Lò đốt rác 6 tỷ đồng chỉ đốt thử nghiệm rồi “đắp chiếu”
Hàng năm, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phải chi hàng tỷ đồng để xử lý rác thải, trong khi lò đốt rác gần 6 tỷ đồng lại “đắp chiếu” chỉ sau vài lần đốt thử nghiệm.
Tháng 7/2016, UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đầu tư xây dựng lò đốt rác Đức Thọ với diện tích hơn 55.000m2 tại thôn Đông Xá, xã Đức Hòa (huyện Đức Thọ). Khu vực này trước đây là bãi rác Phượng Thành, nơi tập trung toàn bộ rác thải của huyện Đức Thọ sau khi thu gom.
Chỉ đốt thử nghiệm rồi “đắp chiếu”
Công trình có nguồn vốn khoảng 6 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư xây lắp 2,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, nhà máy được giao cho Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Sông La điều hành với mục tiêu xử lý 24 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Sau khi xử lý xong có khả năng tái chế rác sinh hoạt làm phân compost.
Đến tháng 3/2018, lò đốt rác được đưa vào vận hành thử nghiệm. Tuy nhiên, sau vài lần hoạt động thử nghiệm thì lò đốt ngừng hoạt động đến nay. Cũng từ đó, khu xử lý rác tiếp tục trở thành nơi tập kết rác thải. Các công trình nhà quản lý trông coi, nhà phơi rác và 2 lò đốt rác hình trụ… bắt đầu xuống cấp.
Nhà cách bãi rác chừng 300m, ông Đặng Minh Sành cho hay, từ ngày sử dụng bãi rác hệ thống lò đốt chỉ được vận hành vài lần sau đó bỏ hoang đến nay. Rác thải không phân loại vẫn được đổ chất thành từng đống. Mỗi khi trời nắng nóng, ruồi muỗi, mùi hôi thối lại bay xộc vào nhà.
“Khi nhà máy được xây dựng bà con ai cũng phấn khởi vì không còn cảnh sống chung với ruồi như trước đây. Tuy nhiên, mới dùng được vài lần thì phải đóng cửa. Rác thải ngày càng nhiều, chất thành núi, thỉnh thoảng xe vào vận chuyển đi xử lý nhưng không đáng kể”, ông Sành nói.
Chi hơn 3 tỷ đồng/năm thuê xử lý rác
Dù “ngốn” đến gần 6 tỷ đồng nhưng sau khi được đầu tư, lò đốt rác lại không thể sử dụng với lý do không đáp ứng đủ công suất. Điều đáng nói, sau khi “đắp chiếu”, khu vực nhà máy này lại tiếp tục trở thành nơi tập kết rác.
Theo tính toán, trung bình mỗi ngày, huyện Đức Thọ phát sinh khoảng 40 tấn rác thải sinh hoạt, sau khi thực hiện phân loại thì chỉ còn khoảng 14 – 16 tấn/ngày. Nhiều năm qua, huyện Đức Thọ vẫn phải chi khoảng 3 tỷ đồng/năm để xử lý lượng rác thải này. Chi phí được trích từ ngân sách huyện hơn 1,2 tỷ đồng và tỉnh hỗ trợ 1,8 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), thừa nhận việc lò đốt rác gần 6 tỷ đồng chỉ hoạt động vài lần rồi bỏ không. Theo bà Bình, nguyên nhân khiến nhà máy xử lý rác thải phải đóng cửa là do không đáp ứng đủ công suất. Ngoài ra xét theo quy chuẩn 01/2008 của Bộ Xây dựng, vị trí lò đốt này không đảm bảo khoảng cách đối với khu dân cư (tối thiểu phải cách 500m) nên nhiều hộ dân đã lên tiếng phản đối.
“Huyện đã có kiến nghị với UBND tỉnh bố trí lò đốt rác này đến những khu vực có lượng rác thải phù hợp với công suất của lò đốt để tránh lãng phí”, bà Bình cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Bất cập cơ chế gọi đầu tư xử lý rác thải tại Đà Nẵng
05:00, 29/06/2020
“Lợi ích nhóm” trong lựa chọn công nghệ xử lý rác thải?
11:00, 04/06/2020
Thái Bình: Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất đầu tư xử lý rác thải phát điện
07:30, 07/08/2019
Đà Nẵng: Ai là “chủ nhân” dự án Nhà máy xử lý rác thải tại Khánh Sơn?
06:09, 06/08/2019