Cục Thi hành án dân sự Hải Phòng: Có hay không việc “bức tử” doanh nghiệp?
Báo DĐDN vừa nhận được đơn kiến nghị của Công ty TNHH Lam Sơn về việc Cục Thi hành án dân sự (THADS) Hải Phòng ra quyết định kê biên xử lý tài sản của doanh nghiệp không đúng quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Dung – Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Công ty TNHH Lam Sơn, kể từ khi rút hồ sơ từ quận Hồng Bàng lên Cục THADS bà Phan Thị Nhuyến (chấp hành viên – thụ lý hồ sơ) không một lần có giấy mời các công ty lên làm việc hoặc bàn bạc thỏa thuận để giải quyết. Duy nhất chỉ có 1 lần gọi điện thoại cá nhân tôi lên ngồi uống nước nói chuyện bình thường. Bỗng nhiên, ngày 6/5/2019, Công ty Lam Sơn nhận được quyết định số 19/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế kê biên xử lý tài sản là toàn bộ dự án xây dựng nhà máy đồ mộc của công ty chúng tôi.
"Chấp hành viên đã không tìm hiểu rõ về hoạt động và tài sản đảm bảo thanh toán công nợ của Lam Sơn thế nào đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi tài sản trong thời gian rất ngắn và bất ngờ. Việc làm này đã làm cho cán bộ, công nhân viên Công ty Lam Sơn vô cùng bức xúc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty chúng tôi. Đây là hành vi làm việc vô trách nhiệm, lợi dụng chức vụ cưỡng ép, “bức tử” doanh nghiệp" – bà Dung bức xúc.
Được biết, năm 2013 Công ty Lam Sơn và Công ty CP xuất nhập khẩu Thanh Hóa ký hợp đồng mua bán số 09-2/HDKT/IEC-LS. Theo hợp đồng Công ty Thanh Hóa sẽ bán 1.668.985 kg phân bón kali CIS bột cho Công ty Lam Sơn với đơn giá 10.050 đồng/kg, tổng giá trị hợp đồng là trên 16 tỷ (đã bao gồm VAT).
Vì Công ty Lam Sơn không thực hiện đúng nội dung hợp đồng, Công ty Thanh Hóa đưa sự việc ra tòa. Do đó, ngày 20/7/2015, TAND TP Thanh Hóa đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa 2 công ty trên. Quyết định của TAND TP Thanh Hóa là buộc Công ty Lam Sơn phải thanh toán cho Công ty Thanh Hóa số tiền hàng và tiền lãi chậm trả theo hợp đồng, tính đến ngày 31/12/2014 là hơn 20 tỷ đồng (20.825.357.301 đồng).
Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của Công ty Thanh Hóa, Cục THADS Hải Phòng đã tiến hành các quy trình và ban hành Quyết định số 19. Ngay khi nhận được quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản là toàn bộ dự án xây dựng nhà máy đồ mộc Cục THADS Hải Phòng, Công ty Lam Sơn đã có đơn khiếu nại gửi đến lãnh đạo TP Hải Phòng, Trưởng ban chỉ đạo THADS TP Hải Phòng để trình bày những điểm còn "mập mờ" và họ cho rằng đơn vị thi hành án đã ra quyết định trái pháp luật. Theo đó, Công ty Lam Sơn đã yêu cầu hủy bỏ quyết định số 19 vì không đủ điều kiện.
Bà Dung cho biết, dự án xây dựng nhà máy đồ mộc của công ty bị kê biên, xử lý tài sản theo quyết định 19 có diện tích 27.297m2 tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, được nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm. Khi được Cục THADS Hải Phòng ra quyết định kê biên, dự án còn chưa hoàn thiện, chưa giải phóng mặt bằng xong (trên diện tích đất được giao cho Lam Sơn vẫn còn 2 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng).
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Nhà ga T2 sân bay Cát Bi khởi công tháng 8/2019
16:01, 07/07/2019
Vì sao Cảng Hải Phòng đặt chỉ tiêu lợi nhuận "không tăng trưởng"?
15:00, 07/07/2019
Ngô Quyền-Hải Phòng: Công ty thua lỗ, giám đốc “đổ bệnh”
11:40, 06/07/2019
"Vào lúc 11h16 phút ngày 7/6/2019 tôi nhận được cuộc điện thoại từ Cục THADS Hải Phòng muốn gặp về nội dung đơn khiếu nại của Công ty Lam Sơn. Vào lúc 15h15 phút tôi đã đến phòng tiếp dân của Cục THADS Hải Phòng để làm việc. Nhưng trong suốt hơn 1 tiếng đồng hồ làm việc ông Phạm Tiến Binh – Phó Cục THADS Hải Phòng chỉ ép tôi phải loại việc khiếu nại việc làm của chấp hành viên Phan Thị Nhuyến và khẳng định bà Nhuyến không sai nên không đưa vào nội dung làm việc mà chỉ làm tiếp nội dung khiếu nại yêu cầu hủy bỏ quyết định số 19.
Sau đó, tôi được đưa để ký vào biên bản làm việc với nội dung sẽ giải quyết 1 nội dung kiếu nại yêu cầu hủy bỏ quyết định số 19. Nhưng biên bản đó để trống, 5 thành phần tham dự không có ai ký mà chỉ đưa cho 1 mình tôi ký. Tôi có yêu cầu giao cho tôi 1 bản nhưng ông Binh không đưa và nói để đến thứ 2 (10/6/2019) tôi đến Cục THADS Hải Phòng nhận hoặc gửi theo đường bưu điện. Việc lập biên bản không có các đại diện làm việc ký và trao biên bản tại chỗ là không khách quan, minh bạch" – bà Dung bức xúc.
Trao đổi với PV Báo DĐDN ông Phạm Tiến Binh – Phó Cục Trưởng Cục THADS Hải Phòng khẳng định, việc Cục THADS Hải Phòng ban hành quyết định 19 là đúng theo quy định của pháp luật, đúng chỉ thị của cấp trên.
Khi được hỏi, căn cứ nào để Cục THADS Hải Phòng đưa 1 dự án chưa giải phóng mặt bằng xong vào kê biên xử lý tài sản, ông Binh chỉ cho biết theo chỉ đạo của cấp trên nhưng nhất định không cung cấp những văn bản được cho là chỉ thị của cấp trên.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!