Giải trí trực tuyến trả phí – Phổ biến ở tây, lạ lẫm ở ta

MINH TUẤN 07/12/2023 15:00

Các nền tảng giải trí trực tuyến thu phí vẫn còn là khái niệm ít được phổ biến tại Việt Nam. Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết về vấn đề này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đối với thế hệ trẻ hiện nay, những nền tảng giải trí hay những ứng dụng trả phí đã không còn quá xa lạ. Bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Việt Nam vào năm 2016, Netflix – một nền tảng xem phim trực tuyến của Mỹ giờ đây đã trở thành “ông lớn” và chiếm thị phần lớn nhất nhì nước ta, vượt qua cả K+ hay Zing TV. Đến năm 2020, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt con số trên 300.000, với tổng doanh thu ước tính 30 triệu USD.

Ứng dụng nghe nhạc Spotify của Thụy Điển cũng không phải ngoại lệ trong cuộc đua ứng dụng giải trí thu phí khi đứng top 2 trên bảng xếp hạng ứng dụng âm nhạc của Apple tại Việt Nam, vượt qua cả những nền tảng nghe nhạc miễn phí quen thuộc như Nhaccuatui hay Soundcloud.

Vậy đâu là yếu tố giúp những ứng dụng trả phí này chiếm ưu thế hơn so với những nhà cung cấp dịch vụ miễn phí?

Chất lượng và bản quyền

Tại Việt Nam, bản quyền về âm nhạc và phim ảnh vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ với đại chúng. Khi muốn xem một bộ phim hay muốn nghe một bài hát, đơn giản chỉ cần lên mạng tìm kiếm là sẽ có ngay, những bài hát nóng hổi của các nghệ sĩ nổi tiếng hay những bộ phim bom tấn nước ngoài đều sẽ xuất hiện chỉ sau một cú click chuột.

Tuy nhiên trong thời đại số, việc truy cập những hình thức giải trí như thế này đã khó khăn hơn rất nhiều nếu người dùng không trả phí, đơn giản bởi việc bảo vệ bản quyền đã được thắt chặt và những công nghệ để hỗ trợ mục đích bảo vệ bản quyền cũng ngày càng hiện đại, tinh vi.

Suy cho cùng, những nghệ sĩ, những nhà làm phim cũng là con người và cũng cần được nhận những khoản thù lao xứng đáng cho thành quả của mình.  

Ở các nước phương Tây, những hình thức giải trí trực tuyến trả phí đã không còn xa lạ, nhưng để thực hiện được ở Việt Nam là cả một vấn đề lớn. Vậy những gã khổng lồ như Netflix, Spotify đã làm gì để đạt được kết quả đáng nể như vậy tại thị trường quốc nội?

Tiêu chí đầu tiên phải kể đến đó là sự đa dạng và thâu tóm thị trường. Số lượng nội dung giải trí trên các nền tảng như Netflix hay Spotify là cực kì lớn, với đầy đủ các thể loại và đa dạng các quốc gia.

Netflix đã tiêu tốn 15,3 tỉ USD vào năm 2019 cho các bộ phim xuất hiện trên nền tảng này, bao gồm cả việc mua bản quyền các phim có sẵn và sản xuất các tác phẩm mới. Các bộ phim Việt Nam cũng đã xuất hiện trên Netflix để phù hợp với thị hiếu khi thâm nhập vào thị trường quốc nội nước ta.

Đối với Spotify, nền tảng này cũng thâu tóm ngành âm nhạc khi ký hợp đồng độc quyền với rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới. Hiện nay nền tảng âm nhạc trực tuyến này có hơn 100 triệu bài hát và hơn 5 triệu podcast trên hệ thống của mình, số người dùng trả phí của ứng dụng này trên toàn thế giới đạt mức 205 triệu người tại hơn 180 quốc gia.

Theo chia sẻ của anh Văn Thái – một nhạc sĩ tự do tại Hà Nội, Spotify sở hữu kho nội dung khổng lồ bởi đãi ngộ mà nền tảng này trả cho các nghệ sĩ dựa trên số lượt nghe là rất tốt. Thậm chí hiện nay, những nhà phát hành hay nhà tài trợ cũng dựa trên số liệu của các nghệ sĩ trên nền tảng Spotify để quyết định độ phủ sóng và mức tài trợ cho các dự án, điều này cho thấy sức ảnh hưởng cực kì lớn của nền tảng âm nhạc đến từ Thụy Điển này.

Tiêu chí tiếp theo thúc đẩy sự thành công của những nền tảng này đó chính là dễ sử dụng và dễ tiếp cận. Spotify và Netflix có mặt tại hơn 180 quốc gia trên thế giới với đầy đủ các ngôn ngữ tại các quốc gia này. Đi cùng với đó là giao diện ứng dụng thông minh, dễ sử dụng cùng nhiều tính năng độc đáo mà chỉ những nền tảng này mới có. 

Chất lượng nội dung là tiêu chí cuối cùng và tất yếu quyết định sự thành công của những nền tảng trực tuyến này. Những bộ phim trên Netflix đều có độ phân giải cực nét từ 1080p đến 4K, mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất. Tương tự, Spotify cũng chẳng kém cạnh khi có thể phát nhạc ở chất lượng cao 320kbs. Ngoài ra, hai nền tảng này còn triển khai những nội dung gốc độc quyền để thu hút người dùng.

Netflix nổi lên trong những năm gần đây với việc đầu tư sản xuất những bộ phim dài tập gây nhiều tiếng vang, thậm chí những bộ phim này còn mang về cho họ những giải thưởng danh giá. Spotify thì thu hút người dùng bằng cách hợp tác với những nghệ sĩ tên tuổi để sản xuất những bản nhạc chỉ xuất hiện trên nền tảng này, cùng với đó là những chiến dịch quảng bá riêng của thương hiệu kết hợp cùng với các nghệ sĩ.

Netflix và Spotify - hai

Netflix và Spotify - hai "ông lớn" trong lĩnh vực giải trí trực tuyến trên thế giới.

Mở rộng tệp khách hàng: Bài toán khó nhằn

Các nền tảng giải trí trực tuyến sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút tệp khách hàng là những người trẻ, những người hiểu biết nhiều về công nghệ và thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử, bởi họ đã có nền tảng về sử dụng công nghệ, cũng như khả năng làm quen và thích nghi nhanh hơn với một khái niệm công nghệ mới.

Tuy nhiên, đối với độ tuổi lớn hơn, đây lại là một bài toán khó cho những công ty như Netflix hay Spotify. Các nền tảng giải trí trực tuyến lâu đời tại Việt Nam như Zing MP3, Nhaccuatui từ lâu đã không áp dụng hình thức thu phí, vậy nên, đa số người dùng đều chưa quen với việc phải trả tiền mỗi khi nghe nhạc, xem phim. Để phổ biến và hình thành thói quen đến với những tệp khách hàng ở độ tuổi trung niên trở lên là một việc không hề dễ dàng và cần một lộ trình cụ thể, dài hơi.

Một điểm khó khăn nữa được đặt ra đó là hình thức thu phí mới mẻ này có thể trở thành thời cơ cho những đối tượng lừa đảo, lợi dụng. Hiện nay, rất nhiều trang web, fanpage trên mạng xã hội được lập ra dưới hình thức cửa hàng mua bán tài khoản giải trí. Những đối tượng sẽ đánh và sự thiếu hiểu biết của người dùng bằng cách bán những gói tài khoản giải trí như Netflix hay Spotify với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá chính hãng.

Chị Huyền My (Hà Nội) chia sẻ: “Do có nhu cầu giải trí cùng gia đình trong thời gian rảnh rỗi, tôi có tìm hiểu về các gói đăng ký dịch vụ truyền hình trực tuyến (Netflix). Vô tình nhìn thấy quảng cáo của một fanpage trên mạng xã hội, tôi có nhắn tin hỏi giá và được tư vấn rất nhiệt tình. Mức giá mà trang này đưa ra rẻ chỉ bằng nửa so với thanh toán trực tiếp từ trang web của Netflix, ngoài ra, họ còn chào mời với những giới thiệu hấp dẫn như chất lượng phim 4K, âm thanh vòm sống động, xem được trên nhiều thiết bị khác nhau và bảo hành tài khoản suốt thời hạn đăng ký.

Do thấy mức giá hấp dẫn nên tôi đã chọn mua gói 1 năm và thanh toán qua hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên sau khi nhận tài khoản và xem được 1 tuần thì tất cả các thiết bị của tôi đều thông báo tài khoản đã bị đăng xuất, tìm lại fanpage để yêu cầu bảo hành thì nhận ra mình đã bị chặn không thể liên lạc được”.

Ngoài trường hợp của chị My, rất nhiều khách hàng khác cũng gặp trường hợp tương tự do bị thu hút bởi mức giá quá rẻ.

Những bài viết quảng cáo, thu hút khách hàng mua tài khoản lậu ngang nhiên trên mạng xã hội.

Những bài viết quảng cáo, thu hút khách hàng mua tài khoản lậu ngang nhiên trên mạng xã hội.

Có thể thấy, việc phát triển những nền tảng giải trí trực tuyến là rất có lợi cho cả ngành giải trí và công nghệ. Tuy nhiên, để khiến việc trả phí trở thành thói quen cho một lượng lớn người dùng lại là một bài toán khó và cần nhiều tính toán.

MINH TUẤN