8 sản phẩm công nghệ thất bại nhất ở CES
Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES - Consumer Electronics Show) trình làng rất nhiều sản phẩm đột phá, nhưng cũng có nhiều sản phẩm thất bại, kể cả xuất thân từ các hãng công nghệ sừng sỏ.
>>Sản phẩm công nghệ "make in Vietnam" vươn tầm thế giới
Điện thoại Fire của Amazon
Năm 2014, Amazon ra mắt một mẫu điện thoại thông minh có hỗ trợ 3D nhằm tiếp nối thành công từ máy tính bảng Fire. Điện thoại Fire sở hữu những tính năng độc đáo đối với người dùng trung thành của Amazon, chẳng hạn X-Ray (công nghệ xác định diễn viên, bài hát và những thứ khác trên màn hình) và một công cụ dịch vụ khách hàng chuyên dụng. Hóa ra những khách hàng “trung thành” của Amazon cũng trung thành với Samsung và Apple. Do đó, họ không hề quan tâm đến dòng điện thoại thông minh này của Amazon.
Twitterpeek
Rất lâu trước khi Elon Musk tiếp quản Twitter, thì trang mạng xã hội này từng có một dự án khá kỳ quặc. Năm 2009, họ hợp tác với công ty công nghệ di động Peek để tạo nên một thiết bị giống máy nhắn tin, nhưng tính năng lại cho phép người dùng gửi và nhận các tweet. Thiết bị này có giá 100 USD và còn thêm phí 8 USD mỗi tháng. Kết quả cũng không mấy ngạc nhiên, khi người dùng nhanh chóng chọn dùng điện thoại gửi tweet thay vì một chiếc máy với chi phí như trên.
Loa Ipod Hifi
Ipod Hifi, mẫu loa trong nhà đầu tiên của Apple, chỉ “sống sót” vỏn vẹn 18 tháng. Thiết bị này nhận được các lời khen ngợi như chất lượng âm thanh tuyệt vời và ghi nhận phản hồi tích cực khi ra mắt. Tuy nhiên, nó không có gì đặc biệt so với giá cả. Và khi những chiếc loa di động chất lượng cao, giá cả phải chăng bắt đầu phủ sóng thị trường, thì Apple cuối cùng phải bỏ cuộc.
Điều khiển TV Sony Google
Mục đích của dự án này nghe có vẻ hay ho. Đó là hiện đại hóa phòng khách bằng một thiết bị thân thiện với người tiêu dùng. Tuy nhiên thực hành không giống lý thuyết. Bất kể là vì thiết kế kém cỏi, hoặc vì những bất đồng giữa hai gã khổng lồ Sony - Google, thì chiếc điều khiển 88 nút bấm này vẫn là một thiết bị quá phức tạp với người dùng. Nhiều người thậm chí còn chẳng biết nút chuyển kênh ở đâu.
>>FPT trình diễn sản phẩm công nghệ kiến tạo hạnh phúc tại Techfest Vietnam 2022
Máy nghe nhạc Zune của Microsoft
Thời điểm Microsoft phát hành Zune, thì iPod của Apple đã xuất hiện được 5 năm trên thị trường. Không chỉ vậy, Zune còn là một thiết bị cồng kềnh, không giống mong đợi của khách hàng. Danh mục nhạc của Zune cũng không so sánh được với những thứ trên iTunes. Dịch vụ của Zune hơi đi trước thời đại một chút, yêu cầu người dùng đăng ký thuê bao nghe nhạc thay vì cho tải đĩa đơn hoặc album. Nhưng có thể ở thời điểm đó không quá phù hợp.
Mắt kính Nike Magneto
Nike biết rằng khách hàng của họ, những người thường chơi thể thao, sẽ hay đeo mắt kính. Vậy nên việc ra đời một dòng mắt kính Nike là điều dễ hiểu. Và họ cũng biết luôn rằng kính của người chơi thể thao thường bị trượt vì người dùng tiết mồ hôi. Thế nhưng, cách giải quyết của Nike khá khác thường. Đó là yêu cầu khách hàng đính nam châm vào thái dương để bảo đảm kính ở đúng vị trí. Và kết quả là người dùng không thích làm điều này.
Mặt nạ điện Rejuvenique
Ý tưởng của thiết bị làm đẹp này là khôi phục vẻ đẹp tuổi trẻ bằng kích thích điện. Ý tưởng thực sự đáng sợ, nhưng hình dạng thiết bị trên thực tế còn đáng sợ hơn. Nó giống như một cái mặt nạ gắn vào phần đầu người dùng, khá giống phim kinh dị. Mặc dù được hậu thuẫn bởi siêu sao Linda Evans, thế nhưng sản phẩm bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Mỹ phẩm tuyên bố là không an toàn. Kết quả tất cả mặt nạ điện Rejuvenique đều biến mất khỏi các kệ hàng.
Máy chơi game Virtual Boy của Nintendo
Bộ máy chơi game headset 3D Virtual Boy của Nintendo là tiền thân cho dòng Meta Quest và headset VR sau này. Tuy nhiên, sai lầm của Virtual Boy quá hiển nhiên, đó là giá quá cao so với đa số người chơi. Ngoài ra, hiệu ứng 3D của nó cũng chẳng có gì ấn tượng. Không chỉ vậy, đeo thiết bị này còn gây đau cổ, đau lưng và đau mắt. Chưa đến một năm sau, Nintendo tuyên bố Virtual Boy là một dự án sai lầm của họ.
Lời kết
Dù được gắn mác thất bại, thế nhưng một số sản phẩm trên đây lại có tiếng tăm khá ổn trong văn hóa đại chúng. Chẳng hạn sau nhiều năm bị rút khỏi thị trường, thì Zune và Virtual Boy vẫn được nhớ đến rất nhiều.
Có thể bạn quan tâm