Cái chết của Yahoo! và bài học gã khổng lồ ngủ quên trên chiến thắng
8 đời CEO Yahoo cùng các địch thủ bên ngoài đã từng bước biến biểu tượng một thời của Internet xứ cờ hoa trở thành đống tro tàn.
“Ok gượm đã, tôi hiểu chiến lược này là tốt cho Microsoft, nhưng nó có lợi gì cho Yahoo?” giám đốc cấp cao Michael Wolf đặt câu hỏi cho CEO tạm quyền Ross Levinsohn trong buổi thuyết trình hoạch định tương lai cho gã khổng lồ Internet đang trên đà sa sút Yahoo.
Đó là một ngày giữa tuần tiết trời khá dễ chịu của tháng 7/2012. Trong phòng họp rộng rãi ở tầng 2 của trụ sở Yahoo tại Sunnyvale, Ross Levinsohn cảm thấy bầu không khí bắt đầu ngột ngạt khi bị Hội đồng quản trị chất vấn về kế hoạch mang tầm nhìn ngắn hạn của mình.
Daniel Loeb, một nhà đầu tư chiến lược từng ủng hộ Ross Levinsohn cũng cảm thấy ngán ngẩm với kế hoạch này. Loeb tỏ ra thờ ơ, nghịch điện thoại trong suốt buổi thuyết trình.
Trụ sở nổi tiếng của Yahoo ở Sunnyvale bên trong Thung lũng Silicon, cuối cùng cũng được Google mua lại vào năm 2019 với giá 1 tỷ USD.
Sinh ra và lớn lên ở New York, Ross Levinsohn là một doanh nhân phố Wall điển hình. Tóc muối tiêu vuốt ngược, cà vạt hồng chấm bi trong bộ suit đen bóng bẩy giúp ông trông trẻ hơn khá nhiều so với tuổi 48.
Nhưng Levinsohn rồi cũng phải trải qua một đêm trắng dài nhất trong cuộc đời khi biết chắc rằng mình đã không được chọn làm CEO chính thức của Yahoo, vị trí mà ông đã chắc mẩm bỏ túi khi sớm kết đồng minh với một số nhà đầu tư lẫn giám đốc cấp dưới.
“Ai sẽ ngồi chiếc ghế nóng?” Levinsohn vắt tay lên trán tự vấn và đưa ra một loạt những cái tên đang lên ở Thung lũng Silicon, Jack Dorsey, Dick Costolo hay ai? Tối muộn cuối tuần đó, ông nhận được cuộc gọi từ một người bạn ở Google, thông báo về một phụ nữ có tên Marissa Mayer đã được gọi đi phỏng vấn.
Đó là khoảnh khắc Levinsohn biết rằng người phụ nữ mới 37 tuổi, nhân viên thứ 20 của Google, sẽ trở thành người tiếp theo lèo lái con thuyền trị giá 30 tỷ USD Yahoo. Chỉ có điều ông cũng không đoán được rằng Marissa Mayer sẽ là vị CEO cuối cùng chứng kiến con tàu Yahoo chìm xuống đáy đại dương lạnh lẽo.
Marissa Mayer cùng 7 đời CEO trước đó của Yahoo có thói quen đưa ra các chiến lược thâu tóm bên ngoài mà quên mất củng cố đội ngũ bên trong. Kết quả là Yahoo thường có những vụ mua hớ kinh điển đi vào lịch sử công nghệ Mỹ.
Năm 1999, Yahoo thâu tóm web nghe radio Broadcast.com với giá 5,7 tỷ USD để rồi đóng cửa vào năm 2002. Cũng trong năm 1999, Yahoo bỏ ra 3,57 tỷ USD thâu tóm dịch vụ lưu trữ web GeoCities để rồi xóa sổ vào năm 2009 cùng hàng tá các dịch vụ không có lãi khác.
Dưới thời Marissa Mayer, Yahoo cũng thâu tóm mạng xã hội Tumblr với giá 1,1 tỷ USD và một số nền tảng nhỏ nhưng không vận hành tốt sau đó. Trái lại, Yahoo buộc lòng phải bán bớt nhiều tài sản giá trị như cổ phần ở Alibaba hay đóng cửa các dịch vụ từng một thời làm nên tên tuổi như Messenger, Groups hay 360°.
Quá khứ huy hoàng
Trở lại những ngày tháng thuở rất sơ khai của Internet. Năm 1994, hai cậu sinh viên David Filo và Jerry Yang của trường Stanford có sở thích sưu tầm các trang web ‘hay ho’ trên mạng để vào mỗi khi rảnh rỗi.
Thời đó, người ta chưa có cách nào để tìm kiếm nhanh các trang web mình cần mà chỉ có thể biết được bằng cách truyền miệng. Ý tưởng chợt nảy ra trong một lần loay hoay tìm kiếm website của trường, David Filo và Jerry Yang đã lập ra một trang web có cái tên khá ‘sến súa’ là “Cẩm nang của Jerry và David đến thế giới World Wide Web”.
Sau này, bộ đôi đổi tên trang web thành Yahoo bởi cách đọc nghe có vẻ ‘ngầu’. Đến năm 1995, Yahoo đã cung cấp tính năng tìm kiếm rất quan trọng, trở thành hướng dẫn viên du lịch đầu tiên trên môi trường Internet vào thời đó.
Jerry Yang quen biết với Jack Ma từ năm 1997 khi người sáng lập Alibaba vẫn đang là một hướng dẫn viên du lịch.
Yahoo bắt đầu phát triển thần tốc, chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 1996 và trở thành công ty Internet thành công nhất giữa bối cảnh bong bóng dot-com có nguy cơ sắp phát nổ ở Mỹ.
Cuối thập niên đó, Yahoo bắt đầu vung tiền tỷ thâu tóm các đối thủ. Tất cả đều là những thương vụ thất bại như đã biết, ngoại trừ vụ mua 40% cổ phần ở Alibaba với cái giá 1 tỷ USD hồi năm 2005. Nhưng đó là nhờ mối quan hệ tình cờ giữa hai nhà sáng lập Jerry Yang và Jack Ma.
Đốm sáng le lói rồi cũng phải vụt tắt giữa đêm trường tăm tối của Yahoo. Ngày 13/06/2017, hãng viễn thông Verizon hoàn tất thương vụ thâu tóm phần lớn sản phẩm của Yahoo với giá 4,5 tỷ USD, tài sản còn lại của Yahoo được đổi tên thành Altaba.
Năm 2019, Yahoo được công ty mẹ Verizon tái cấu trúc thương hiệu còn Altaba cũng thanh lý nốt tài sản để giải tán công ty. Biểu tượng Internet một thời của xứ sở cờ hoa chính thức diệt vong từ đây.
Di sản để lại
Yahoo có thể đổ lỗi cho Google hay Facebook đã ‘gặm’ hết miếng bánh béo bở, nhưng Ban lãnh đạo trước hết phải tự vấn vì đã để những sản phẩm chủ lực đi chệch hướng hết năm này sang năm khác.
Yahoo Messenger chậm chạp cải tiến, Yahoo 360° thì đầy lỗi còn Yahoo Answers không có thuật toán hướng đối tượng. Khi không còn đặt người dùng vào vị trí trung tâm của trải nghiệm, các sản phẩm của Yahoo cứ thế biến mất khỏi tâm trí người dùng, mà cuối cùng đóng cửa chỉ là hệ quả tất yếu.
Di sản mà Yahoo để lại có thể chính là bài học xương máu cho những kẻ ngủ quên trên chiến thắng. MySpace hay Zing Me có lẽ thấm thía nhất bài học này, khi cả hai đều có được thị phần khống chế ở những thị trường mà nó hoạt động, trước khi bị những đối thủ như Facebook qua mặt.
Với MySpace là một nồi lẩu thập cẩm ngập tràn quảng cáo khiến người dùng quay lưng, còn Zing Me là các tính năng tập trung phục vụ game thủ PC thay vì tối ưu hóa cho người dùng phổ thông.
CEO cuối cùng Marissa Mayer làm tất cả những gì có thể nhưng cũng không thể cứu vãn được con tàu đắm Yahoo.
Nhưng cũng như Yahoo, vị thế của các công ty Internet không phải bất biến. Facebook đang bị đe dọa bởi Twitter cũng như TikTok ở Mỹ. Ở phân khúc nhắn tin OTT, WhatsApp là ứng dụng số một toàn cầu và ở những thị trường đặc thù như Nga hay Việt Nam, Telegram và Zalo mới là lựa chọn tương ứng chứ không còn là Facebook Messenger.
Đó có thể là chỉ dấu cho thấy mạng xã hội nói chung và Yahoo nói riêng hoàn toàn có thể lật ngược thế cờ, nếu sớm vạch ra hướng đi riêng và kiên trì với nó. Như trường hợp của Zalo chỉ tập trung khai thác thế mạnh nhắn tin miễn phí ở thị trường ngách với lợi thế là hoạt động ổn định trên hạ tầng mạng 2G, am hiểu thói quen của người dùng bản địa.
Các tính năng mạng xã hội chỉ được mở ra sau này khi Zalo đã có hàng triệu người dùng, đủ sức trở thành đối trọng nhất định với Facebook. Giờ đây, Zalo đã phát triển thành một ‘siêu ứng dụng’ với các tính năng từ nạp tiền điện thoại, mua vé tàu xe, đặt phòng khách sạn cho đến thanh toán hóa đơn, mua sắm, chơi game phục vụ 52 triệu người dùng thường xuyên.
Tuy vậy, chặng đường mà mạng xã hội Việt phải kiên trì bước tiếp vẫn còn rất dài, như Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nói trong lễ ra mắt Lotus, “trong một thế giới kinh doanh mà người thắng cuộc gần như hưởng lợi tất cả, thì những người đi sau chỉ còn một cách duy nhất là có cách tiếp cận mới, khác biệt, có tính đột phá”.