Nam Định: Thúc đẩy khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế
Những năm qua, tỉnh Nam Định đã thúc đẩy khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
>>>Nam Định: Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Phát triển công nghệ để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Xây dựng và phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) là một trong những giải pháp chủ yếu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 tiến triển nhanh.
Theo lãnh đạo Sở KHCN Nam Định: Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành KHCN cùng các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường KHCN. Trong đó, trọng tâm là phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng KHCN cũng như đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển ý tưởng, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ mới.
Theo Sở KHCN, trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức 50 buổi tọa đàm, hội thảo khoa học giới thiệu công nghệ mới; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Chương trình KHCN quốc gia; tổ chức trên 30 khóa đào tạo nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh chuyên sâu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Cập nhật thông tin các đối tượng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư được duy trì, góp phần hạn chế tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghệ lạc hậu gây lãng phí đầu tư và ô nhiễm môi trường, với nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Tổ chức hội đồng thẩm định công nghệ 03 dự án trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư; cụ thể: “Nhà máy điện rác Greenity Nam Định”; Dự án “Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định”; Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định.
Tham gia ý kiến về công nghệ cho các dự án đầu tư, cụ thể: Dự án tổng kho xăng dầu Trường An của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An; Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN làng nghề Hải Vân, huyện Hải Hậu; Dự án Xây dựng nhà máy thực phẩm công nghệ cao tại xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản; Phương án xử lý nước thải dự án mở rộng công suất của nhà máy xử lý nước thải KCN Bảo Minh; Phương án xử lý Trạm xử lý nước thải KCN Hoà Xá,….
Công tác phát triển thị trường công nghệ từng bước được chú trọng. Đã tổ chức 15 buổi tọa đàm, hội thảo khoa học giới thiệu công nghệ mới; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia các Chương trình KHCN quốc gia. Tổ chức trên 10 khóa đào tạo nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và đào tạo khởi sự kinh doanh/quản trị kinh doanh chuyên sâu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ,... Cập nhật thông tin các đối tượng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vào hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Triển khai đề án xây dựng sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh.
>>>Nam Định: Phát triển kinh tế biển là động lực tăng trưởng kinh tế bền vững
Đưa KHCN để kết nối cung cầu…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định: Hàng năm tỉnh Nam Định hỗ trợ 3-5 doanh nghiệp tham gia các hội chợ kết nối cung cầu công nghệ, 3-5 doanh nghiệp tham dự các giải thưởng về KHCN có uy tín như: Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Giải thưởng Chất lượng quốc gia...
Triển khai Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Nam Định”, tỉnh đã tạo lập được môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng trong hoạt động quản lý để phát triển doanh nghiệp bằng cách tiếp cận các mô hình quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng, tiết giảm các lãng phí trong hoạt động sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Trong hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN, tỉnh đã phối hợp với CHLB Đức tổ chức hội thảo quốc tế “Quản lý nước thải bền vững tại tỉnh Nam Định”; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ như: Bệnh viện Đa khoa quốc tế VinMec, Tổ chức Latter Day Sain Charities. Quỹ Rosa Luxemburg - Đức, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện các chương trình, dự án về năng lượng, môi trường, hỗ trợ người nghèo và phát triển cộng đồng. Các chương trình hợp tác quốc tế mặc dù còn sơ khởi và phạm vi còn nhỏ hẹp song đã thu được nhiều kết quả khả quan, tích cực.
Nam Định cũng đã hình thành Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp. Hiện, đã có hơn 300 doanh nghiệp với trên 1.300 sản phẩm thiết bị công nghệ được đăng ký kinh doanh trên Sàn trực tuyến. Có 45 sản phẩm thiết bị công nghệ của 15 doanh nghiệp đăng ký trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghệ trực tiếp tại khu trưng bày của Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị. Đây được xem là bước đi quan trọng, đóng vai trò cốt lõi trong phát triển thị trường KHCN, tạo nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ...
Trong năm 2022, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KHCN đã phối hợp với Công ty Cổ phần OCD Việt Nam tổ chức hội thảo, trình diễn “Ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nam Định”; tổ chức tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo do Trung tâm sản xuất và giới thiệu một số thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp trên Sàn Ndtex như: thiết bị bể bơi của Công ty Vinasaco, lò đốt rác của tập đoàn công nghệ T-Tech… tại hội chợ Techmart Hải Phòng 2022.
Trước đó, tại Sàn Ndtex, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KHCN phối hợp với Trung tâm Phát triển KHCN và Đổi mới sáng tạo tổ chức sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, thiết bị giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp 100% vốn FDI Nhật Bản đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và một số doanh nghiệp tại Nhật Bản. Đây là các sự kiện điển hình về thúc đẩy và phát triển thị trường KH và CN của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, xúc tiến hợp tác để đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa thực sự sôi động, hiệu quả khi chưa đáp ứng yêu cầu cũng như mong muốn của các bên tham gia. Việc hỗ trợ, kết nối bên có nguồn cung với bên cầu công nghệ vẫn còn hạn chế. Sự kết nối giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp trên địa bàn còn thiếu.
Nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển KHCN còn hạn chế. Hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng KHCN, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thực sự trở thành nhu cầu sống còn, là công cụ cạnh tranh, trở thành động lực để thúc đẩy thị trường KHCN.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập này, thời gian tới, Sở KHCN cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ, xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc trưng. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện các dự án phát triển tài sản trí tuệ từ các văn bằng, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ. Tham gia hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu, chợ công nghệ thiết bị để trình diễn, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Có thể bạn quan tâm