Chuyển đổi số ở doanh nghiệp Gia Lai

MAI CHIẾN 15/03/2023 01:00

Doanh nghiệp đang cần gì ở chuyển đổi số, nhân lực, kỹ thuật, hạ tầng hay chi phí đều là những câu hỏi đặt ra tại hội thảo giải pháp chuyển đổi số tại Gia Lai..

>>Doanh nghiệp miền Trung chuyển đổi số: Cần cơ chế đặc thù để đi nhanh hơn

Ngày 14/3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Viện nghiên cứu sức khoẻ và phát triển Giáo dục Tây Nguyên và Công ty Cổ phần công nghệ mới phát triển Quốc tế KTSVN tập huấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh, người khởi nghiệp, thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng trong khu vực. Đây là câu chuyện được giới kinh doanh mong chờ nhất trong hành trình tìm giá trị thặng dư lớn nhất.

Đi tìm điểm đầu của chuyển đổi số

Là doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm đa sản phẩm, sở hữu nhiều nhà máy sản xuất, do đó Tập đoàn Trường Sinh đã tiếp cận công nghệ chuyển đổi số từ rất sớm, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Sinh cũng cho hay: “Trong ba năm qua chúng tôi đã đang tìm những giải pháp chuyển đổi số thích hợp nhất. Trước mắt chúng tôi áp dụng trong khâu quản trị tài chính, sau đó nếu thích hợp sẽ áp dụng dần sang các khâu sản xuất, quản lý khác. Tuy nhiên làm chuyển đổi số không thể một sớm một chiều thành công được mà nó phải có thời gian”.

a

 Tập huấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh, người khởi nghiệp,... trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày 14/3.

Không phân vân như các doanh nghiệp lớn, Công ty TNHH MTV Đức Dũng Gia Lai lại theo đuổi nền tảng internet ngay từ ban đầu thành lập. Quản lý và bán thức uống qua các app, quản lý nhân viên theo thời gian thực. Do đó công ty đã giám sát được hiệu quả kinh doanh từng ngày, để có những điều chỉnh thay đổi phù hợp với việc phát triển.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Dũng Gia Lai, ông Trần Đức Dũng cho biết: “Mặc dù mới thành lập nhưng toàn bộ quy trình làm việc và kinh doanh của đơn vị đã áp dụng chuyển đổi số trên nền tảng internet. Điều này giúp doanh nghiệp tối đa hoá không gian làm việc của nhân viên, và tạo ra giá trị thặng dư lớn nhất cho doanh nghiệp. Đây cũng là mong muốn chung của người kinh doanh, trong hành trình chuyển đối số này”.

Giám d

Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Gia Lai Nguyễn Ngọc Hùng nhận định hiện tại doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc chuyển đổi số.

Đây chỉ là những đơn vị cụ thể áp dụng chuyển đổi số đem lại kết quả tích cực. Theo chia sẻ của ông Phùng Văn Phước – Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, con số thống kê cho biết, toàn tỉnh có 8700 doanh nghiệp đang hoạt động và 40.000 cơ sở kinh doanh.

Đến nay có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số toàn diện, còn lại là chuyển đổi số thành phần, từng khâu. Còn lại cơ sở kinh doanh lại có những chuyển đổi số tích cực nhất là mảng bán hàng online, kinh doanh sản phẩm trên các nền tảng xã hội.

Đồng hành và khơi thông cho doanh nghiệp

Hiện tại, đa số doanh nhân, doanh nghiệp khẳng định vẫn mơ hồ về chuyển đổi số và chưa biết bắt đầu từ đâu. Có thể khẳng định chuyển đổi số đã tác động mạnh đến kinh tế, xã hội nhưng làm thế nào để hiệu quả thì vẫn là vấn đề nan giải.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Gia Lai nhận định: “Doanh nghiệp vẫn lúng túng trong việc chuyển đổi số và chưa tìm được điểm khởi đầu. Do vậy, chuyển đổi số cần sự quyết tâm của chính quyền, sự đồng hành của doanh nghiệp công nghệ để khơi thông mạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp, người kinh doanh và người khởi nghiệp”.

a

Chuyển đổi số sẽ cung cấp cho kinh doanh đa kênh B2B, B2C, C2C,...

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Ngọc - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KTSVN nhận định doanh nghiệp, người khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, hình thành nên giá trị mới.  Doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới sẽ là một thành công. Điều này tạo ra giá trị kinh tế có lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng và Nhà nước, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Tập đoàn có 200 văn phòng trên toàn quốc, 1 văn phòng ở nước ngoài và đã giúp đỡ 15000 doanh nghiệp. KTSVN đã cung cấp hơn 5.490 giải pháp website khởi nghiệp, hơn 180 giải pháp website mạng xã hội cộng đồng, hơn 12 giải pháp ứng dụng cộng đồng, tỷ lệ doanh nghiệp, người dân sử dụng giải pháp được đào tạo, có kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng vận hành công nghệ miễn phí là 100%. Chuyển đổi số sẽ cung cấp cho kinh doanh đa kênh B2B, B2C, C2C (Doanh nghiệp – Doanh nghiệp; Doanh nghiệp – Khách hàng; Khách hàng – Khách hàng).

Nắm bắt được cơ hội kinh doanh theo mục tiêu chuyển đổi số, doanh nghiệp, người kinh doanh tại tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk cũng đã tham gia tập huấn tại Viện nghiên cứu sức khoẻ và phát triển Giáo dục Tây Nguyên.

 “Kinh doanh là phải đi tìm giá trị thiết thực. Chuyển đổi số là nền tảng cho giá trị ấy và là điều thiết yếu trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cáo các giá trị của sản phẩm tạo ra”, Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ - Viện trưởng Viện nghiên cứu sức khoẻ và phát triển Giáo dục Tây Nguyên nhận định.

MAI CHIẾN