Xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp lần thứ tư gửi đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ
Đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp, cầu cứu Thủ tướng và các Bộ ngành của doanh nghiệp Trung An đề cập đến việc "Hải quan trả đũa" đơn vị xuất khẩu gạo...
Quá bức xúc trước chuyện vấn đề "trái ngang" xoay quanh điều hành xuất khẩu gạo, lúc 10 giờ 33 phút ngày 17/4/202, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đã gửi Đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính Phủ, Văn phòng chính Phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội lương thực Việt Nam.
Đây là lần thứ 4 doanh nghiệp này gửi đơn cầu cứu Chính phủ xung quanh chuyện xuất khẩu gạo.
Thót tim với xuất khẩu gạo
Trong đơn kêu cứu Thủ tướng lần này, ông Phạm Thái Bình cho rằng, hải quan chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng nhưng lại có tính chất trả đũa doanh nghiệp khi đưa gạo vào luồng đỏ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Vì khi container qua luồng đỏ, gạo bị khui ra, đảo lên và tăng chi phí 1 container lên 1,9 triệu đồng. Thời gian đảo ra, khui lên, rồi duyệt cho qua có thể ví là quyết định cả khoảnh khắc sống còn của doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề nóng trong chuyện điều hành quản lý xuất khẩu gạo của Hải quan gần đây.
Chưa bao giờ chuyện điều hành xuất khẩu gạo của nước ta được báo chí bàn tán nhiều như hiện nay. Đang xuất khẩu gạo "ngon trớn", giá gạo đang tăng cao thì có lệnh dừng xuất khẩu. Dừng xuất khẩu gạo chỉ mấy ngày lại xem xét và cho xuất khẩu lại 400 ngàn tấn trong tháng 4/2020. Thế nhưng, chưa mừng doanh nghiệp đã vội thất vọng khi từ 0 giờ đến 3 giờ sáng là doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo xong. Chuyện lớn của một ngành kinh tế như gạo, lại điều hành không minh bạch đó là nỗi bức xúc của doanh nghiệp xuất khẩu gạo và của xã hội.
Ông Phạm Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp Công nghệ cao Trung Thạnh nhấn mạnh: Chưa bao giờ doanh nghiệp xuất khẩu gạo khổ sở như năm nay. Những quy định về xuất khẩu gạo, tạm dừng xuất khẩu gạo thay đổi chóng mặt. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp bất ngờ này đến bất ngờ khác từ cuối tháng 3/2020 đến nay. Mỗi lần nghe lệnh dừng xuất khẩu gạo, cho xuất khẩu gạo rồi lại hết hạn ngạch đăng ký xuất khẩu trong giờ... doanh nghiệp xuất khẩu gạo nghe như thót tim.
Mong điều... muôn thuở: Sự phối hợp của các bộ ngành
Cũng theo ông Phạm Văn Quang, giá gạo thế giới hiện nay đang có chiều hướng giảm, lý do các nước đã giảm mua gạo. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thể sẽ lỡ mất cơ hội bán gạo cho thế giới được giá cao. Việc quyết định chính sách xuất khẩu gạo thì "được quyết định xong trong 1 nốt nhạc", trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải chịu thiệt hại về giá, về lãi suất ngân hàng, về hợp đồng mua bán gạo với đối tác... Mà tất cả những điều đó đều liên quan đến quá trình sinh tồn, vốn đang khốn khó gấp đôi vì dịch giã lẫn thiên tai tại "vựa lúa gạo" quốc gia.
Theo đó, doanh nghiệp mong Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... các đơn vị này quyết định, có quyền trong việc xuất khẩu gạo, có phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn, tham mưu cho Chính phủ để ra quyết sách tốt, để doanh nghiệp xuất khẩu gạo không phải khổ sở, nông dân không bị lỡ mùa được giá thiệt hại lớn.
"Hiện nay có tình trạng đỗ lỗi cho nhau về trách nhiệm trong việc xuất khẩu gạo, hy vọng Bộ Công An vào cuộc, xem xét để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, có biện pháp xử lý việc thiếu minh bạch. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ hy vọng Chính phủ có chính sách tốt để giảm bớt thiệt hại do các điều hành xuất khẩu gạo thay đổi liên tục", một đơn vị nói.
Có thể bạn quan tâm
Cơ chế xuất khẩu gạo đang thụt lùi! (Kỳ 1): An ninh lương thực có bị “đe dọa”?
11:20, 18/04/2020
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất của VCCI về xuất khẩu gạo
18:45, 17/04/2020
Hải quan mở tờ khai “thần tốc”, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưng hửng
04:08, 15/04/2020
Hải quan mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm: VFA đề nghị hội viên góp ý kiến
15:24, 14/04/2020
Cơ quan Hải quan khẳng định không có sự can thiệp vào hạn ngạch xuất khẩu gạo
21:00, 13/04/2020
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ thì cho rằng: “Trong lúc cả thế giới đang lâm vào đại dịch, việc nhiều nước lo mua lương thực dự trữ là chuyện bình thường. Tại Việt Nam, Chính phủ lo an ninh lương thực là chính sách an dân. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn của thế giới, chúng ta phải vận dụng cơ hội để vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đem lại lợi nhuận cho nông dân, đảm bảo doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có lợi nhuận khi có cơ hội. Những quyết sách của chúng ta về xuất khẩu gạo lúc này rất quan trọng.
Theo kế hoạch xuất khẩu gạo, năm nay Việt Nam dự kiến xuất khẩu từ 6,5 đến 7 triệu tấn, như vậy, nếu đảm bảo an ninh lương thực và thủ chắc, chúng ta có thể xuất khẩu 3-4 triệu tấn gạo thôi. Với số lượng này, năm nay chúng ta không thể nào thiếu đói. Và vụ lúa Hè – Thu, có thể còn khoảng 40-50 ngày nữa ở ĐBSCL nông dân sẽ thu hoạch. Vấn đề hiện nay là chúng ta điều hành xuất khẩu gạo như thế nào để người nông dân được hưởng lợi, doanh nghiệp xuất khẩu gạo không gặp nhiều khó khăn, phá sản khi chính sách của chúng ta thay đổi nhanh quá. Vấn đề quan trọng là ở chỗ đó".
Trao đổi với ông Trần Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Cần Thơ xung quanh việc xuất khẩu gạo ở đây, ông Lương cho biết: “ Hiện nay thủ tục xuất khẩu gạo của Hải quan Cần Thơ cho các doanh nghiệp vẫn tiến hành bình thường, chủ yếu là tùy thuộc vào hạn ngạch và việc đăng ký xuất khẩu thôi".
Như vậy, vấn đề vẫn nằm ở chỗ chờ các bên có quyền quyết điều hành hạn ngạnh và thời điểm xuất khẩu!