Tối ưu khởi nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và liêm chính
Khóa tập huấn mở đầu cho một chuỗi các hoạt động chính do Chương trình khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với UNDP triển khai trong năm 2022.
>>Thanh niên khởi nghiệp với định hướng kinh doanh liêm chính
Khóa học được diễn ra trong 3 ngày, theo hình thức online trên nền tảng Zoom. Đặc biệt, khóa học đã thu hút được sự tham dự của hơn 50 học viên đến từ trong và ngoài nước với đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực.
Nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2022 và dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam, với sự tài trợ của Vương quốc Anh trong phạm vi Chương trình cải cách kinh tế ASEAN", Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia (VSMA) tổ chức khóa đào tạo: “Tối ưu mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và Liêm chính” dành cho đối tượng học viên tham dự là người điều hành của các doanh nghiệp mới và startup, thanh niên lập nghiệp và các học viên đã tham gia các khóa đào tạo về Khởi nghiệm Liêm chính và Đổi mới sáng tạo do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Với kinh nghiệm trong đào tạo khởi nghiệp liêm chính, Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này, và đưa thêm nhiều nội dung mới, cập nhật. Bên cạnh đó, chương trình cũng mong muốn sau khoá học này các doanh nghiệp mới và startup, thanh niên lập nghiệp và các học viên có được nền tảng đổi mới sáng tạo về Liêm chính trong khởi nghiệp và tạo ra nhiều tác động tích cực tới môi trường, địa phương, tạo sinh kế cho các thành phần thuộc nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi, người lao động chưa có việc làm hoặc thu nhập thấp trên toàn quốc.
Khóa học của chúng ta ngày hôm nay mở đầu cho chuỗi các hoạt động do Chương trình khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại VN - UNDP triển khai trong năm 2022 và BTC cũng đã nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ phía UNDP.
Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – PhóTổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia chia sẻ: Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động từ năm 2002.
Năm 2020 đánh dấu sự hợp tác và hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc UNDP thông qua tài trợ của Quỹ Thịnh Vượng Anh để triển khai dự án có tên “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam”. Đây là một hợp phần mới nằm trong dự án Thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch tại các nước ASEAN, giai đoạn 2018 – 2021 tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dự án đã tạo sự đột phá khi hướng sự tập trung vào nhóm đối tượng mới là các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong đó, dự án hướng vào 3 nội dung chính: thứ nhất, tập huấn khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính dành cho các giảng viên và doanh nghiệp khởi nghiệp/doanh nghiệp mới; thứ hai, xây dựng và đưa vào sử dụng bộ công cụ kinh doanh liêm chính (cho nhà đầu tư và startup);thứ ba, chatbot khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính.
Đây là năm đầu tiên triển khai đào tạo khởi nghiệp liêm chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp/doanh nghiệp mới nên cơ bản kết quả phản hồi rất tốt và có nhiều đề xuất, rất cần được tiếp tục tạo sự lan tỏa trong cộng đồng khởi nghiệp. Do vậy, cuối tháng 11/2021, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam, với sự tài trợ của Vương quốc Anh trong phạm vi “Chương trình cải cách kinh tế ASEAN". Đây là phần kinh phí hỗ trợ bổ sung nên dự án được triển khai trong thời gian ngắn, sẽ kết thúc cuối tháng 3/2022. Các hoạt động chính của dự án sẽ tập trung vào đào tạo về kinh doanh liêm chính cho nhiều đối tượng khác nhau ở mức cơ bản, nâng cao và giảng viên nguồn, xây dựng bộ tài liệu về đào tạo liêm chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Khóa học ngày hôm nay sẽ mở đầu cho chuỗi các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cho cộng đồng khởi nghiệp trong năm 2022.
Bà Trần Hương Giang, Cố vấn Môi trường kinh doanh và dịch vụ tài chính, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội có đôi lời chia sẻ: Trong nhiều năm qua, chính phủ Anh rất vui mừng được đồng hành với Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung trong chương trình hợp tác cải cách kinh tế với mục đích thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại các nước ASEAN. Chương trình Cải cách Kinh tế đã và đang được thực hiện tại 6 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi tin rằng cải thiện môi trường kinh doanh là động lực lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện. Điều này cũng sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, đồng thời tạo nền tảng vững chắc hơn cho các doanh nghiệp quốc tế trong quá trình đầu tư và hoạt động tại khu vực ASEAN.
UNDP và VCCI là những đối tác lâu dài và tin cậy của chính phủ Anh tại Việt Nam, chương trình đào tạo hôm nay là một minh chứng cho những hoạt động tích cực từ các đối tác lâu dài này nhằm mang lại một môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch và bền vững hơn cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là lĩnh vực mà chính phủ Anh đặc biệt quan tâm, chú trọng và mong muốn đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm cùng các quốc gia trong đó có Việt Nam. Chúng tôi tin rằng sự phát triển của các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với các tiêu chuẩn quốc tế về liêm chính và đạo đức kinh doanh sẽ tạo tiền đề tốt đẹp cho môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh và bền vững.
Chương trình diễn ra trong 3 ngày từ 14-16/1 sẽ mang lại một diễn đàn để các doanh nghiệp đối mới sáng tạo và các chuyên gia cùng đối thoại, chia sẻ, thảo luận, hướng tới nâng cao năng lực của các doanh nghiệp về thực hiện liêm chính trong kinh doanh, giảm thiểu gian lận, tăng cường quản trị rủi ro và tuân thủ các quy định pháp luật. Những tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh liêm chính cũng sẽ mang lại giá trị gia tang cho các doanh nghiệp trẻ khi thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, việc ứng dụng các phương pháp công nghệ đổi mới sáng tạo cũng sẽ góp phần tăng cường nhận thức về kinh doanh liêm chính tới các thế hệ lãnh đạo trẻ của ngày hôm nay, những người sẽ kiến tạo một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, bền vững cho Việt Nam trong quá trình hội nhập, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả, chủ động và sáng tạo.
Hiện nay, mối quan hệ song phương giữa Anh và Việt Nam đang ở giai đoạn vô cùng tốt đẹp, với Hiệp định thương mại tự do song phương Anh – Việt Nam đang ngày càng đi vào thực chất, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và các đồng nghiệp của chúng tôi tại UNDP và Báo Diễn đàn doanh nghiệp rất vui được hỗ trợ và hợp tác tổ chức chương trình này, xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia, các lãnh đạo doanh nghiệp trẻ và các vị khách qúy đã dành thời gian tham dự chương trình đào tạo này. Xin kính chúc chương trình thành công tốt đẹp và các quý vị sức khỏe và thành công.
Bà Đỗ Thúy Vân - Cán bộ quản lý chương trình của UNDP Việt Nam chia sẻ: Theo Khảo sát Liêm chính trong thanh niên năm 2019 của Tổ chức Hướng tới minh bạch (với 1.638 người, trong đó có 1.173 thanh niên và 465 người lớn tuổi), đa số người trả lời cho rằng tham nhũng và thiếu liêm chính gây tổn hại tới thế hệ trẻ, tới nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam. 80% thanh niên Việt Nam tin rằng mình có vai trò trong việc phòng, chống tham nhũng, tuy vậy, việc huy động sự tham gia của thanh niên vào công cuộc phòng, chống tham nhũng vẫn là một thách thức ở Việt Nam. Có tới hơn ba phần tư số người trẻ cho biết họ không có hoặc có rất ít thông tin về liêm chính cũng như những quy tắc, quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đây cũng là lý do chúng ta có khóa tập huấn này. Chúng tôi kỳ vọng rằng chính các doanh nhân trẻ sẽ là những người khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo và liêm chính. Căn cứ vào bộ Cẩm nang về kinh doanh liêm chính dành cho doanh nhân trẻ được xây dựng trong khuôn khổ 2 Dự án khu vực của UNDP về “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN” do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ, và và “Youth Co:Lab”do Citi Foundation tài trợ, chúng ta có 4 động lực để kinh doanh liêm chính là: La bàn đạo đức của chính bạn; Chất lượng hệ thống quản lý của bạn; Pháp luật quốc gia, và Pháp luật và thông lệ quốc tế. Các hoạt động kinh doanh thiếu trách nhiệm có thể dẫn đến chi phí pháp lý, mất cơ hội kinh doanh và danh tiếng bị tổn hại. Ngược lại, kinh doanh liêm chính sẽ giúp cho doanh nghiệp có niềm tin ở các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp, và điều đó giúp doanh nghiệp tồn tại bền vững.
Con đường đi phía trước vẫn còn dài, song chúng tôi tin rằng giới doanh nhân trẻ hôm nay sẽ là những người đi đầu trong xây dựng một nền văn hóa kinh doanh liêm chính trong tương lai. Nhận thức của các bạn về lợi ích của việc thực hành kinh doanh liêm chính sẽ góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở Việt Nam.
Cùng với sự đồng hành của Chính phủ Vương quốc Anh, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp để giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng về kinh doanh liêm chính, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch hơn, công bằng hơn ở Việt Nam. Liêm chính trong hoạt động kinh doanh phải được coi là giá trị cốt lõi của từng doanh nghiệp. Đây cũng là điểm mấu chốt để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 như chúng ta đã cam kết thực hiện cùng Liên Hợp Quốc.
Chính phủ đã và đang rất nỗ lực để xây dựng văn hóa không tham nhũng, coi đó là nền tảng phát triển bền vững. Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính là một yêu cầu quan trọng đã được đặt ra. Nghị quyết về Phát triển bền vững đến 2030 đã được Chính phủ ban hành năm 2020, trong đó định hướng tới xã hội không tham nhũng, xây dựng kinh doanh liêm chính. Luật Phòng chống tham nhũng cũng đã đề cập đến các qui định phòng, chống tham nhũng không chỉ ở khu vực công mà ở cả khu vực tư.
Đại dịch COVID-19 là một phép thử về tính liêm chính trong kinh doanh của startup. Hiện các startup đã và đang gặp quá nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, trong đó có việc tuân thủ phòng chống dịch… Trong quá trình ấy, cùng với những khó khăn về điều kiện làm việc từ xa, suy giảm lao động, gián đoạn kỹ thuật, đứt gãy chuỗi cung ứng…, áp lực về đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh có thể khiến tính liêm chính của startup bị tác động, sai sót về tuân thủ có thể xảy ra, thậm chí thực hiện cả những hành vi kinh doanh phi đạo đức.
Khởi nghiệp liêm chính, không chỉ góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, mà còn được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp có thể thành công, phát triển bền vững, góp phần hồi phục và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Khởi nghiệp liêm chính không khó, startup cũng không cần đầu tư quá nhiều chi phí cho việc này, quan trọng là tinh thần nghiêm túc, trước tiên là tuân thủ tốt pháp luật; sau đó có thể áp dụng các bộ qui tắc ứng xử nội bộ để quản lý, tôn trọng khách hàng, giữ cam kết, giữ lời hứa, minh bạch, chính trực và thực hiện nhất quán các cam kết với các bên liên quan.
Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính trong khởi nghiệp cũng phải không máy móc, dập khuôn theo một mô hình nhất định, mà có thể linh hoạt áp dụng các bộ qui tắc về vấn đề này một cách linh hoạt phù hợp.
Có thể bạn quan tâm