Quảng Ninh: Tập trung phát triển thương mại điện tử
Tỉnh Quảng Ninh đang ưu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, từng bước đưa hoạt động TMĐT hội nhập với quốc tế.
>>>Quảng Ninh: Phấn đấu 100% doanh nghiệp đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
>>>Quảng Ninh: Duy trì “lửa” cải cách, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp
Kênh phân phối quan trọng
Thị trường thương mại điện tử (TMÐT) ở Việt Nam được đánh giá đang có sự phát triển nhanh chóng, trở thành kênh phân phối quan trọng, quy mô thị trường ước sẽ đạt hơn 56 tỷ USD vào năm 2025 (gấp hơn 4 lần so với quy mô năm 2021). Với doanh thu bán lẻ năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMÐT hàng đầu thế giới.
Còn tại Quảng Ninh, theo Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ứng dụng TMĐT của Bộ Công Thương, địa phương này hiện có 148 website về TMĐT. Trong đó có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch TMĐT.
Theo ngành Công Thương, năm 2022 doanh thu từ hoạt động TMĐT trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 7.900 tỷ đồng, đóng góp 10,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 260 sản phẩm OCOP đạt chuẩn được đưa lên sàn TMĐT như Voso.vn, Postmart.vn… Tính riêng tại Sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh hiện đang có gần 150 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh giới thiệu và bán gần 400 sản phẩm thuộc các ngành hàng: Thực phẩm - ẩm thực; đồ uống; nội thất - trang trí - lưu niệm và dịch vụ; thảo dược; vải và may mặc...
>>>Quảng Ninh: Quyết tâm trở thành điển hình trong chuyển đổi số
Thực tế, TMĐT giúp xóa bỏ mọi rào cản về khoảng cách không gian, thời gian trong kinh doanh, mở rộng thị trường, giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hành một cách dễ dàng với chi phí thấp.
Theo đại diện HTX Dịch vụ và Sản xuất nông lâm nghiệp Toàn Phú cho biết, HTX được Hội nông dân TP Hạ Long hướng dẫn cài đặt sử dụng sàn TMĐT làm kênh tiêu thụ nông sản từ đầu năm 2022. Ban đầu, việc nhập mã số và tích hợp dữ liệu của các thành viên HTX gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, sàn TMĐT đã trở thành kênh tiêu thụ sản phẩm chính của HTX. Các đơn đặt hàng từ các siêu thị, khách sạn, cửa hàng tiện ích qua sàn TMĐT không ngừng tăng lên, giúp HTX giao dịch và tiêu thụ nông sản thuận lợi.
Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Newstar cho biết, từ khi tham gia sàn TMĐT và được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của công ty đã được thị trường đón nhận tích cực. Đối tác của công ty được mở rộng, người mua cũng tin tưởng hơn và số lượng hàng hoá sản xuất, tiêu thụ tăng đáng kể.
Từng bước đưa hoạt động TMĐT hội nhập với quốc tế
TMĐT hiện đang ngày càng được người dân, doanh nghiệp của Quảng Ninh quan tâm nhiều hơn, bởi những tiện ích mới, ưu thế hơn hẳn so với các kênh bán hàng truyền thống trước đây. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều chương trình hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp khai thác tốt hơn ở kênh phân phối này.
Mới đây, địa phương này đã ban hành văn bản số 75/KH-UBND về Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Theo đó, ngoài các mục tiêu phát triển TMĐT chung như: Nâng tỷ trọng doanh thu TMĐT chiếm 12% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm qua các kênh trực tuyến đạt 45%; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 35%...; địa phương sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng... qua các kênh TMĐT; đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.
Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu 50% các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải (Hành khách, hàng hóa) áp dụng hình thức đặt, mua vé, nhận đơn hàng,... thông qua các phương thức điện tử (Website, hotline, app, ...) và chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch, thanh toán. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng sử dụng website hoặc tham gia hoạt động trên các sàn TMĐT bất động sản, vật liệu xây dựng; ứng dụng công nghệ để tương tác với khách hàng; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp kinh doanh bằng TMĐT trong các lĩnh vực như: du lịch, đặt phòng khách sạn, tour trực tuyến; phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và dịch vụ logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.... Phấn đấu giá trị giao dịch TMĐT của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm 30% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, hàng năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT với nhiều giải pháp đề ra. Qua đó góp phần thích ứng tốt với xu hướng và thời đại, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động TMĐT của tỉnh hội nhập với trong nước và quốc tế.
Cũng theo đại diện Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, phía Sở Công thương sẽ tập trung vào ưu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT xuyên quốc gia như: Alibaba, Amazon…; triển khai rộng rãi các hệ thống phần mềm thương mại tự động hóa, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” các sàn TMĐT uy tín trong nước…
Còn theo ông Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội nông dân TP Hạ Long cho biết, Sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội giúp nông dân giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng ở khắp mọi nơi mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn. Việc triển khai hỗ trợ hội viên tiếp cận sàn TMĐT đã dần thay đổi thói quen của nông dân.
Được biết, cùng với việc thúc đẩy TMĐT phát triển, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động TMĐT, đối tượng tham gia và chất lượng hàng hóa. Tăng cường phối hợp để phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật như trốn thuế, lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc… để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh trực tuyến và bảo vệ chất lượng sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đang nâng cấp Sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh thành sàn TMĐT mới chuyên giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP để thúc đẩy xúc tiến, thương mại sản phẩm OCOP…
Có thể bạn quan tâm