"Tiền hậu bất nhất" giá bán nước thô tại Nghệ An (Kỳ 2): Chủ trương một đường, doanh nghiệp bị làm khó nhiều nẻo

NGỌC THÁI 28/11/2020 11:01

Trước khi quyết định về quê hương đầu tư, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Nghệ An tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho phép bằng các bản ghi nhớ hợp tác.

Vậy nhưng, suốt nhiều năm khi dự án đầu tư hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh, Nghệ An do Công ty CP cấp nước sông Lam nay là Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam (Công ty cấp nước sông Lam) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Tuấn Lộc làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng: Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh vẫn phải “trầy trật” với cách làm “vô tiền khoáng hậu” của địa phương này.

p/Mặc dù nhà đầu tư triển khai 02 giai đoạn dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận nhưng Sở Tài chính lại chỉ công nhận phương án tính giá nước của giai đoạn I?

Mặc dù nhà đầu tư triển khai 02 giai đoạn dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận nhưng Sở Tài chính lại chỉ công nhận phương án tính giá nước của giai đoạn I?

“Tỉnh mở, Sở thắt”

Liên tiếp trong 02 năm, tại các Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Ất Mùi 2015 và Xuân Bính Thân 2016, Công ty cấp nước sông Lam đã được UBND tỉnh Nghệ An ký bản thỏa thuận nguyên tắc về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch, các KCN tại TP Vinh và vùng phụ cận với tổng công suất 200.000m3/ngày đêm.

Ngay sau khi ký kết, hoàn thiện các thủ tục liên quan, nhà đầu tư là Công ty cấp nước sông Lam đã nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn I, giai đoạn II của dự án với tổng nguồn vốn 774.518.245.679 đồng. Hệ thống nhà máy, đường ống cũng đã được đấu nối, đi vào vận hành cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn gần 5 năm nay.

Trước đó, Công ty cấp nước sông Lam cũng được UBND tỉnh Nghệ An tạo mọi điều kiện về thủ tục chủ trương đầu tư, cam kết thỏa thuận thực hiện các điều kiện đi kèm để dự án đi vào hoạt động có hiệu quả, sớm giúp nhà đầu tư kinh doanh đạt doanh số theo lộ trình.

Rõ ràng, trong các văn bản chấp thuận, ký kết với nhà đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An đã kêu gọi, thu hút doanh nghiệp triển khai xây dựng theo thỏa thuận dịch vụ cấp nước thô trước đó.

Vậy nhưng, trong quá trình vận hành, đi vào hoạt động, đến ngày 16/11/2020, Sở Tài chính Nghệ An lại có văn bản gửi Công ty cấp nước sông Lam chỉ được tính giá cấp nước thô theo phương án tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng. Nghĩa là, để áp dụng giá bán nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn thì Sở Tài chính chỉ “thắt” lại mức tính dựa trên giai đoạn I của dự án đã triển khai trước đó.

Tỉnh chưa quyết, Sở đã “áp” giá?

Tại văn bản do ông Trần Việt Dũng – Phó giám đốc Sở Tài chính ký gửi UBND tỉnh Nghệ An đề ngày 09/10/2020 có nêu theo kết quả kiểm toán độc lập của dự án do Công ty cấp nước sông Lam triển khai thi công cả 02 giai đoạn là 774.518.245.679 đồng.

“Tuy nhiên tổng mức đầu tư của Dự án cấp nước thô theo giấy chứng nhận đầu tư số 27111000012 ngày 21/01/2015 do UBND tỉnh cấp cho Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam (trước đây là công ty cổ phần cấp nước sông Lam) thì tổng mức đầu tư của dự án là 496 tỷ đồng và giá trị đầu tư này là mức đầu tư đã được đưa vào Thỏa thuận dịch vụ cấp nước thô ngày 28/01/2015 giữa UBND tỉnh và Công ty” – Văn bản của Sở Tài chính Nghệ An nêu.

Cũng trong văn bản của Sở Tài chính ngày 09/10/2020, đơn vị này cũng trình UBND tỉnh Nghệ An 02 nội dung gồm:

“- Giao Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam xây dựng phương án giá nướ thô trình Sở Tài chính, Sở Xây dựng thẩm định báo cáo UBND tỉnh.

  • Trên cơ sở phương án giá nước thô do Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam xây dựng, giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định báo cáo UBND tỉnh xem xét và quyết định, trong đó giá trị đầu tư dự án Hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, công suất 200.000m3/ngày đêm được tính là 496 tỷ đồng”.

Cũng trong diễn biến liên quan tại văn bản trả lời ngày 16/11/2020 về phương án tính giá bán nước thô do Cty cấp nước sông Lam trình về việc phải dựa trên tổng mức đầu tư nguồn vốn của 02 giai đoạn nhưng Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đã không chấp nhận và trả lời chỉ được tính giai đoạn I của dự án.

Điều đáng quan tâm là tại văn bản nói trên, Sở Tài chính cũng chẳng đưa ra được căn cứ vào kết quả xem xét, quyết định của UBND tỉnh Nghệ An và các Sở ngành liên quan mà “áp” luôn quan điểm trước đó của mình.

Phải chăng, cách làm việc và trả lời nhà đầu tư của Sở Tài chính Nghệ An đang thực hiện theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”?

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • “Tiền hậu bất nhất” giá bán nước thô tại Nghệ An

    “Tiền hậu bất nhất” giá bán nước thô tại Nghệ An

    13:30, 25/11/2020

NGỌC THÁI