Thế giới Di động bị tố chiếm mặt bằng... trái luật (Kỳ 2): Luật sư nói gì?
Luật sư Nguyễn Hải Vân, Đoàn Luật sư TP HCM, khẳng định: hợp đồng thuê mặt bằng giữa TGDĐ và Cty Hiệp Tân đã bị “vô hiệu” ngay từ thời điểm ký kết.
Luật sư Nguyễn Hải Vân khẳng định: căn cứ vào quy định của pháp luật, các tài liệu chứng cứ, hợp đồng thuê mặt bằng giữa TGDĐ và Cty Hiệp Tân đã bị “vô hiệu” ngay từ thời điểm ký kết vì "không đảm bảo đúng quy định theo Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Nhà ở 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009)".
Theo LS Vân, nhìn nhận từ thực tế và áp theo Luật nhà ở 2005, và dựa trên các tài liệu chứng cứ mà cụ thể là hợp đồng thuê mặt bằng “không số” giữa TGDĐ ký kết với Cty Hiệp Tân cho thấy, hợp đồng này vô hiệu ngay từ thời điểm ký kết, cụ thể:
Thứ nhất, tại Điều 8, Mục 1.5 về cam đoan của các bên trong hợp đồng nêu: “Bên A (Cty Hiệp tân) cam kết nhà đất cho thuê trong hợp đồng này thuộc quyền sử dụng và sở hữu của bên A, hiện không có tranh chấp, thế chấp ngân hàng…”. Bên cạnh đó, phần cam kết của bên B (TGDĐ) cũng đã chứng minh là TGDĐ đã xem xét kỹ, biết rõ về thửa đất, tài sản gắn liền với đất…
Như vậy, trong hợp đồng này đang gây mẫu thuẫn ngay tại các điều khoản cam kết của cả hai bên, họ tự chấp thuận sự “lừa dối” của nhau về thông tin liên quan tới tài sản (thửa đất, tài sản gắn liền với đất). Cụ thể, thời gian ký kết giữa TGDĐ và Cty Hiệp Tân là ngày 06/11/2014, nhưng thực tế thì tài sản này đã được thế chấp cho ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông – Chi nhánh Hóc Môn từ ngày 05/03/2012 (tài sản được thế chấp trước khi phát sinh hợp đồng cho thuê mà các bên đã xem kỹ và hiểu rõ) nhưng hai bên vẫn ký kết với nhau.
Thứ hai, hợp đồng thuê nhà giữa Công ty Hiệp Tân và TGDĐ ký vào tháng 11/2014, cho nên các bên phải tuân theo quy định theo Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Nhà ở 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Tại Điều 492, BLDS 2005 quy định về hình thức hợp đồng thuê nhà ở như sau:
Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bên cạnh đó, Điều 93 Luật Nhà ở 2005 về trình tự, thủ tục trong giao dịch về nhà ở quy định: hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Ủy ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn, trừ các trường hợp sau đây:
Cá nhân cho thuê nhà ở dưới sáu tháng; Bên bán, bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở; Thuê mua nhà ở xã hội; Bên tặng cho nhà ở là tổ chức.
Thứ ba, trên thực tế Cty Hiệp Tân đã bán tài sản này cho Cty Quỳnh Nhi và không có bất cứ một ràng buộc nào liên quan tới hợp đồng cho thuê mặt bằng. Và điều này được thể hiện là tài sản này đang thuộc quyền sở hợp pháp của Cty Quỳnh Nhi đã được cơ quan nhà nước công nhận. Do vậy, quyền lợi và nghĩa vụ của Cty Hiệp Tân trong hợp đồng cho TGDĐ thuê đã chính thức bị chấm dứt và hết hiệu lực, hay nói đúng hơn là “vô hiệu”.
Cũng theo LS Vân, trong trường hợp này, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở giữa Cty Hiệp Tân và TGDĐ, có thời gian thuê là 10 năm (kể từ ngày 17/12/2014 đến hết ngày 16/12/2024). Do đó, căn cứ vào các điều khoản trên thì hợp đồng thuê nhà không đáp ứng được các điều kiện trên thì vô hiệu.Việc giải quyết hậu quả theo quy định của Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán TAND Tối Cao.
Vì vậy, Công ty Quỳnh Nhi có thể khởi kiện TGDĐ ra tòa. “Cty Quỳnh Nhi có thể yêu cầu TGDĐ đền bù toàn bộ những thiệt hại mà đơn vị này đã gây ra”. Bên cạnh đó, Cty Quỳnh Nhi có thể thực hiện quyền tự vệ hợp pháp để lấy lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình đối với hành vi chiếm dụng mặt bằng kinh doanh của TGDĐ, yêu cầu TGDĐ phải ra khỏi vị trí nêu trên bằng nhiều biện pháp khác nhau trên cơ sở tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật - LS Vân nói.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc