“Cầm tay chỉ việc” phổ cập kỹ năng và kiến thức số
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định đã và đang đưa cán bộ công nghệ “cắm chốt” tại 226 xã, phường, thị trấn để “cầm tay chỉ việc” phổ cập kỹ năng số.
>>>Nam Định phấn đấu nằm trong Top 20 tỉnh dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
Đây là cách làm riêng với sự sáng tạo, chủ động của tỉnh Nam Định nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn.
Chuyển đổi số từ đời sống
Theo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 (DTI 2020), tỉnh Nam Định đứng thứ 11/63 tỉnh thành; trong đó chỉ số thành phần về xã hội số, Nam Định đứng thứ 5/63 tỉnh thành.
Ông Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải là vấn đề của ngày một ngày hai. Thực tế còn không ít người chưa tỏ tường bản chất của chuyển đổi số. Phần lớn vẫn hiểu chuyển đổi số một cách đơn giản, là hình thức ứng dụng công nghệ mới vào công việc hằng ngày.
“Nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng bản chất sẽ dẫn đến cách làm sai và gây lãng phí. Vì vậy, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức” - ông Vũ Trọng Quế cho hay.
Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tổ chức tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, với quan điểm, trong chuyển đổi số, nhận thức và kỹ năng được hội tụ trong yếu tố con người chứ không phải là công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông đã và đang đưa cán bộ công nghệ về 226 xã, phường, thị trấn để “cầm tay chỉ việc” phổ cập kỹ năng số cho cán bộ công chức địa phương, giúp họ chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số và lan toả kiến thức, kỹ năng đến đông đảo người dân.
Bà Vũ Thị Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh) cho biết: tại cơ sở, cán bộ công chức xã, phường được hướng dẫn từng bước kỹ năng sử dụng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, bao gồm việc đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính, tra cứu nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Việc hướng dẫn thực hiện trực tiếp trên thiết bị, không dạy chay hay truyền thụ lý thuyết. Trong quá trình thao tác, cán bộ cơ sở gặp khó ở đâu sẽ được hướng dẫn gỡ ngay ở đó cho đến khi sử dụng thành thục. Ngoài ra, cán bộ cơ sở được hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, nền tảng số Việt Nam để thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu tìm hiểu thông tin, kinh doanh và giao dịch qua sàn thương mại điện tử… thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.
Hơn 8.000 thành viên tham gia kênh zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia”
Cùng với việc nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở phục vụ cho việc phát triển và hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền số, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Nam Định đã sớm thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở từng thôn, tổ, với lực lượng nòng cốt là thanh niên để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vũ Trọng Quế, tổ công nghệ số cộng đồng là cầu nối giữa chính quyền địa phương với người dân, kịp thời thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến... Đây là lực lượng quan trọng góp phần phổ cập kỹ năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ số cho 1,9 triệu dân trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp người dân tích cực tham gia chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số đến thôn, xóm, khu phố.
Hiện nay, tỉnh Nam Định đang triển khai bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số “make in Vietnam” theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt, sau chương trình tập huấn, hơn 8.000 thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng tại tỉnh Nam Định đã tham gia kênh Zalo OA “Chuyển đổi số Quốc gia”.
Ông Đỗ Ngọc Vĩnh - thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng, Văn phòng Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, đây là con số ấn tượng, lớn hơn nhiều lần so với một số địa phương khác có số điểm cầu trực tuyến tương tự thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Việc tham gia, quan tâm kênh Zalo OA “Chuyển đổi số Quốc gia”, các thành viên kịp thời nắm bắt, cập nhật chủ trương, định hướng, thông tin về hoạt động chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, làm nền tảng kiến thức phục vụ hướng dẫn, hỗ trợ, lan toả sâu rộng thông tin đến cộng đồng dân cư.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Nam Định: Nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
14:56, 03/12/2021
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định: Ưu tiên xây dựng các công trình trọng điểm
13:31, 03/12/2021
Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Nam Định: “Kiến tạo” không gian đô thị hiện đại
13:24, 03/12/2021
VIETTEL&UBND Tỉnh Nam Định: Hợp tác chuyển đổi số xây dựng nền tảng, giải pháp công nghệ
12:29, 23/11/2021