Sản xuất quần jeans theo cách “xanh” hơn

HOÀNG MINH NGỌC (Đại học RMIT Việt Nam) 11/01/2023 10:54

Nghiên cứu cho thấy công nghệ laser kỹ thuật số và khí ozone có thể giúp giảm ô nhiễm trong quá trình sản xuất vải denim.

>>Replay quần jeans nam

Trang phục làm từ vải denim được người tiêu dùng trên toàn thế giới yêu thích bởi thiết kế đa dạng và sự thoải mái. Tuy nhiên, ngành sản xuất denim truyền thống thường được cho là tiêu thụ quá nhiều nước, năng lượng và hóa chất, cũng như phát thải nhiều khí nhà kính.

Ứng dụng công nghệ laser và ozone có thể giúp ngành sản xuất denim trở nên bền vững hơn.

Ứng dụng công nghệ laser và ozone có thể giúp ngành sản xuất denim trở nên bền vững hơn. 

Trong bài báo khoa học xuất bản mới đây, một nhóm nghiên cứu viên làm việc tại Việt Nam, Australia và Ấn Độ đã nêu bật tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ laser kỹ thuật số và công nghệ ozone vào sản xuất denim.

Bài báo dựa trên dữ liệu thu thập được từ nghiên cứu điển hình do nhóm thực hiện với hai doanh nghiệp sản xuất denim tại Việt Nam, cũng như kiến thức tổng hợp từ các nghiên cứu sẵn có.

Tiến sĩ Majo George

Tiến sĩ Majo George

Theo Tiến sĩ Majo George, giảng viên cấp cao tại Khoa Kinh doanh Đại học RMIT Việt Nam, xử lý laser là phương pháp không tiếp xúc có thể được sử dụng để tạo hoa văn, làm phai màu và khắc lên bề mặt vải denim.

“Ứng dụng laser hiệu quả và vệ sinh hơn so với các kỹ thuật thông thường, đồng thời giảm thiểu tác động lên môi trường do gần như không sử dụng nước”, Tiến sĩ George cho biết.

Kết quả của nghiên cứu điển hình mà nhóm thực hiện với hai doanh nghiệp cho thấy laser kỹ thuật số giúp tiết kiệm một lượng đáng kể nước (97%), năng lượng (70-90%) và chi phí hóa chất (60-70%).

Tiến sĩ George chia sẻ thêm: “Xử lý bằng laser cần rất ít vật tư tiêu hao như mực, hóa chất và vật liệu phụ trợ. Thay vì thời gian xử lý kéo dài 30-45 phút với phương pháp thông thường thì công nghệ laser chỉ cần hai phút”.

“Xử lý bằng laser không chỉ làm phai màu vải denim một cách hiệu quả, mà còn có thể tạo ra nhiều hiệu ứng sáng tạo khác nhau chỉ trong vài phút với độ chính xác cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất”.

Trong khi đó, ozone là chất oxy hóa mạnh có thể dùng để tạo hiệu ứng phai màu và tiết kiệm lượng nước tiêu thụ trong quá trình giặt vải denim.

Phó giáo sư Rajkishore Nayak

Phó giáo sư Rajkishore Nayak

Phó giáo sư Rajkishore Nayak, Khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Việt Nam, giải thích rằng không giống như các phương pháp giặt thông thường, khí ozone có thể loại bỏ vết chàm khỏi bề mặt vải mà không cần sử dụng hóa chất hay ngâm nước.

Vải denim khô sau khi được ozone hóa sẽ không cần giặt xả bằng nước. Nếu ozone hóa vải ướt, một hoặc hai lần giặt là đủ để loại bỏ hết lượng ozone còn sót lại và chất chàm đã tẩy khỏi vải. Đây là cơ chế giúp tiết kiệm nước của phương pháp này.

Phó giáo sư Nayak nói: “Nhìn chung, laser và ozone có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng và nước, tiết kiệm đáng kể hóa chất và hạn chế chất thải dạng lỏng đổ ra sông hồ”.

“Tuy nhiên, các công nghệ này hiện mới chỉ được một số doanh nghiệp sản xuất denim ở Việt Nam sử dụng do chi phí đầu tư ban đầu cao và đòi hỏi kỹ năng riêng đối với nhân sự vận hành máy móc”.

Phó giáo sư Nayak cho rằng lợi tức đầu tư (ROI) và lợi ích đạt được sẽ lớn hơn khoản đầu tư ban đầu.

“Một số nhà sản xuất và cung cấp thiết bị toàn cầu cho công nghệ laser và ozone đã có mặt tại Việt Nam. Các nhà máy denim truyền thống nên áp dụng những công nghệ mới này để giúp quá trình sản xuất denim trở nên bền vững hơn”, ông nhận định.

Vị chuyên gia thời trang bền vững cũng cho biết những công nghệ trên có thể được sử dụng để sản xuất giày dép, đồ da và các mặt hàng thời trang cao cấp đòi hỏi hoa văn phức tạp và chất liệu vải phai màu trong sản phẩm. Công nghệ laser có ứng dụng rộng rãi hơn so với ozone vì có thể dùng trong sản xuất cả hàng dệt may kỹ thuật, vật liệu nội thất ô tô và trang trí nội thất gia đình.

Có thể bạn quan tâm

  • Replay quần jeans nam

    01:02, 04/10/2021

HOÀNG MINH NGỌC (Đại học RMIT Việt Nam)