Cần đưa ra chính sách để “kích nổ” nhân tài ngành khoa học công nghệ

MINH CHÂU 07/06/2023 11:04

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ KHCN cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng?

>>Phát triển đột phá kinh tế từ “mỏ vàng” tài nguyên số

Sáng 7/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn tỉnh Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Bên cạnh đó, đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tranh luận.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tranh luận.

Về hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, cân đối bố trí vốn cho ngành. Dù hoạt động khoa học, công nghệ có nhiều tính đặc thù, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là cần xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn sáng 7/6.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn sáng 7/6.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, điểm “kích nổ” trong chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo khoa học công nghệ Việt Nam.

Theo đại biểu, thứ tự ưu tiên lựa chọn các chính sách để “kích nổ” trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới…

 sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam chưa phát triển?

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) nêu tình trạng thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường khoa học công nghệ?

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình.

Ngoài ra, theo báo cáo, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đầu tư ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ, năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn rất yếu kém. Đây là rào cản lớn đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới cần có cơ chế, chính sách như nào để nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp?

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kém chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Đẩy mạnh phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ

    03:00, 07/06/2023

  • Giải pháp công nghệ chống gian lận cho các doanh nghiệp thương mại điện tử

    11:00, 06/06/2023

  • “Soi” cổ phiếu công nghệ

    13:39, 06/06/2023

  • Hoàn thiện pháp lý cho các sản phẩm từ công nghệ AI

    03:10, 03/06/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Khoa học và Công nghệ

    20:00, 02/06/2023

MINH CHÂU