Thương mại điện tử hướng đến bền vững

LÊ HÀ 18/08/2021 02:54

Đại dịch COVID-19 đã mang đến nhiều cơ hội cho thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng bứt phá và xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững.

 Tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam. Nguồn: EIU

Tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam. Nguồn: EIU

Theo các khảo sát, đánh giá của Bộ Công Thương và các tổ chức quốc tế, năm 2015, TMĐT Việt Nam đạt được trên 3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm tới 38%. Đến năm 2019, quy mô TMĐT bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đã đạt 12 tỷ USD. Báo cáo này dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 là 29%.

Còn nhiều dư địa phát triển

Tuy nhiên, chỉ số TMĐT những năm qua cho thấy, phần lớn hoạt động TMĐT diễn ra ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 18% dân số nhưng chiếm trên 70% giao dịch TMĐT của cả nước. Điều này có nghĩa là 61 địa phương còn lại chiếm 82% dân số, nhưng chỉ đóng góp chưa tới 30% quy mô TMĐT. Đáng chú ý, tỷ trọng 70% này ổn định trong cả giai đoạn 2016-2019. Quy mô TMĐT ở các địa phương, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất nhỏ. Trong khi đó, khoảng trên 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Mặc dù còn rất nhiều dư điạ để phát triển nhưng muốn phát triển lành mạnh và bền vững TMĐT cần có sự chung tay của chính quyền các địa phương, các cơ quan đoàn thể, sự tham gia của người dân, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp,…”.

Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 645/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2025, về tương quan phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế, các địa phương ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp, công ty với khách hàng) của toàn quốc; 50% các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa, hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến... Mục tiêu này cho thấy, định hướng về phát triển TMĐT bền vững ở Việt Nam là thúc đẩy hoạt động này lan tỏa ra khắp cả nước. Để làm được điều này cần có sự chung tay của chính quyền các tỉnh, thành phố, các tổ chức , doanh nghiệp, người dân…

Tiêu thụ nông sản trên sàn  thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh.

Tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh

Ông Dũng chia sẻ: “ Với mục tiêu thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững, đặc biệt triển khai lưu thông hàng hóa trong thời điểm giãn cách xã hội, VECOM đã nhanh chóng triển khai các dự án TMĐT Tạp hoá số. Với mục tiêu sử dụng nền tảng công nghệ để đưa hệ thống các cửa hàng tạp hóa trở thành chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu, giảm áp lực cho các kênh phân phối hiện có. Bên cạnh đó, VECOM phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, TW Đoàn để triển khai các khoá đào tạo online về TMĐT cho các nữ chủ cửa hàng tạp hoá, nữ doanh nghiệp...

“Sợi chỉ đỏ” sẽ làm nên cuộc cách mạng thương mại điện tử

Trong thời gian qua các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương đã có những hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT. Một số địa phương như Bắc Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng,… đã đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương. Trong đó, chọn lựa một số địa phương đại diện cho mỗi vùng kinh tế trọng điểm và triển khai các đề án hỗ trợ phát triển TMĐT theo ngành hàng, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra các địa phương trên toàn quốc...

Với vai trò đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kết nối và tổ chức cùng với các Sàn thương mại điện tử hợp tác với Cục để hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ phân phối sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt ở các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, khi tham gia vào “Gian hàng Việt trực tuyến", doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia thương mại điện tử “cầm tay chỉ việc", tư vấn hoàn toàn miễn phí từng bước từ khâu đăng ký gian hàng, xử lý hình ảnh, đăng bán, đóng gói, giao hàng, các kĩ thuật hỗ trợ bán hàng hiện đại…

Có thể bạn quan tâm

  • Cần khung pháp lý cho thương mại điện tử

    05:00, 16/08/2021

  • Thúc đẩy kinh tế nông thôn qua thương mại điện tử

    16:15, 12/08/2021

  • 08-10/8: ASEAN Online Sale Day 2021: Tiền đề phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới

    17:47, 03/08/2021

  • Hà Tĩnh: Đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử

    04:14, 02/08/2021

  • Hoãn Thông tư 40, sàn thương mại điện tử cần thêm thời gian

    15:30, 27/07/2021

  • Sàn thương mại điện tử trong nước thiếu "sân chơi" cho các nhà bán hàng

    05:54, 21/07/2021

LÊ HÀ