Đông Anh (Hà Nội): 13 doanh nghiệp “lao đao” vì Quyết định của lãnh đạo UBND huyện?
13 doanh nghiệp đang hoạt động tại Dự án nhà máy ô tô 1-5 (Đông Anh, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ phá sản và hàng nghìn công nhân mất việc bởi Quyết định cưỡng chế,... của lãnh đạo UBND huyện.
Gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến báo Diễn đàn Doanh nghiệp, 13 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại Dự án nhà máy ô tô 1-5, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho biết: Theo lời mời gọi đầu tư Công ty cổ phần ô tô 1-5 (Công ty 1-5 - PV), các doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào nhà xưởng, máy móc và các công trình hạ tầng nhằm mục tiêu xây dựng một khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, khi các công trình được hoàn thiện và đi vào hoạt động thì UBND huyện Đông Anh đột ngột ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2015, 2016 và Quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ đối với các công trình đã hoàn thành việc xây dựng trước năm 2016.
Cũng theo các doanh nghiệp: Việc UBND huyện Đông Anh ra Quyết định phá dỡ các công trình xây dựng như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật và đặc biệt là trong một thời gian rất gấp gáp đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động.
Cụ thể: Nếu Quyết định của UBND huyện Đông Anh được thi hành không chỉ tài sản của các doanh nghiệp đã đầu tư đứng trước nguy cơ mất trắng mà hàng nghìn người lao động đang hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp cũng mất việc. Nghiêm trọng hơn, Quyết định của UBND huyện Đông Anh ban hành khi chưa làm việc với các chủ thể có tài sản, quyền lợi và lợi ích liên quan mà chỉ yêu cầu Công ty 1-5 thực hiện tháo dỡ là không đúng trình tự và thiếu tôn trọng quyền sở hữu tài sản của các doanh nghiệp(?).
Trong khi đó, các chủ thể doanh nghiệp vào hoạt động trên địa bàn theo lời mời gọi đầu tư của Công ty 1-5. Thời gian đi vào hoạt động ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc và giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động,… các doanh nghiệp còn đóng góp hàng chục tỷ đồng tiền thuế mỗi năm cho Nhà nước và các quỹ phúc lợi để phát triển địa phương.
Thực tế, địa phương cũng đã ghi nhận những đóng góp kể trên. Vậy, nguyên nhân vì đâu? Thay vì hoàn thiện và tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển theo đúng Chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, UBND huyện Đông Anh lại ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2015, 2016 và Quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ đối với các công trình đã hoàn thành việc xây dựng trước năm 2016?
Cũng theo khẳng định của các doanh nghiệp tại đơn kiến nghị khẩn cấp: Những lý do sai phạm được UBND huyện Đông Anh nêu trong các Quyết định mà đối chiếu với thực trạng công trình các doanh nghiệp đã xây dựng tại khu đất Dự án nhà máy ô tô 1-5 thì các doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị xử phạt hành chính buộc phá dỡ công trình bởi: Các công trình không vi phạm chỉ giới xây dựng; không ảnh hưởng các công trình lân cận và không có tranh chấp; được xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;…
Đặc biệt, việc đầu tư vào xây dựng các công trình trên đất đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng trước ngày 15/1/2018 (ngày Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực) và phù hợp với quy hoạch đất công nghiệp (nhà máy, kho hàng, sản xuất lắp ráp ô tô, vật liệu mới…); đóng góp phần lớn trong việc phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước.
Chưa kể đến, ngày 30/3/2016, UBND huyện Đông Anh từng ban hành Quyết định số: 699/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình xây dựng của các doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Yêu cầu Công ty cổ phần ô tô 1-5 hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án 5000 xe/năm. Khi được UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định.”
Trước Quyết định kể trên của UBND huyện Đông Anh, bản thân các doanh nghiệp đang hoạt động tại Dự án cũng đã vào cuộc phối hợp với Công ty 1-5 để thực hiện hoàn tất các thủ tục pháp lý sao cho các công trình được tiếp tục đưa vào khai thác, sử dụng. Ngày 19/5/2016, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số: 2495/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết nhà máy ô tô 1-5, tỷ lệ 1/500 để giao cho Công ty cổ phần ô tô 1-5 tổ chức, lập quy hoạch. Cho đến nay, UBND TP. Hà Nội vẫn chưa có văn bản nào thu hồi nhiệm vụ đã giao cho Công ty 1-5.
Vậy, tại sao trong khi các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý theo đúng Quyết định số: 699/QĐ-XPVPHC ngày 30/3/2016 của UBND huyện Đông Anh, đơn vị này lại thay đổi Quyết định? Khuất tất nào phía sau sự việc trên? Quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp ai sẽ là người đứng ra đảm bảo?
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!