Động lực ngành xây dựng từ chuyển đổi số

Tuấn Tú thực hiện 14/02/2023 17:00

Chuyển đổi số không chỉ là xu thế chung ở tất cả doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau, với doanh nghiệp ngành xây dựng, đây còn là vấn đề “sống còn”.

>>Công nghệ số và văn hóa kinh doanh

Đây là chia sẻ của ông Trần Nhật Thành – Chủ tich Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Delta với DĐDN.

- Delta là một trong những Doanh nghiệp xây dựng ứng dụng công nghệ 4.0 từ rất sớm. Ông nhận định ra sao về cơ hội của các doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi số?

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 giúp các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề cùng thay đổi cách thức quản lý vận hành. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chuyển đổi số tiến triển với tốc độ khá chậm chạp với ngành xây dựng.

Ngành xây dựng là một khoa học thực tế. Chuyển đổi số ngành xây dựng đòi hỏi phải được khoản đầu tư lớn nên số hóa mới chỉ áp dụng cục bộ, tập trung chủ yếu vào khai thác xây dựng cơ sở dữ liệu, quy trình và trải nghiệm nhân viên.
Trước sức ép của Đại dịch Covid-19 đã tạo thêm động lực để doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi số, thậm chí chuyển đổi số còn mang tính “sống còn” đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp xây dựng. Họ sẽ phải tiếp tục sử dụng nhiều công nghệ số hơn làm cho doanh nghiệp của mình có sức bền bỉ hơn, đồng thời phải linh hoạt hơn nhằm duy trì vị thế cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn nữa.

 Mô hình thông tin công trình (BIM)

Mô hình thông tin công trình (BIM)

Số hóa là áp lực đổi mới nhưng cũng là cơ hội để giảm chi phí sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh. Chuyển đổi số giờ đây không còn được coi là một điểm cộng, mà là điều bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nếu không muốn trở nên tụt hậu và bị loại ra khỏi cuộc chơi.

- Các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành xây dựng đã đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện này, thưa ông?

Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 02/2022 về đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Xây dựng. Cùng với đó là Kế hoạch cập nhật, bổ sung Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số Bộ Xây dựng năm 2022 và Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Xây dựng năm 2022. Hiện tại, Bộ đang triển khai xây dựng Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng nhằm công khai, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong hoạt động xây dựng.

Các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số đã mang đến những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp như: Kho dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Bộ đã tích hợp phần mềm ký số tập trung, thanh toán trực tuyến, biên lai điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ; xây dựng các API dịch vụ tra cứu thông tin công dân; xác nhận số định danh cá nhân để tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Xây dựng khi kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ đã tích hợp và xây dựng tài liệu hướng dẫn các địa phương về việc kết nối hệ thống Dịch vụ công thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua thông qua nền tảng chia sẻ Dữ liệu quốc gia.

Với những cơ sở dữ liệu và hành lang pháp lý trên, các doanh nghiệp xay dựng sẽ hoàn toàn có thể tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Đây là một xu thế tất yếu và cần thiết giúp chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa quy trình làm việc.

>>Chuyển đổi số theo chiều sâu: Thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế số

- Delta Group là doanh nghiệp xây dựng với tuổi đời hơn 30 năm, ông có thể chia sẻ những thành công trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp?

Thực hiện phát động “khoa học công nghệ phát triển lên xã hội 4.0” của Chính phủ, những năm qua Delta đã áp dụng khoa học kỹ thuật 4.0. Điển hình, chúng tôi đã đưa ra quản lý theo hệ thống quản lý BIM (Building Information Modeling), thiết kế 3D hình khối để đưa vào hệ thống quản lý BIM và thành lập phòng BIM lớn để quản lý theo hệ thống.

Như chúng ta đã biết ngành xây dựng và bộ máy lớn đa dạng nên chúng tôi đã xây dựng lộ trình ưu tiên thực hiện để đem lại hiệu quả từng bước về mặt kinh tế. Cần đánh giá năng lực hệ thống, đầu tư công nghệ và hoàn thiện quy trình trước khi triển khai các phần mềm dịch vụ phù hợp.

Delta Group áp dụng một số phần mềm quản lý tích hợp thiết bị di động vào hoạt động hàng ngày để cải tiến quy trình công việc từ giao tiếp, làm việc nhóm tốt hơn, năng suất lao động tăng đều khoảng 30%/năm trong 5 năm qua. Công tác chuyên môn cũng thuận lợi hơn nhờ bằng phần mềm kế toán, phần mềm quản lý thi công, quản lý hồ sơ pháp lý an toàn, quản lý hồ sơ công nhân, cơ sở dữ liệu đám mây,… Cũng chính nhờ số hóa nên trong điều kiện dịch bệnh, công trường không bị ngừng trệ, vì vẫn được triển khai và điều hành từ xa.

Nếu nói về cụm từ Chuyển đổi số nhiều người còn chưa hiểu hết thì Delta Group đã bắt tay vào chuyển đổi số từ khá sớm. Delta Group đã thành lập phòng ứng dụng công nghệ BIM đầu tiên của các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam. Phần mềm BIM giúp doanh nghiệp tránh bỏ sót các công việc của từng dự án, chuẩn hóa hồ sơ pháp lý, nâng cao hiệu quả công việc không chỉ trong một phòng ban riêng lẻ, mà còn trong liên phòng ban, cũng như rất hữu ích khi DELTA Group làm việc với các đối tác.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển đổi số bắt đầu từ văn hóa

    17:30, 14/02/2023

  • Cà Mau: Dấu ấn chuyển đổi số

    14:14, 12/02/2023

  • Ra mắt phiên bản mới Tài liệu “Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch”

    03:30, 11/02/2023

  • Hải Dương: Nỗ lực chuyển đổi số toàn diện

    00:30, 10/02/2023

  • Thái Bình: Tiện ích từ chuyển đổi số

    00:06, 09/02/2023

Tuấn Tú thực hiện