Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn
Trong thời đại mới, cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, từ đó thoát khỏi khó khăn, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển sản phẩm mới,...
>>Cần có quy định riêng về đất khu du lịch, di sản
Ngày 07/04, Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng, VCCI Đà Nẵng cùng một số đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số và Tự động hóa trong phát triển kinh tế số khu vực miền Trung”. Sự kiện nhằm phản ánh các góc nhìn khác nhau về vấn đề chuyển đổi số và tự động hóa trong phát triển kinh tế số và đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành trọng điểm Đà Nẵng và vùng lân cận.
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên Hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho hay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình với những đổi mới từ ảnh hưởng tích cực của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, mà trọng tâm là các công nghệ số, cùng với tự động hoá với sự trợ giúp của phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật. Từ đó đã xuất hiện các hình thái mới trong quản lý, vận hành, phát triển kinh tế-xã hội cũng như quản trị quốc gia.
Theo ông Chiến, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, một mô thức mới đã hình thành, đó là Chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng cường sự cạnh tranh và nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua việc sử dụng các công nghệ mới, yêu cầu các tổ chức và doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách thức hoạt động, cải thiện quy trình,...
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định 03 trụ cột quan trọng trong chuyển đổi số là Chính phủ số, Xã hội số, và Kinh tế số. Trong đó, Kinh tế số là các hoạt động kinh tế được thực hiện thông qua sử dụng các công nghệ số, đặc biệt là internet và các công nghệ liên quan. Kinh tế số bao gồm các hoạt động như mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, quảng cáo trực tuyến, nghiên cứu thị trường trực tuyến, sản xuất số, dịch vụ khách hàng trực tuyến và nhiều hoạt động khác. Và đây được xem như làm một hình thái trong 3 hình thái Chuyển đổi số hiện nay, bên cạnh sự phát triển Chính phủ số và Xã hội số”, ông Chiến cho hay.
Ở góc độ địa phương, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng cho biết thành phố đã xác định 3 trụ cột phát triển kinh tế gồm các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng lớn, công nghiệp gắn với xây dựng nền kinh tế số và kinh tế biển. Trong đó, Đà Nẵng nhấn mạnh địa phương đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Tuy nhiên, vị này cũng cho hay còn một số vướng mắc trong công tác chuyển đổi số gồm một số quy định pháp lý còn cản trở triển khai. Cùng với đó là dữ liệu còn rời rạc, chưa được kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng chung.
“Hiện nay triển khai các dự án công nghệ số phục vụ phát triển đô thị thông minh đa phần là công nghệ mới, phức tạp, việc triển khai dự án công nghệ số gặp rất nhiều khó khăn do trình tự thủ tục đầu tư phức tạp, khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế chất lượng do định mức chi phí quá thấp (tỷ lệ hơn 3,3% chi phí thiết bị), nhưng công việc phức tạp, sản phẩm trí tuệ, hàm lượng tri thức cao nên việc lựa chọn đơn vị tư vấn chất lượng rất khó khó khăn”, ông Thạch cho biết.
Cùng thông tin, ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng công cuộc chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà đây đã trở thành sứ mệnh bắt buộc của các doanh nghiệp trên thế giới. Ông Tuân nhìn nhận nếu trước kia, cụm từ “chuyển đổi số” chỉ gắn liền với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, thì giờ đây, những công ty nhỏ hoặc các startup cũng đã tiếp cận gần hơn với công nghệ hiện đại.
“Trong những năm gần đây, chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành nhiệm vụ tất yếu, quyết định tính sống còn của các doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chính quyền các địa phương đã triển khai, ban hành nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số... Các nỗ lực này đã tạo thêm động lực, nâng cao khả năng nhận diện tầm quan trọng của chuyển đổi số, khuyến khích doanh nghiệp hướng đến số hóa trong mọi hoạt động từ kinh doanh đến sản xuất”, ông Tuân nói.
Cũng theo ông Hồ Anh Tuân, vài năm trở lại đây, hoạt động chuyển đổi số đã chuyển biến mạnh khi các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu tiếp cận và triển khai số hóa, chuyển đổi số. Các doanh nghiệp chuyển đổi số bằng nhiều phương thức khác nhau như: ứng dụng phần mềm, giải pháp số vào hoạt động kinh doanh, tiếp thị, bán hàng, quản lý bán hàng, quản lý quan hệ khách hàng…
“Một số minh chứng cụ thể về xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam như hơn 100.000 doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phần mềm quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ, bán hàng đa kênh, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, sử dụng tiếp thị số. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động quản trị doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp sử dụng các giải pháp công nghệ như CRM, ERP, HRM, phần mềm chấm công, phần mềm kế toán… ngày càng nhiều”, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng lấy ví dụ.
Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay, Việt Nam vẫn có sự thiếu hụt nhất định trong công cuộc chuyển đổi số như chi phí, cơ sở hạ tầng, kỹ năng số… và nhất là tư duy chuyển đổi số. Trong đó, có một số sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số về mục tiêu chuyển đổi số không rõ ràng, thiếu lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới, văn hóa doanh nghiệp không thay đổi kịp thời để đáp ứng chuyển đổi số và bỏ qua chuyển đổi trải nghiệm khách hàng.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nhận thức rõ chuyển đổi số là con đường để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Cùng với đó là giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ của mình. Đồng thời, tạo ra mô hình kinh doanh mới, chiếm lĩnh đại dương xanh,...
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Một số quy định có thể gây cách hiểu khác nhau
11:41, 07/04/2023
Nghị định số 10/2023: Gỡ khó thu hồi dự án treo
11:14, 07/04/2023
Nhận định về sự phát triển bất động sản thương mại và công nghiệp trong tương lai?
11:00, 07/04/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn về nguyên tắc xác định giá đất
10:06, 07/04/2023