Lời thề Hippocrate dành cho… AI

QUÂN BẢO 06/07/2021 05:08

Lời thề Hippocrate là nền tảng đạo đức thiêng liêng nhất của y học. WHO vừa đưa ra một bộ các nguyên tắc đạo đức đối với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong y học.

Và đây là một điều thực sự cần thiết. Bởi vì y tế là một trong những lĩnh vực mà trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng phát triển nhất. Và đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình tích hợp công nghệ máy học vào khám chữa bệnh.

Tuy nhiên vì liên quan đến vấn đề sức khỏe và tính mạng con người, do đó các AI y tế cũng cần phải tuân theo luật lệ cơ bản nhất của y học: “Không được gây hại”. Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng.

Sau gần 2 năm tham khảo các tư vấn từ những chuyên gia trên toàn thế giới, WHO cho ra đời bản báo cáo nhận định sử dụng AI trong y học đem đến nhiều lợi ích, tuy nhiên chỉ khi “đạo đức và nhân quyền được đặt lên hàng đầu trong quá trình thiết kế, triển khai và sử dụng”.

Tính đến hiện tại, AI đã được sử dụng trong y học để phát hiện khối u khi chụp X quang, dự đoán cách bùng phát và phân tích các ghi chú của bác sĩ. Trong tương lai, AI có thể hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phát hiện thuốc, đưa ra chẩn đoán theo thời gian thực (từ dữ liệu của các thiết bị sức khỏe đeo trên người), hoặc thậm chí trở thành “y tá ảo” cho các bệnh nhân từ xa.

Tuy nhiên, chính sức mạnh này cũng chính là mối hiểm họa tiềm ẩn của AI. Vì AI có khả năng xử lý nhanh chóng số lượng dữ liệu khổng lồ, do đó nếu thuật toán ổn định, thì dịch vụ y tế cũng tốt hơn và rẻ hơn. Ngược lại, nếu có bất kỳ sai sót nào, thì hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với sai lầm của bất kỳ một bác sĩ đơn lẻ nào đó. Chẳng hạn trong một nghiên cứu gần đây, một thuật toán được sử dụng để xác định các trường hợp nhiễm trùng huyết đã bỏ sót đến ⅔ trường hợp vì thường xuyên đưa ra các cảnh báo giả.

Vậy nên để vận dụng tối đa đồng thời giảm thiểu tác hại của AI, WHO đã đưa ra Lời thề Hippocrate dành cho những lao động AI trong ngành y tế.

Các nguyên tắc bao gồm con người (cả bác sĩ và bệnh nhân) vẫn là đối tượng đưa ra quyết định cuối cùng. AI không được gây hại, mọi lời khuyến cáo và hành động của AI phải minh bạch và được giải thích rõ ràng.

Công nghệ AI phải có trách nhiệm rõ ràng đối với kết quả của bệnh nhân, phải được lập trình để có thể sử dụng cho nhiều người nhất và hoạt động tốt trong điều kiện thực tế, chứ không chỉ trong các cuộc thử nghiệm.

Lý thuyết là vậy, tuy nhiên việc đưa lời thề Hippocrate của AI vào thực tế lại khó khăn hơn nhiều. Bởi vì khi thuật toán càng phức tạp, thì những hành động của AI sẽ càng khó giải thích hơn. Đồng thời, AI cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các dữ liệu xấu được nhập thường xuyên.

Có thể nói rằng mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân cần rất nhiều sự tin tưởng. Và AI trong y học cần nhiều thời gian để đạt đến mốc tin tưởng này.

Có thể bạn quan tâm

  • Mang trí tuệ nhân tạo Việt Nam lên các dòng xe hơi truyền thống

    Mang trí tuệ nhân tạo Việt Nam lên các dòng xe hơi truyền thống

    12:57, 18/06/2021

  • EU sẽ cấm trí tuệ nhân tạo?

    EU sẽ cấm trí tuệ nhân tạo?

    03:05, 18/04/2021

QUÂN BẢO