Doanh nghiệp thiệt triệu USD vì công văn... hỏa tốc
Chưa đầy 10 ngày, các doanh nghiệp xuất khẩu đá xây dựng thiệt hại hơn 1 triệu USD vì tàu nằm tại cảng sau công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải quan.
Cụ thể, văn bản 8019 của Tổng cục Hải quan khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi điêu đứng khi không thể xuất nhập khẩu.
Bị ách do áp sai mã thuế?
Ngày 22/12/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn hỏa tốc số 8019 về việc phân loại mặt hàng đá.
Theo đó, Tổng cục Hải quan quan yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố rà soát các tờ khai xuất khẩu và hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng,… đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 nhưng chưa phân loại (thuộc nhóm 25:21 nêu tại điểm 1 công văn) để thực hiện phân loại và áp dụng mức thuế đúng quy định, thu đủ thuế và xử phạt theo quy định.
Sau khi có công văn hỏa tốc nêu trên, các cục Hải quan đồng loạt dừng tiếp nhận tờ khai, dừng hoạt động thông quan hàng hóa liên quan đến việc xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi.
Tại Chi cục Hải quan Cẩm Phả (Cục Hải quan Quảng Ninh), 14 tàu biển của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước bị “phanh gấp” việc làm hàng. Thậm chí có tàu đã xuống hàng cũng không thể dời đi mà phải đợi để kiểm tra, phân loại và phải khai lại hàng theo mã HS mới.
Ông Lê Công Minh, đại diện ủy quyền của 1 công ty sản xuất vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng bởi công văn 8019, mỗi ngày mỗi tàu phải chịu các khoản chi phí lưu công, lưu bãi, neo đậu… hơn 12.000 USD/tàu/ngày. Tính ra, từ sau khi có công văn 8019 đến nay, các doanh nghiệp tại Cẩm Phả đã thiệt hại hơn 2 triệu USD các loại chi phí phát sinh. Đó là chưa kể tiền phạt hợp đồng với các đối tác hay hãng tàu nước ngoài do chậm trễ thời gian giao/nhận hàng.
Có sự vênh nhau phân loại đá vật liệu xây dựng
Tuy phía doanh nghiệp đã nhiều lần gửi công văn lên Hải quan các tỉnh cũng như Tổng cục Hải quan xin gia hạn thời gian đối với các lô hàng của các tờ khai đã thực hiện, nhưng nhiều ngày trôi qua mà không nhận được câu trả lời. Do đó, từ ngày 27/12/2020, các doanh nghiệp này đã phải lên tận Tổng cục Hải quan (Hà Nội) để trình bày kiến nghị trực tiếp.
Ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp, phía Tổng cục Hải quan hứa sẽ có trả lời và hướng dẫn trước 31/12/2020. Đến 30/12/2020, Tổng cục Hải quan cho biết đã phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) và giữ nguyên việc thanh tra, rà soát các lô hàng trên.
Trước đó, việc xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi diễn ra theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2019 của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường quản lý xuất khẩu khoáng sản, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến về xuất khẩu đá vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi. Và Tổng cục Hải quan đã có công văn số 6981//TCHQ-GSQL về giấy phép thu hồi đá vôi, đôlômít và công văn số 8019/TCHQ-TXNK ngày 22/12/2020 hướng dẫn phân loại mặt hàng đá.
Cụ thể, theo công văn số 8019 của Tổng cục Hải quan đã xác định lại: "Mặt hàng xuất khẩu đá vôi, đá chứa canxi (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng), đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 thì thuộc nhóm 25.21".
Rõ ràng, ở đây đang có sự vênh nhau về mặt thủ tục xuất nhập khẩu cũng như hướng dẫn phân loại đá vật liệu xây dựng ở đây. Cụ thể, trước nay tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho việc kiểm tra đá trong xuất nhập khẩu được Bộ Xây dựng ban hành và hướng dẫn thực hiện. Nhưng về nguồn gốc thì lại phải theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hệ quả, doanh nghiệp đang thiệt hàng hàng triệu USD, và chi phí thiệt hại tính bằng giờ trên sẽ còn tiếp tục gia tăng, nếu cơ quan hải quan không sớm có cách khắc phục.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm