Hệ sinh thái sản phẩm báo chí số
Báo chí toàn cầu và Việt Nam vẫn đang xoay xở tìm cách vượt qua thách thức, thoát khỏi khủng hoảng để tìm kiếm mô hình kinh doanh phát triển bền vững.
>>Báo chí trong “thế giới phẳng”
Sự sụp đổ của BuzzFeed News và tập đoàn truyền thông Vice là câu chuyện đang được quan tâm nhiều nhất trên thị trường báo chí toàn cầu.
“Cái khó bó cái khôn”
Đây là những trang tin nằm trong nhóm trang web tin tức miễn phí đã từng rất thành công trong việc thu hút độc giả. Đặc biệt, BuzzFeed News đã được vinh dự trao giải Pulizer vào năm 2021 cho loạt bài báo điều tra. Trước đó, năm 2018, BuzzFeed News được vinh danh là website của năm tại Society of Editors Press Awards. Trong thời điểm thành công nhất của mình, hai trang tin - hiện tượng của báo chí kỹ thuật số còn được đánh giá là không có đối thủ với số lượt xem nội dung vượt quá con số 9 tỷ.
Sự kiện xảy đến với BuzzFeed News và truyền thông Vice cho thấy, khó khăn tài chính không “miễn nhiệm” với bất kỳ ai, kể cả với những “người khổng lồ”. Đồng thời, sự phụ thuộc quá nhiều của truyền thông vào các nền tảng mạng xã hội nên khi mạng xã hội “quay lưng”, thay đổi thuật toán, lượt truy cập giảm khiến nguồn tiền từ quảng cáo - nguồn thu chính sụt giảm nghiêm trọng, trong khi các nguồn thu khác, chẳng hạn từ bức tường phí không có.
Sự kiện của BuzzFeed News và truyền thông Vice tiếp tục nối dài những thách thức của ngành kinh doanh báo chí trong vòng xoáy khủng hoảng. Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) chia sẻ: không nằm ngoài quy luật toàn cầu, thị trường kinh doanh báo chí ở Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn chưa từng có, doanh thu từ quảng cáo sụt giảm do lượng truy cập từ mạng xã hội giảm sút.
Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng theo khảo sát của IPS với các cơ quan báo chí, từ đầu năm 2023 ước tính lượng mức truy cập sụt giảm khoảng 30%. Nhìn nhận sự việc đáng tiếc xảy ra với BuzzFeed News, Viện trưởng IPS cho rằng, đây là thời điểm để mỗi cơ quan báo chí nhìn lại mô hình hợp tác với mạng xã hội, xác định lại “bản sắc”, “lợi thế cạnh tranh” để tìm ra mô hình kinh doanh phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trước tình hình doanh thu ngày càng giảm, chi phí sản xuất và phân phối thông tin tăng, thị trường cạnh tranh khốc liệt, các cơ quan báo chí đang tìm kiếm những phương pháp, chiến thuật kinh doanh sáng tạo để tăng doanh thu từ các sản phẩm, tránh “vết xe đổ” của một số trang tin đình đám là “cho trứng vào một giỏ”.
Thực tế hiện nay, việc độc giả có sẵn sàng chi tiền để mua thông tin hay không khi tin tức đã trở nên quá dư thừa trên Internet cũng là một vấn đề lớn. Ngay cả ở Mỹ, một quốc gia với nền báo chí truyền thông phát triển hàng đầu thế giới, chỉ có 20% người Mỹ trả tiền cho tin tức kỹ thuật số và phần lớn chỉ đăng ký một thương hiệu báo chí.
>>Xu hướng tiêu dùng tin tức mới
Tăng nguồn thu từ hệ sinh thái báo chí số
Tuy nhiên trong thách thức hiện tại, các chuyên gia truyền thông vẫn nhìn thấy những cơ hội để tìm lối ra. Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng đề cập đến hai giải pháp quan trọng, thứ nhất là tiếp tục thu hút thêm độc giả bằng các tác phẩm báo chí chất lượng, có chiều sâu dựa trên lượng thông tin chính xác, có tính phân tích cao. Thứ hai là phát triển hệ sinh thái sản phẩm báo chí số với nhiều hình thức thông tin đa dạng và hiện đại như podcast, bản tin… nhằm khai thác tối đa tài nguyên dữ liệu nội dung có sẵn. Từ các sản phẩm đa dạng, kênh phân phối phong phú tạo thêm nguồn thu cho các toà soạn thay vì chỉ dựa vào quảng cáo từ mạng xã hội.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cho rằng, quan trọng nhất và cần được ưu tiên nhất là chủ động tạo ra và duy trì mối quan hệ tốt với độc giả, từ việc cung cấp các sản phẩm báo chí chất lượng. “Nội dung là vua” lại càng đúng trong thời đại số đang bão hoà thông tin. Các cơ quan báo chí cần đến những cây bút phân tích sắc sảo, chú trọng sản xuất những thông tin “độc”, có giá trị cao khiến độc giả không thể không bỏ tiền. Các câu chuyện, nội dung đó phải có ý nghĩa và đầy đủ bối cảnh, được đầu tư, độc quyền, tạo ra tương tác, lan tỏa các giá trị rộng rãi.
Đa dạng hoá các hình thức kinh tế báo chí, từ đó tìm ra hướng đi phù hợp là nội dung cần quan tâm. PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cho biết, báo cáo Dự báo và xu hướng của công nghệ, báo chí và truyền thông 2023 của Viện Nghiên cứu Báo chí truyền thông Reuters của Đại học Oxford chỉ ra rằng, mặc dù doanh thu từ đăng ký đặt báo vẫn là ưu tiên hàng đầu (80%), tiếp theo là quảng cáo hiển thị hình ảnh (75%), hầu hết các cơ quan báo chí đều theo đuổi việc đa dạng hoá nguồn thu.
Chẳng hạn, The Guardian kết hợp đăng ký trên ứng dụng của mình với mô hình quyên góp, quảng cáo kỹ thuật số, doanh thu từ các nền tảng và quỹ tổ chức sự kiện. Financial Times, được biết đến nhiều nhất với doanh thu từ gói đăng ký, cũng sử dụng quảng cáo hiển thị và quảng cáo gốc, điều hành một công ty tư vấn cho các công ty truyền thông khác và mở rộng hoạt động kinh doanh sự kiện của mình trong vài năm qua, bao gồm lễ hội cuối tuần hàng năm.
Có thể bạn quan tâm
Báo chí trong “thế giới phẳng”
09:20, 21/06/2023
Báo chí “người bạn tri kỷ” của du lịch Việt
08:50, 21/06/2023
"Khách hàng đặc biệt" của báo chí
08:38, 21/06/2023
Báo chí với tiến trình hội nhập
05:00, 21/06/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 21/06: Báo chí trong“thế giới phẳng”
04:13, 21/06/2023