Công ty Khánh Minh lao đao vì “luật rừng”?
Báo DĐDN vừa nhận được đơn kiến nghị của Công ty TNHH Khánh Minh về việc bị phá hủy tài sản, nhà xưởng trên đất của Công ty đã được bàn giao đất trên thực địa tại quận Ngô Quyền.
Bà Bùi Thị Kim Liên – Giám đốc Công ty TNHH Khánh Minh (Công ty Khánh Minh) cho biết, ngày 28/11/2018, Công ty Đầu tư và Phát triển Aurora đã có hành vi trái pháp luật bằng việc thuê “xã hội đen” và bảo vệ của Công ty Bảo vệ Toàn Cầu đến đập phá, hủy toàn bộ tài sản trên đất nền đã đổ bê tông, gồm: nhà xưởng, tường rào… trong diện tích đã được giao cho Cty Khánh Minh.
Chính quyền né tránh
Sự việc có sự chứng kiến của công an, địa chính phường Đông Khê. Tuy nhiên, khi Công ty Khánh Minh yêu cầu được xem lệnh cưỡng chế thì không đơn vị nào cung cấp được. Khi Công ty yêu cầu phía chính quyền lập biên bản hiện trường thì cán bộ phường Đông Khê đã né tránh và rời khỏi hiện trường.
Được biết, ngày 10/8/2015, UBND TP Hải Phòng đã cho Công ty Khánh Minh thuê hơn 4.000m2 đất tại phường Đông Khê – Ngô quyền để sử dụng xây dựng khách sạn, văn phòng, căn hộ nhà ở cao cấp cao tầng cho thuê. Diện tích đất trên cũng đã được bàn giao trên thực địa cho Công ty Khánh Minh.
Bà Liên cho biết thêm, Công ty Khánh Minh đã và đang tranh chấp gần 2.000m2 đất với Công ty CP Đầu tư Thùy Dương. Khi được TP Hải Phòng bàn giao hơn 4.000m2 đất, Công ty Khánh Minh đã tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000m2 đất liền kề. Sau đó, UBND TP Hải Phòng đã thu hồi, giao lại gần 2.000m2 đất cho Công ty Thùy Dương. Tuy nhiên, đến nay Công ty Thùy Dương chưa trả cho Công ty Khánh Minh tiền giải phóng mặt bằng, tiền hỗ trợ nông dân, tiền học nghề của các hộ nông dân và tiền san lấp mặt bằng diện tích gần 2.000m2 bị thu hồi.
Đã qua 30 kỳ đối thoại của Chính quyền Hải Phòng với doanh nghiệp, hết phiếu chuyển đơn này đến phiếu chuyển đơn khác. Nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Doanh nghiệp vẫn gõ cửa, kêu cứu khắp nơi.
Mặc dù, chưa giải quyết dứt điểm tranh chấp diện tích đất gần 2.000m2, Công ty Thùy Dương đã chuyển giao cho Công ty TNHH Aurora diện tích đất trên. Cơ sự ngày 28/11 cũng là do bắt nguồn từ việc chưa giải quyết dứt điểm việc thu hồi đất của UBND TP Hải Phòng.
Trao đổi với Báo DĐDN, ông Lê Chưởng – Chủ tịch UBND phường Đông Khê, việc tranh chấp đất giữa 2 Công ty thuộc thẩm quyền của UBND TP Hải Phòng, phường không dám bình luận đơn vị nào đúng đơn vị nào sai. Còn việc phá hoại tài sản sẽ do bên công an điều tra làm rõ. Nếu doanh nghiệp cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm hại thì phải có trách nhiệm báo với các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, tháo gỡ.
Khi được hỏi, UBND phường có trách nhiệm như thế nào trong trường hợp doanh nghiệp trên địa bàn bị phá hoại tài sản, đặc biệt là khi có sự chứng kiến của cán bộ phường (công an, địa chính)? Vị Chủ tịch đã trả lời quanh co rồi xác nhận, ngày 28/11/2018, sau khi xảy ra sự việc bà Bùi Thị Kim Liên có tới UBND phường trình báo nhưng do hôm đó phường có mấy cuộc họp một lúc lên không thể tiếp doanh nghiệp được.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Vi phạm trật tự xây dựng còn nhiều phức tạp
11:16, 07/12/2018
Hơn 10 năm chưa được nhận “sổ đỏ” khi mua nhà ở tại dự án Đầm Trung – Hải Phòng: Doanh nghiệp không biết nộp tiền thế nào?
11:05, 20/10/2018
Hải Phòng quyết liệt xử lý lấn chiếm đất quốc phòng
06:50, 19/10/2018
Giám đốc 80 tuổi vẫn gõ cửa kêu cứu
Được biết, đây không phải là lần đầu tiền doanh nghiệp bị quấy phá. Phía Công ty đã rất nhiều lần gửi đơn kiến nghị, tố cáo tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm việc UBND quận Ngô Quyền lấy đất của Công ty Khánh Minh để giao cho Công ty Thùy Dương nhưng chưa giải quyết bồi thường, hỗ trợ và các chính sách khác theo quy định.
Sau khi xem xét nội dung đơn, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn của Công ty Khánh Minh đến UBND TP Hải Phòng để chỉ đạo, xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả.
Theo dõi hội nghị đối thoại doanh nghiệp TP Hải Phòng, không ai là không khỏi chạnh lòng hình ảnh một bà Giám đốc già (năm nay đã gần 80 tuổi) hàng tháng vẫn kiên trì kiến nghị, kêu cứu để triển khai dự án của mình. Để rồi, gần 30 kỳ đối thoại doanh nghiệp, hết phiếu chuyển đơn này đến phiếu chuyển đơn khác. Nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Doanh nghiệp vẫn gõ cửa, kêu cứu khắp nơi.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp triển khai dự án, chấm dứt triệt để việc dùng “luật rừng” cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.