AI “kiểu ChatGPT” chẩn đoán bệnh
Việc bác sĩ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc không còn lạ. Nhưng một AI có thể vượt qua các bài kiểm tra y khoa và hỗ trợ chẩn đoán như Med-PaLM 2 của Google là một thứ khá mới mẻ.
>>Ngày càng nhiều công ty cấm phần mềm “kiểu ChatGPT”
Med-PaLM 2 là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM - large language model), giống như phần mềm chat trí tuệ nhân tạo ChatGPT đang nổi như cồn hiện nay. Điểm khác biệt là Med-PaLM2 được xây dựng để có khả năng trả lời các câu hỏi chuyên ngành y khoa, tổ chức thông tin và tổng hợp nhiều loại dữ liệu, từ hình ảnh đến hồ sơ y tế.
Google huấn luyện Med-PaLM2 với các bài kiểm tra chứng chỉ y khoa. Và Med-PaLM2 đã trở thành công cụ AI đầu tiên có thể đưa ra những câu trả lời đủ chất lượng cho những câu hỏi theo kiểu Kỳ khi cấp phép y tế của Mỹ (USMLE - U.S. Medical Licensing Examination).
Các câu hỏi theo kiểu USMLE thường đưa ra thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh, tuổi tác, v.v. rồi hỏi người thi những câu kiểu như dựa vào thông tin được cung cấp, hãy chỉ ra biến chứng mà người bệnh dễ gặp phải nhất. Không chỉ trả lời trắc nghiệm, Med-PaLM 2 còn có thể trả lời các câu hỏi dài.
GPT-4 của OpenAI cũng có số điểm tương tự Med-PaLM2 trong các câu hỏi dạng này, dù chưa từng được huấn luyện. Mặc dù vậy, cả hai công cụ đều chưa đủ độ tin cậy để sử dụng vào thực tiễn khám chữa bệnh. Ngay cả ông Greg Corrado, giám đốc nghiên cứu cấp cao trong dự án Med-PaLM 2, cũng đồng tình với ý kiến này.
Hiện nay Google đang thử nghiệm Med-PaLM2 tại bệnh viện nghiên cứu Mayo Clinic. Họ chưa thông báo khi nào sẽ chính thức công bố Med-PaLM 2.
Trong khi đó ChatGPT đã được sử dụng trong y tế ngay sau khi ra mắt. Không chỉ xem AI này là một bách khoa toàn thư để tra cứu các câu hỏi nhanh, mà các bác sĩ còn xem ChatGPT là một trợ lý. Thậm chí có người còn “nhờ” chatbot này tư vấn nên tiến hành các trường hợp khó khăn ra sao, chẳng hạn cách can thiệp những người lên cơn nghiện.
Việc sử dụng các câu trả lời mẫu từ AI để giao tiếp với bệnh nhân thường không được hoan nghênh, vì có vẻ chúng thiếu sự tương tác “giữa người với người”. Tuy nhiên các câu trả lời của Med-PaLM 2 đối với các câu hỏi y tế thậm chí còn được ưa thích hơn câu trả lời do bác sĩ đưa ra. Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 5 của Google, các nhà nghiên cứu tiến hành so sánh câu trả lời do AI và do con người tạo nên trong chín lĩnh vực. Kết quả màn thể hiện của AI thắng tám trên chín lĩnh vực.
Đó chưa phải là tất cả. Theo một khảo sát năm 2018, phần lớn bệnh nhân ưu tiên thái độ của bác sĩ trong khám chữa bệnh. Họ sẵn sàng trả tiền cao hơn để nhận về dịch vụ xứng đáng. Trong khía cạnh này, rõ ràng công cụ như Med-PaLM 2 chắc chắn không thể tạo nên cảm giác đó cho người bệnh. Tuy nhiên bác sĩ có thể dùng công nghệ này để tạo nên các kịch bản nhằm cải thiện giao tiếp, giúp các cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và bệnh nhân trở nên suôn sẻ, nhẹ nhàng hơn.
Mặc dù vậy, nhiều người cảnh giác rằng việc tích hợp AI vào y học quá nhanh và không có quy định cụ thể có thể gây nên hậu quả tai hại.
AI đôi khi giống như bị “ảo giác”, đưa ra các thông tin sai sự thật. Những sai lầm kiểu như vậy trong y tế có thể dẫn đến các tình huống nghiêm trọng nếu không được kiểm tra lại cẩn thận, chẳng hạn chẩn đoán sai hoặc chữa trị sai cách. Không chỉ vậy, nếu không được đào tạo đúng cách, AI còn có nguy cơ làm trầm trọng hơn các thiên vị, định kiến vốn đã ăn sâu vào hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Hồi tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra một tuyên bố kêu gọi các bên thận trọng khi đưa AI vào y học. Bản tuyên bố có đoạn: “Việc áp dụng vội vàng các hệ thống chưa được kiểm nghiệm có thể dẫn đến những sai sót của nhân viên y tế, gây nguy hiểm cho bệnh nhân và làm xói mòn niềm tin vào AI, từ đó làm suy yếu hoặc trì hoãn các lợi ích của việc sử dụng những công nghệ như vậy trên khắp thế giới.”
Ngoài vấn đề này, các lo ngại về an toàn dữ liệu luôn được quan tâm hàng đầu. Google và Microsoft đều không dùng dữ liệu bệnh nhân trong đào tạo thuật toán. Tuy nhiên bệnh viện thì có thể dùng dữ liệu bệnh nhân để huấn luyện AI trong tương lai.
Ngay cả Google cũng bắt đầu sử dụng dữ liệu bệnh nhân từ cơ sở Minnesota của bệnh viện Mayo Clinic cho một số dự án cụ thể. Google tuyên bố dữ liệu sẽ được mã hóa và họ cũng không thể truy cập được. Tuy nhiên trong quá khứ Google từng gây ra những tranh cãi trong việc sử dụng dữ liệu khám chữa bệnh.
Đó là vào năm 2019, Google khởi động dự án “Project Nightingale”, thu thập dữ liệu y tế từ hàng triệu người Mỹ trên khắp 21 tiểu bang mà không có sự đồng ý của bệnh nhân lẫn bác sĩ. Các dữ liệu này bao gồm tên, các thông tin cá nhân, kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, hồ sơ y tế. Google dùng chúng để cung cấp dịch vụ cho một đối tác làm ăn.
Trong báo cáo về Med-PaLM, Google viết rằng: “Cần phải xem xét cẩn thận việc triển khai một cách có đạo đức công cụ này, bao gồm các đánh giá chất lượng nghiêm ngặt trong nhiều bối cảnh lâm sàng khác nhau, cũng như các biện pháp giúp giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào kết quả của một công cụ trợ lý y khoa như vậy.”
Có thể bạn quan tâm