Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề vì một quyết định của tòa

Thanh Huyền 18/04/2019 21:05

Chỉ vì một quyết định của tòa án gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, buộc họ phải gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan có thẩm quyền.

Sau khi kết thúc hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cà phê Cao Nguyên, Công ty Sao Thủy trả lại mặt bằng cho chủ nhà. Chủ nhà cho người khác thuê thì bị Tòa án nhân dân (TAND) Quận 1, TP HCM ra lệnh cấm thay đổi hiện trạng khiến các bên liên quan thiệt hại 9,2 tỷ đồng.

Thiệt hại nặng vì quyết định của tòa án

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp vừa nhận được đơn cầu cứu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Sao Thủy (gọi tắt là Công ty Sao Thủy) và Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình (gọi tắt là Tranimexco) khiếu nại TAND Quận 1 đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 08/2019/QĐ-BPKCTT ngày 07/03/2019 về việc cấm thay đổi hiện trạng nhà đất tại 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

Theo nội dung đơn thư, Công ty Tranimexco cho Công ty Sao Thủy thuê lại khu vực nhà hàng ở tầng trệt, diện tích 480m2 tại số 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM để kinh doanh.

Công ty Sao Thuỷ ký hợp tác kinh doanh với Công ty CP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên (gọi tắt là Công ty Cao Nguyên) thời hạn 5 năm, diện tích 380m2. Trong hợp đồng ghi rõ, thời gian kết thúc hợp đồng hợp tác là ngày 14/02/2019.

Mặt bằng số 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 hiện phải đóng cửa vì tranh chấp

Mặt bằng số 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM hiện phải đóng cửa vì tranh chấp

Ngày 25/02/2019, Công ty Sao Thủy đã trả lại mặt bằng cho Tranimexco. Sau đó, Tranimexco ký hợp đồng cho đơn vị khác thuê với giá khoảng 600 triệu đồng/ tháng. Tranimexco đã nhận tiền cọc 10 tháng, tương đương với 6 tỷ đồng và tiến hành bàn giao mặt bằng cho đối tác mới.

Tuy nhiên, lúc này, Công ty Cao Nguyên liền gửi đơn ra tòa, yêu cầu Công ty Sao Thủy phải bồi thường thiệt hại. Theo đơn của Cao Nguyên, họ bị thiệt hại lên đến 15,5 tỷ đồng(!?) nên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản do Tranimexco sở hữu, sử dụng.

Mặc dù, chủ nhà không hề liên quan đến hợp đồng hợp tác của hai doanh nghiệp. Họ cũng đã cho đơn vị khác thuê nhưng ngày 7/3/2019, Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiền- TAND Quận 1 vẫn ra Quyết định số 08/2019/QĐ-BPKCTT “cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”.

Quyết định này nêu rõ: Nhà đất tại số 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa “thuộc quyền sử dụng của Công ty Sao Thuỷ”. Thực tế, tại địa chỉ này, ngoài tòa nhà do Tranimexco sở hữu, còn có tòa nhà của Bộ GTVT.

Như vậy, quyết định này xem như “cấm” toàn bộ tài sản nằm trong khu đất 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho dù Sao Thủy chỉ là đơn vị đi thuê, đã giải quyết xong việc trả lại mặt bằng với chủ nhà đúng theo hợp đồng.

Tới ngày 20/3, Thẩm phán Hiền tiếp tục ra tiếp quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời. Lần này, chỉ cấm thay đổi hiện trạng tài sản đối với 380m2 mà Công ty Cao Nguyên từng thuê. Quyết định vẫn nêu rõ đây là tài sản thuộc quyền sử dụng của Công ty Sao Thủy.

Bức xúc trước quyết định của tòa, Đại diện Công ty Tranimexco nhận định: “Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND Quận 1 do Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiền ký là trái pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Tranimexco. Do đó, công ty có đơn khiếu nại yêu cầu huỷ bỏ quyết định này và bồi thường thiệt hại phát sinh do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng”.

Hơn nữa, về mặt pháp lý và trên thực tế, Tranimexco là chủ sử dụng hợp pháp đối với nhà đất tại 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa theo quyết định và các văn bản pháp lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Công ty Sao Thuỷ chỉ là đơn vị được cho thuê cơ sở kinh doanh tại địa chỉ nêu trên trong một thời hạn nhưng đã giao trả phần diện tích 380m2 (phần hợp tác kinh doanh với Công ty Cao Nguyên) kể từ ngày 25/2/2019.

Bà Huỳnh Kim Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Sao Thủy cho rằng, tại thời điểm TAND Quận 1 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên, Tranimexco đã thu hồi lại phần mặt bằng này và cũng từ ngày 25/2/2019, Công ty Sao Thuỷ đã không còn quyền sử dụng đối với phần mặt bằng này. Quyết định của TAND Quận 1 hoàn toàn không có căn cứ, sai lầm nghiêm trọng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo đó, “Công ty Sao Thủy đã gửi đơn khiếu nại tới Chánh án TAND Quận 1, các cơ quan ban ngành để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của  TAND Quận 1 dù chúng tôi đã 02 lần gửi đơn khiếu nại tới tòa...

Việc TAND Quận 1 chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đúng luật định mà lại tiếp tục ban hành quyết định thay đổi việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như trên là không đúng quy định của pháp luật, không có căn cứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, bà Thủy khẳng định.

Theo Luật sư Phạm Hữu Giáo, Đoàn luật sư TP HCM, ở trường hợp này, đúng ra, người đâm đơn khởi kiện là Công ty Sao Thủy và các tính toán thiệt hại để đòi bồi thường 15,5 tỷ đồng trong đơn khiếu nại của Công ty Cao Nguyên hoàn toàn không có căn cứ. Bên cạnh đó, Công ty Tranimexco cũng đã gửi đơn cho TAND Quận 1 yêu cầu huỷ bỏ Quyết định số 12/2019/QĐ-BPKCTT. Đồng thời, yêu cầu tòa án xem xét bồi thường cho Tranimexco toàn bộ thiệt hại phát sinh thực tế do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên, tạm tính đến thời điểm hiện tại là 9,2 tỷ đồng.

"Trong khi đó, Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiền lại chỉ yêu cầu Công ty Cao Nguyên đóng tiền bảo đảm là 490 triệu đồng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Trong trường hợp tài khoản bảo đảm của Công ty Cao Nguyên không đủ thanh toán tiền bồi thường thiệt hại, thì tòa án là người phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây thiệt hại cho Tranimexco", Luật sư Giáo nói.

Thanh Huyền