Móng Cái, Quảng Ninh: Chính quyền đẩy người dân vào cảnh trắng tay?
Gần 20 năm bỏ công, bỏ của khai khẩn đất hoang thành một vùng đất hồi sinh, với những đầm ao nuôi tôm, cá. Điều này giúp các hộ dân đổi đời với cuộc sống khấm khá hơn.
Những năm gần đây, với sự khuyến khích của chính quyền, nhiều hộ đã mạnh tay đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng quy mô các đầm nuôi tôm. Nhưng vốn còn chưa thu, một quyết định giáng xuống khiến người dân có nguy cơ trắng tay. Đó là câu chuyện đau lòng của 11 hộ dân tại xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái nằm trong diện GPMB xây dựng Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Đầu tư 7 tỷ đồng nhận hỗ trợ 300 triệu
Theo đơn của các hộ dân này gửi đến Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, thì đất các hộ được sử dụng là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, đất trồng rừng... có nguồn gốc từ khai hoang nhiều năm trước như 1988, 1997, 2004, 2007, 2008. Nhưng khi UBND thành phố Móng Cái thu hồi đất lại không thực hiện bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định của pháp luật.
PV Báo DĐDN đã đến địa bàn để tìm hiểu rõ hơn sự việc. Tại đây, bà Vũ Thị Tình, đại diện 11 hộ dân cho biết, chúng tôi phải vay mượn, đầu tư đào ao/đầm đắp bờ, xây dựng các công trình trên đất, mua sắm máy móc, công cụ, vật tư, tư liệu để phục vụ nuôi trồng thủy sản, đầu tư con giống với quy mô và số lượng lớn lên đến 7 tỷ đồng.
“Đặc biệt năm 2013, gia đình tôi được các cấp chính quyền địa phương, khuyến khích ủng hộ cho phép xây dựng trạm biến áp và được cấp điện với số tiền đầu tư lên 1,5 tỷ đồng nhằm cung cấp nguồn điện cho các ao hồ đầm nuôi trồng thủy sản. Đầu tư lớn, nguồn vốn còn chưa thu thì bị chính quyền địa phương thu hồi 14.096,7,m2 đất nuôi trồng thủy sản/ trên tổng diện tích hơn 20.000 m2. Nhưng đất bị thu hồi không được bồi thường, chỉ được nhận hỗ trợ 300 triệu đồng”, bà Tình bức xúc.
Lau những giọt nước mắt, bà Tình cho biết thêm, số tiền trên còn chưa đủ trả các khoản vay đầu tư. Còn nhiều tài sản, hạng mục không được bồi thường; không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm đối với diện tích đất trên khiến gia đình thiệt hại và khốn khổ, lâm vào tình trạng nghèo đói, nợ nần, phá sản.
Cũng theo bà Tình, việc thu hồi đất đã làm cho các thửa đất nuôi trồng thủy sản bị chia cắt nhỏ ra, manh mún sau này gần như không thể tiếp tục sử dụng, nhiều hệ thống công trình bị tê liệt không sử dụng được. “Việc người dân chúng tôi phải tiếp tục dừng nuôi trồng thủy sản cho đến khi công trình được xây xong thì cũng phải đến 2-3 năm nữa thì còn nhiều thiệt hại không thể tính được”, bà Tình nói.
Bà Tình nói thêm, các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây hộ nào cũng đầu tư máy phát điện hàng 100 triệu đồng trở lên, nhưng không ai được bồi thường mà chỉ hỗ trợ 1 - 2 triệu đồng di dời. Còn với guồng sục các hộ mua sắm giao động từ dưới 10 triệu đến 22 triệu/chiếc, máy bơm, máy sục khí, máy rửa đầm mua sắm với giá gần 10 triệu/cái nay chỉ bồi thường, hỗ trợ hơn 100 nghìn đồng/chiếc.
Thu hồi bằng mọi giá?
Theo bà Tình, UBND thành phố Móng Cái có thông báo thu hồi đất từ ngày 27/7/2017. Năm 2018 thì lập phương án bồi thường, hỗ trợ, bà con không đồng ý đã phản ánh, kiến nghị và gửi nhiều đơn từ tới các cấp nhưng không được giải quyết.
Sau những phản ứng của người dân, ngày 27/3/2019, UBND thành phố mới chính thức tổ chức buổi đối thoại với đầy đủ thành phần, các cơ quan chuyên môn của thành phố và tỉnh. Tại đây, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh: “bà con sống và làm nghề nông từ nhiều đời từ nhiều thế hệ, chính quyền địa phương khuyến khích, và phù hợp với mô hình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đầu tư là đầu tư thật, làm là làm thật, không phải người nơi khác đến đầu tư nuôi trồng thủy sản để trục lợi. Địa phương cần có cách giải quyết có lý có tình, tránh đẩy người dân vào cảnh “tay trắng”.
Tuy nhiên, UBND thành phố không những không tiếp thu, ghi nhận ý kiến để giải quyết những quyền lợi hợp pháp cho các hộ, mà ngày 28/3/2019 còn ra thông báo sẽ cưỡng chế thu hồi đất, buộc người dân phải giao mặt bằng vào ngày 02/4/2019.
“Chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương của nhà nước, đặc biệt xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là rất hợp lòng dân. Tuy nhiên, cách giải quyết của thành phố Móng Cái là không có tình, lý”.
“Chưa thực hiện đền bù, hỗ trợ đúng theo quy định của pháp luật; chưa kiểm đếm, chưa công nhận một số tài sản trên đất mà lấy ao/đầm, mặt bằng của nông dân chúng tôi để san bằng, phá hủy để không còn hiện trường là chúng tôi không đồng ý bàn giao” - bà Tình bức xúc.
Báo DĐDN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc