Vụ cầu cứu của 11 hộ dân tại TP Móng Cái, Quảng Ninh: Trách nhiệm của cơ quan chức năng?
Mới đây UBND thành phố Móng Cái đã trả lời báo DĐDN về việc không đền bù cho 11 hộ dân nằm trong diện GPMB xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm quỹ đất thành phố Móng Cái cho rằng, người dân sử dụng đất trái phép vì vậy không được đền bù. Tuy nhiên, có thực sự người dân sử dụng đất trái phép hay không?
Lấn chiếm trái phép lại được khen thưởng?
Theo tài liệu mà PV có được thì diện tích đất của các hộ, đặc biệt là hộ bà Vũ Thị Tình được sử dụng có nguồn gốc khai hoang từ năm 1991, đến năm 2008 thì cải tạo và sử dụng nuôi tôm. Có giấy chấp thuận của UBND xã Quảng Nghĩa giao cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình sản xuất hộ bà Tình đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen về nuôi trồng thủy sản, gương sản xuất giỏi từ cấp xã đến cấp tỉnh. Nghĩa là việc khai hoang, làm đầm, nuôi tôm tạo nguồn sản phẩm cho xã hội của họ hoàn toàn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, cho phép của địa phương.
Vậy mà giờ đây khi tiến hành giải phóng mặt bằng để làm đường thì họ bỗng nhiên bị chính quyền thành phố Móng Cái phán một câu “ xanh rờn” là trái phép. Không lẽ bao năm nay chính quyền địa phương ủng hộ, khuyến khích việc làm sai phạm của các hộ dân? Không lẽ khi tiến hành việc đền bù, giải phóng, người ta không chỉ “quên” giấy cho phép, người ta còn “quên” luôn nguồn gốc và thời điểm các hộ sử dụng đất đai?
Về vấn đề này, ông Hải cho rằng cần rà soát, xem xét lại, nếu đúng thì cần xây dựng lại phương án hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho người dân. Việc xác định nguồn gốc để hỗ trợ đền bù ban đầu là dựa trên hồ sơ cung cấp từ UBND xã Quảng Nghĩa, ông Hải nói.
Về chính sách đền bù, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định 1036/QĐ-UBND ngày 02/4/2018 về phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường GPMB dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (đoạn qua thành phố Móng Cái) không quy định đất đầm ven biển đối với xã Quảng Nghĩa mà chỉ có loại đất ao, đầm nội địa có giá là: 23.000đồng/m2. Tuy nhiên khi thực hiện UBND TP Móng Cái không áp giá ao nội địa cho các hộ như trên mà chỉ áp giá ao đầm ven biển là 10.000đồng/m2 và người dân chỉ được nhận hỗ trợ 30% của giá 10.000đ.
Khi PV hỏi, UBND thành phố Móng Cái dựa vào yếu tố nào để đánh giá đầm ven biển và đầm nội địa? Ông Hải cho rằng, xác định từ con tôm. Tuy nhiên lại không có bất cứ nghiên cứu, xét nghiệm khoa học nào cụ thể về tôm nuôi của các hộ dân là loại tôm nuôi nào.
Chính quyền vô cảm đẩy dân vào đường cùng
Luật sư Mai Thị Dung cho biết, Điều 139 Luật Đất đai 2013 nói rõ, quy định mặt nước nội địa chỉ liệt kê gồm có: Ao, hồ, đầm nên về mặt lôgic, cứ: Ao, hồ, đầm là thuộc mặt nước nội địa. “Ngoài ra, việc xác định phải dựa vào quy định của pháp luật và những giám định khoa học cụ thể có sự tham gia của các bên liên quan. Thành phố Móng Cái dựa vào con tôm mà không có bất cứ một cơ sở nào là sai luật”, bà Dung nói.
Liên quan đến việc này, các hộ dân tỏ ra rất bức xúc. Bởi không hề có việc cơ quan chức năng lấy mẫu tôm xét nghiệm, mà nếu có thì cần phải có biên bản cụ thể. Việc xét nghiệm cũng cần phải có sự tham gia của các hộ dân để đảm bảo tính khách quan, nhưng họ không hề nhận được bất kỳ thông tin nào từ cơ quan chức năng về việc này.
Có thể bạn quan tâm
Móng Cái – Quảng Ninh: Hà chết hàng loạt gần thời điểm thu hoạch, người nuôi trắng tay
11:48, 02/05/2019
Khởi công cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hơn 11 nghìn tỷ đồng
11:00, 03/04/2019
Móng Cái, Quảng Ninh: Chính quyền đẩy người dân vào cảnh trắng tay?
14:33, 01/04/2019
Theo tìm hiểu của PV, việc xác định đầm ven biển cũng có thể lấy mẫu nước để làm xét nghiệm, tỷ lệ dưới 5/1000 thì đó là đầm nội địa. Nhưng, vào thời điểm thông báo về GPMB yêu cầu các hộ dân ngừng sản xuất, các cơ quan chức năng đã không tiến hành đánh giá cụ thể, lấy mẫu nước xét nghiệm để xác định có phải đầm ven biển hay không.
Đến khi những yêu cầu chính đáng của người dân đưa ra, trong đó có kết quả đo nồng độ nước là dưới 5/1000, cơ quan chức năng mới lúng túng dựa vào con tôm. Đây là việc làm yếu kém, tắc trách hay cố tình của những người thực thi sự công bằng và quyền lợi cho dân?
Vì sao phải nhất quyết đẩy người dân vào đường cùng như thế, trong khi họ là những tấm gương xuất sắc trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của đảng? Dựa vào con tôm để vội vã kết luận là đầm ven biển để áp mức hỗ trợ vô cùng rẻ mạt khiến cho người dân mất cả chục tỷ đồng, rơi vào cảnh trắng tay liệu có phải là cách làm vô cảm và coi thường pháp luật? Và cái sự chênh lệch giữa mức bồi thường (nếu tính đúng, tính đủ cho người dân) với khoản hỗ trợ nhỏ nhoi mà họ đang bị ép phải nhận sẽ thuộc về ai? Câu trả lời đang rất cần cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng vào cuộc.
Trước đó như DĐDN đã đưa, Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi qua xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái khiến 11 hộ dân phải GPMB. Tuy nhiên, các hộ dân này đều không được đền bù, mà chỉ được hỗ trợ với một phần rất nhỏ. Mặc dù các hộ này có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, suốt bao năm không có tranh chấp hay vi phạm.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin