Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ doanh nghiệp phát hiện hóa đơn rủi ro

ĐỖ THU HẰNG 06/06/2023 10:24

Phần mềm này có khả năng phát hiện sai sót và cảnh báo cho kế toán viên những rủi ro trên hóa đơn, nhờ ứng dụng công nghệ AI.

>>Trí tuệ nhân tạo: Xu thế tất yếu của thời đại mới

Tập đoàn công nghệ Bkav chính thức ra mắt phần mềm Quản lý hóa đơn – Bkav eQLHD, có khả năng phát hiện sai sót và cảnh báo cho kế toán viên những rủi ro trên hóa đơn, nhờ ứng dụng công nghệ AI.

Thực tế, các doanh nghiệp thường khó tránh khỏi những rủi ro như nhận về hóa đơn giả, hóa đơn bị sai thông tin, hóa đơn không có giá trị thanh toán… dẫn đến hạch toán kinh doanh không chính xác. Hậu quả, doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt, tổn thất kinh tế, thậm chí vướng vào những rắc rối về pháp luật. Phần mềm Quản lý hóa đơn của Bkav hỗ trợ phát hiện triệt để hóa đơn giả, hóa đơn sai… góp phần giải quyết bài toán minh bạch cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Đức Phúc, Giám đốc phát triển phần mềm Quản lý hoá đơn Bkav eQLHD chia sẻ: “Từ những vướng mắc thực tế của doanh nghiệp trong quá trình xử lý hóa đơn, chúng tôi xây dựng Bkav eQLHD ứng dụng công nghệ AI. Phần mềm tự động đồng bộ và cập nhật dữ liệu từ Tổng cục Thuế, nhanh chóng phát hiện sai sót, kịp thời cảnh báo cho kế toán viên khi có các rủi ro về hoá đơn”.

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo được Chính phủ phê duyệt ngày 26/1/2021 đặt ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã vạch ra 5 nhóm định hướng chiến lược, bao gồm: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI; Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Phát triển hệ sinh thái AI; Thúc đẩy ứng dụng AI; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Bộ TT&TT được giao xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, thiết lập và chia sẻ dữ liệu, các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm AI trong các lĩnh vực có tiềm năng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm AI.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm chủ trì các nhiệm vụ: hình thành nền tảng dữ liệu tính toán; khuyến khích hình thành các tổ chức triển khai đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật và quản lý đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và phát triển sản phẩm AI trong các tập đoàn, công ty và các đơn vị nghiên cứu; hình thành các doanh nghiệp cung cấp giải pháp tích hợp dựa trên công nghệ AI, khoa học dữ liệu kết hợp với công nghệ blockchain, điện toán đám mây và Internet vạn vật; xây dựng cơ chế ưu đãi, triển khai công nghệ AI, khoa học dữ liệu thúc đẩy chuyển đổi số…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển AI ứng dụng, tháng 1/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược xác định tầm nhìn đến năm 2030 AI ứng dụng được áp dụng rộng rãi trong kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, thông minh hóa các hoạt động kinh tế xã hội, hình thành lực lượng lãnh đạo, người lao động có tư duy AI và kỹ năng trong việc sử dụng AI để giải quyết vấn đề.

Có thể bạn quan tâm

  • Trí tuệ nhân tạo: Xu thế tất yếu của thời đại mới

    15:27, 07/04/2023

  • Trí tuệ nhân tạo tạo sinh tiến vào doanh nghiệp

    04:00, 14/03/2023

  • TP HCM hướng tới trung tâm trí tuệ nhân tạo khu vực

    00:00, 07/11/2022

ĐỖ THU HẰNG