của chúng ta được vận hành bởi các thuật toán. Khi chúng ta mua sắm trực tuyến, quyết định nên xem gì, đặt vé máy bay, hay đơn giản là tìm đường trong thành phố... trí tuệ nhân tạo đều có mặt. Có thể nói rằng chúng ta đang dựa dẫm vào các thuật toán, nhưng chúng ta có thực sự tin tưởng chúng?
Câu trả lời là: có. Một nhóm ba nhà nghiên cứu đến từ Đại học Georgia mới đây đã tiến hành một thử nghiệm để tìm hiểu xem liệu con người sẽ chọn tin một câu trả lời mà họ cho là được đưa ra bởi thuật toán, hay câu trả lời thu được qua thu thập ý kiến số đông.
Kết quả cho thấy, người ta có xu hướng tin tưởng thuật toán hơn khi vấn đề trở nên phức tạp đến mức khó có thể tin tưởng vào chính những câu trả lời của họ.
Theo cách này hay cách khác, chúng ta ít nhiều phải cảm ơn thuật toán. Chúng ta vẫn luôn tin rằng Spotify và Netflix biết cách để làm người dùng vui. Do đó, không hề ngạc nhiên khi con người quyết định chọn những câu trả lời được tạo ra bởi máy tính.
Nhưng điều thú vị không phải ở việc chúng ta tin tưởng máy móc. Trên thực tế, chúng ta đã quá tin vào chúng khi mà lẽ ra không nên như vậy.
Quay trở lại với nghiên cứu. Các nhà khoa học đã chọn ra 1.500 tình nguyện viên và đề nghị họ nhìn vào một loạt các hình ảnh, rồi xác định xem có bao nhiêu người ở trong từng ảnh một. Khi số lượng người trong ảnh tăng lên, các tình nguyện viên càng ít tự tin vào câu trả lời của mình hơn và được quyền đối chiếu câu trả lời của họ với câu trả lời của những người khác trong một nhóm lên đến hàng ngàn người, hoặc câu trả lời mà các nhà khoa học nói với họ rằng được đưa ra bởi một thuật toán.
Và theo những gì các nhà khoa học trình bày trong bản nội dung nghiên cứu thì: "trong ba thử nghiệm trực tuyến được đăng ký trước đó, chúng tôi phát hiện ra rằng mọi người dựa nhiều hơn vào những lời khuyên do thuật toán đưa ra liên quan đến ảnh hưởng xã hội bởi công việc trở nên khó khăn hơn. Cả ba thử nghiệm đều tập trung vào một công việc đòi hỏi sự hiểu biết, với chỉ một câu trả lời đúng, và kết quả là những chủ thể dựa nhiều hơn vào lời khuyên của thuật toán khi độ khó của công việc tăng lên. Hiệu ứng này vẫn tiếp diễn kể cả khi chất lượng các lời khuyên, độ hiểu biết và độ chính xác của chủ thể đã được kiểm soát, và khi các chủ thể chỉ được tiếp cận với một nguồn lời khuyên duy nhất, hoặc cả hai nguồn."
Vấn đề ở đây là AI không thực sự phù hợp cho một công việc như đếm số lượng người trong một hình ảnh. Thoạt nghe, chúng ta cứ ngỡ đây rõ ràng là một "bài toán" dành riêng cho máy tính - bản chất của nó là toán học cơ mà - nhưng vấn đề nằm ở chỗ AI thường gặp khó khăn trong việc xác định các vật thể trong các hình ảnh đặc biệt khi không có những đường phân cách rõ ràng giữa các chủ thể cùng loại.
Tóm lại, nghiên cứu chỉ ra con người nói chung có lẽ đang nhầm lẫn về những điều AI có thể làm. Các thuật toán đang ngày một mạnh mẽ hơn, và AI đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống thường ngày của chúng ta, nhưng đó chưa bao giờ là dấu hiệu tốt, khi mà mọi người dường như có xu hướng tin rằng một câu trả lời được đưa ra là đúng hơn chỉ bởi họ nghĩ nó xuất phát từ một thuật toán!