Giải pháp nào bổ sung nhân lực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng?
Với Đề án Quy hoạch ngành công nghệ thông tin, trong giai đoạn 2022 - 2025, Đà Nẵng cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và trong giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm.
>>Đo lường sự hài lòng của người dân - luật mới là gốc rễ
Công nghệ thông tin với tốc độ tăng trưởng cao đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua.
Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông thành phố Đà Nẵng ước đạt 34.293 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 110 triệu USD, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, theo Báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số của Bộ Thông tin & Truyền thông, kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp 12,57% GRDP (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc là 9,6%).
Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn thành phố ước tính có khoảng 44.000 nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Dựa trên số liệu dự báo của Đề án Quy hoạch chung thành phố, trong giai đoạn 2022 - 2025, thành phố cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và trong giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là số lượng phải đi đôi với chất lượng.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng hiện tại địa phương đang thiếu hụt nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, thành phố thông minh, an toàn, an ninh thông tin,... Đồng thời, số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực chưa đảm bảo yêu cầu công việc thực tế của doanh nghiệp.
“Các trường đại học chậm triển khai việc thành lập các Bộ môn chuyên sâu như Công nghệ Tri thức, Thị giác Máy tính, Điều khiển học Thông minh, Trí tuệ nhân tạo,… do thiếu về giảng viên chuyên ngành hẹp nên việc xây dựng khung chương trình, yêu cầu đầu vào, chuẩn đầu ra, gắn kết với doanh nghiệp chưa được định hướng. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã ký kết nhiều văn bản hợp tác nhưng kết quả đạt được chưa cao. Một số doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi, đứng ngoài hoạt động đào tạo, chưa có nhiều mô hình doanh nghiệp cho thuê nguồn lực, các mô hình lồng ghép cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp”, ông Thạch cho hay.
Ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng cho rằng nguồn nhân lực các lĩnh vực dự kiến có nhu cầu cao như AI, Big Data, IoT, Blockchain chưa được đào tạo nhiều và chưa có môi trường phát triển (do quy mô doanh nghiệp ứng dụng CNTT nhỏ, hầu hết là chi nhánh). Cùng với đó, ông Việt cũng nhận định với quy mô dân số nhỏ nên Đà Nẵng rất khó để gia tăng số lượng nhân lực CNTT để đáp ứng nhu cầu phát triển lớn., cùng với đó quyết tâm nâng cao trình độ của người lao động còn thấp, người dân có xu hướng hài lòng với công việc hiện tại.
“Thành phố tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách để các trường mở rộng quy mô đào tạo, thu hút sinh viên theo học ngành CNTT đến Đà Nẵng để học tập, sinh sống và làm việc. Tạo điều kiện cho các chính sách an sinh như cho vay mua nhà để an cư lạc nghiệp... Các trường Đại học mở rộng quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các ngành có nhu cầu cao và trình độ cao như AI, Big Data, IoT, Blockchain… Các trường Đại học cần thay đổi nhanh chóng chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu”, ông Việt đề xuất.
Phát triển nguồn lực thế nào?
Trong thời gian tới, việc phát triển nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp, chất lượng cao, đảm bảo đủ nhân lực và xem như là một lợi thế đặc biệt quan trọng của địa phương trong thu hút đầu tư. Nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số và nền kinh tế số thành phố cần đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), xây dựng thành phố thông minh, đủ năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết chỉ có khoảng 15% sinh viên ngành công nghệ thông tin mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp; 72% sinh viên không có kinh nghiệm, thực hành và 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm. Theo bà Yến, nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để giải quyết cung cầu về nhân lực công nghệ thông tin giữa cơ sở giáo dục đào tạo và thị trường, đảm bảo sự đồng bộ giữa chất lượng và số lượng.
“Do đó, cần sớm tìm ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nhân lực công nghệ thông tin trong thời gian đến. UBND thành phố Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hiệp hội và cơ sở đào tạo; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin”, bà Yến nói.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng kiến nghị thành phố cần tạo điều kiện cho các đơn vị đào tạo phi chính quy chất lượng cao để mở rộng đào tạo. Song song, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực R&D, phát triển nhân lực thông qua các chính sách thuế, hỗ trợ từ quỹ.
Cùng với đó, Đà Nẵng cần xây dựng cơ chế riêng thu hút nhân lực chuyển đổi số về khu vực công làm theo thời gian ngắn, giải quyết bài toán của thành phố, có chính sách ưu đãi đối với các chuyên gia, nhà khoa học. Hợp tác với các cơ sở đào tạo để tài trợ hoặc cấp học bổng, tham gia chặt chẽ cùng với nhà trường trong đào tạo; đặt hàng, đưa các yêu cầu chất lượng đào tạo, nghiên cứu phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo trong nhà trường và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
“Sớm phát triển hạ tầng Khu CNTT, công viên phần mềm để sẵn sàng mặt bằng thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc tại thành phố. Đồng thời, nghiên cứu triển khai cơ chế sandbox, mô hình fintech trong Khu công viên phần mềm, CNTT để thúc đẩy chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Thạch nói thêm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng đề xuất địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp, đầu tư giảng dạy CNTT trong các trường, không chỉ về chuyên môn mà còn là ký kết để làm việc ngay sau khi hoàn thành chương trình học. Song song với đó, việc hợp tác với các chuyên gia, trao đổi sinh viên với các quốc gia khác cũng cần được xem xét để đáp ứng nguồn nhân lực trước mắt.
“Để giải quyết nhu cầu, các doanh nghiệp nên nhận sinh viên thực tập từ các trường đại học để có thể vừa đào tạo, vừa làm việc. Đồng thời, kết nối rộng hơn nữa mạng lưới cộng đồng IT trên cả nước để làm việc trực tuyến, hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo tiến độ công việc”, ông Hải chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm