Áp dụng công nghệ để tối ưu hoá khai thác rác thải
Áp dụng hệ thống thông tin GIS để quản lý, khai thác tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam sẽ góp phần nhận diện và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng.
>>Hải Phòng: Giải pháp nào cho xử lý rác thải?
Lợi thế từ công nghệ
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng rác thải rắn thu gom tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 2015 - 2019, từ mức 32,4 nghìn tấn/ngày lên 65 nghìn tấn/ngày, trong đó 35,6 nghìn tấn/ngày (hơn 50%) đến từ các đô thị, so với 28,4 nghìn tấn/ngày từ khu vực nông thôn, dù dân số nông thôn cao gấp hai lần đô thị.
Nếu chỉ tính 5 thành phố trực thuộc trung ương, gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, thì tổng lượng rác thải đô thị đã chiếm tới 40%, riêng Hà Nội và TPHCM thải ra 16.000 tấn rác mỗi ngày, tương đương 33,6% cả nước. Năm 2019, chỉ 85% lượng rác thải rắn thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia – tăng 10% so với mức 75% của năm 2015. Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng tỷ lệ xử lý này lên 90% với rác thải ở đô thị và 85% ở khu vực nông thôn, phấn đấu xử lý 100% vào năm 2050.
Tuy nhiên phương thức quản lý và xử lý rác thải áp dụng hiện nay còn khá hạn chế, các công nghệ xử lý rác thải rắn, nhất là công nghệ phát điện từ rác, còn gặp nhiều thách thức, khiến phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay vẫn là chôn lấp. Nhiều bãi chôn lấp rơi vào tình trạng vượt công suất nên khó tuân thủ được các điều kiện bảo vệ môi trường, gây ra nhiều hệ lụy tương đối nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe như ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí... Theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013, đến hết 2019, Việt Nam phải xây dựng được 229 cơ sở xử lý rác, nhưng tới cuối 2021, mới chỉ 85% số cơ sở được hoàn thành, tức là còn tới 65 cơ sở vẫn đang trong quá trinh xây dựng, trong đó gồm 31 bãi chôn lấp.
Trước thực trạng trên, ngày 19/7/2022 Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tối ưu hoá khai thác tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam”. Tọa đàm thu hút hơn 130 đại biểu từ các đối tác phát triển, giới chuyên gia, các tổ chức môi trường, đối tác phát triển… cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình quản lý và xử lý rác thải tại Việt Nam, giới thiệu công cụ trực quan về tiềm năng chất thải rắn ở quy mô đô thị và công nghiệp.
Áp dụng hệ thống thông tin GIS
Tại tọa đàm, Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã đưa ra kết quả của kế hoạch mà VIETSE tiến hành triển khai nghiên cứu các giải pháp nhằm tối ưu hóa tiềm năng chất thải rắn của quốc gia. Một trong những công cụ quan trọng nhất được VIETSE phát triển là bản đồ chất hiện trạng thải rắn hàng ngày ở quy mô đô thị và công nghiệp.
Kho dữ liệu này được xây dựng trên phạm vi toàn quốc và được thực hiện bằng phương pháp nội suy dựa trên số liệu điều tra về lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày trên đầu người tại các tỉnh thành và số liệu điều tra dân cư cấp xã. Các kết quả phân tích được trực quan hóa trên hệ thống tin địa lý GIS.
>>“Gian nan” giải quyết tình trạng ùn ứ rác thải tại Hà Nội
Hệ thống bảng tin (dashboard) của bản đồ gồm có 4 hạng mục chính về Quản lý chất thải rắn y tế, xây dựng và công nghiệp; Quản lý các cơ sở xử lý rác thải; Các hoạt động thu gom và xử lý rác thải; và Chất thải rắn sinh hoạt. Ngoài khả năng cung cấp dữ liệu linh hoạt theo yêu cầu người dùng, hệ thống này còn dễ dàng chia sẻ dữ liệu tới nhiều người dùng trên nền tảng điện toán đám mây của Google. Lợi ích này giúp doanh nghiệp dễ dàng cập nhật dữ liệu từ xa, cung cấp khả năng cùng thao tác chỉnh sửa bởi nhiều người dùng tại một thời điểm, cung cấp các công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu theo các chuyên đề khác nhau. (Hệ thống thông tin GIS về tiềm năng rác thải Việt Nam có thể truy cập theo địa chỉ: https://vietse.vn/waste-map-vietnam/ )
Đánh giá về lợi ích từ bản đồ trực quan hóa trên hệ thống tin địa lý GIS, Bà Trần Hải Anh, Chuyên gia tư vấn cao cấp về môi trường cho biết; các công nghệ xử lý là một phần quan trọng của chu trình xử lý rác thải. Tuy nhiên dù áp dụng công nghệ nào thì yếu tố tiên quyết vẫn là tính chất của rác thải và nhu cầu của chủ đầu tư. Ngoài ra tính khả thi về mặt kinh tế cũng là một trong những điều kiện tiên quyết trong viêc lựa chọn công nghệ phù hợp.
Bên cạnh đó, các diễn giả và chuyên gia cũng thảo luận về các kinh nghiệm xử lý rác cùng những công nghệ xử lý rác trên thế giới và khả năng áp dụng vào Việt Nam một cách hiệu quả nhất, để biến rác thành tài nguyên, góp phần giúp nước ta phát triển nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại diện cho Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam, Bà Trần Hoàng Anh, Chuyên gia Phân tích Năng lượng (VIETSE) chia sẻ, áp dụng hệ thống thông tin GIS để quản lý, khai thác tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam sẽ góp phần nhận diện và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ khí hậu. Công cụ này sẽ hỗ trợ cho quá trình ra quyết định đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, cũng như xây dựng chính sách quản lý và xử lý chất thải một cách hiệu quả, thực sự hiện thực hóa phương châm “rác là tài nguyên”, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành năng lượng và bảo vệ môi trường.
Đồng quan điểm trên Ông Hans Breukelman, Giám đốc công ty BreAd, thành viên của Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế (ISWA): Không có công nghệ nào là ‘liều thuốc tiên’ cho xử lý rác thải, mà sẽ cần tới giải pháp riêng cho từng vùng. Đây là vấn đề cần sự hợp tác của nhiều bên: chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và từng người dân. Trong đó hợp tác công tư sẽ đóng vai trò thiết yếu với hiệu quả xử lý rác.
"Chúng tôi kỳ vọng công cụ này sẽ hỗ trợ cho quá trình ra quyết định đầu tư cũng như xây dựng chính sách quản lý và xử lý chất thải một cách hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của ngành năng lượng và bảo vệ môi trường”- Ông Hans Breukelman nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Startup Indonesia tìm cơ hội từ rác thải
05:23, 10/07/2022
Thành phố Hội An (Quảng Nam): Quyết định đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn
01:58, 20/06/2022
Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương: SOS
10:24, 14/05/2022
Hợp tác công - tư trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam
09:55, 01/03/2022
Chương trình thu gom và xử lý rác thải nhựa được triển khai tại Hà Nội
15:23, 04/11/2021
Ảnh 2: .