Vì sao không thể xử lý dứt điểm gia trại gây ô nhiễm môi trường (Hải Phòng): Vì quy hoạch “treo”
Nếu khu đất được thực hiện đúng quy hoạch thì chắc sẽ không có việc chăn nuôi ngay trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và người dân cũng không phải đằng đẵng kiến nghị khắp nơi.
Ông Đỗ Huy Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Đằng Lâm (Hải An, TP Hải Phòng) đã cho biết như vậy khi được hỏi về tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng ở ngõ 60 Thư Trung.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, mặc dù người dân đã gửi đơn kiến nghị khắp nơi về tình trạng cơ sở nuôi lợn của ông Nguyễn Mạnh Hùng gây ô nhiễm môi trường, nhưng suốt 2 năm qua cơ quan chức năng vẫn không xử lý dứt điểm.
Trao đổi với báo chí về vấn đề nay, ông Phó chủ tịch UBND phường Đằng Lâm cho biết, ô nhiễm môi trường từ gia trại lợn của ông Hùng là rất rõ. Nhưng những giải pháp như lập biên bản xử lý theo kiến nghị của người dân chỉ là giải pháp tình thế. Câu chuyện ở đây không chỉ là mười mấy con lợn hay một gia trại lợn… mà kế sinh nhai của người dân. Gia đình ông Hùng chỉ biết làm nông nghiệp, chăn lợn để nuôi sống 4 miệng ăn, như vậy nếu kêu họ dừng nuôi lợn khác gì hất đi bát cơm của họ.
"Chăn nuôi khu dân cư đô thị, cái gốc ở Quy hoạch và Thực hiện quy hoạch. Hiện tại gia đình ông Hùng đang sử dụng gần 2000m2 đất nông nghiệp đã được giao từ lâu để chăn nuôi lợn. Diện tích này đã được quy hoạch làm đất cây xanh vào năm 2005 (quy hoạch gần 3ha để trồng cây xanh) nhưng đến nay quy hoạch vẫn không được thực hiện. Nếu Thành phố có kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, khu đất được thực hiện đúng quy hoạch thì chắc sẽ không có sự việc trên" - vị này quả quyết.
Như vậy, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề như người dân phản ánh, ngoài trách nhiệm của chủ chăn nuôi, còn có trách nhiệm của UBND phường Đằng Lâm, Phòng Nông nghiệp, Phòng TNMT quận Hải An và cao hơn nữa là trách nhiệm của UBND TP Hải Phòng trong việc thực hiện quy hoạch.
Theo Luật Chăn nuôi 2018, từ ngày 1/1/2020, việc nuôi lợn trong khu dân cư như trường hợp nhà ông Hùng sẽ bị cấm. Tại sao gia trại nhà ông Hùng vẫn tồn tại?
Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng cho biết, hiện nay có rất nhiều hộ gia đình nuôi lợn ngay trong khu dân cư khiến môi trường ô nhiễm và ảnh hưởng không nhỏ đến hàng xóm xung quanh. Trong trường hợp trên, ông Hùng sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc chăn nuôi của mình.
"Theo Điều 56 Luật Chăn nuôi, việc chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình phải đảm bảo quy định: Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch, thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y và bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Vì sao không thể xử lý dứt điểm gia trại gây ô nhiễm môi trường?
04:30, 30/03/2020
Quảng Ninh: Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm thuộc về ai?
04:50, 21/02/2020
Bắc Giang: Bãi rác Yên Dũng gây ô nhiễm môi trường
05:10, 20/01/2020
Bắc Giang: Nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
04:50, 13/01/2020
Ngoài ra, việc nuôi lợn khiến không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân xung quanh thì chủ nuôi sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra với những người xung quanh.
Cụ thể, Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, tổ chức cá nhân khi gây ô nhiễm, gây thiệt hại cho người khác phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định. Mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất… và tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu (Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015).
Hành vi nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư còn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng (Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)" – ông Thuận cho biết.