Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần đột phá mới, hướng tới hậu kiểm
Chính phủ đã thực hiện 2 làn sóng cải cách vào năm 2016, năm 2018, nhưng nay cần thêm làn sóng thứ 3 - loại bỏ các quy định pháp luật chồng chéo.
Theo lãnh đạo VCCI, báo cáo các bộ, ngành gửi Chính phủ khẳng định có bộ, ngành đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh, nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ cắt giảm được khoảng 30-40% điều kiện kinh doanh.
Doanh nghiệp đang kỳ vọng vào làn sóng cải cách thứ 3 của Chính phủ ngay trong nhiệm kỳ này, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Vừa qua, sau khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đầu tư kinh doanh, VCCI đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành sửa đổi, xóa bỏ 25 điểm chồng chéo của pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Nhiều ý kiến VCCI đề xuất là có căn cứ, đã được các bộ, ngành, cơ quan Quốc hội đồng ý sửa đổi, nhưng vẫn còn một số kiến nghị của VCCI chưa được đồng ý, ông Lộc cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, thành viên Ban Pháp chế - VCCI, để thực hiện báo cáo điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp nhóm chuyên gia của Ban Pháp chế, VCCI đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, UBND các tỉnh, thành phố bằng công văn và qua website Vibonline.
Qua đó, Ban Pháp chế đã tiếp nhận 774 ý kiến phản ánh, kiến nghị từ các hiệp hội, doanh nghiệp gửi về. Từ kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhóm nghiên cứu đã tiến hành rà soát 411 văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư kinh doanh, đưa ra 106 kiến nghị với các bộ, ngành.
Cụ thể, VCCI đã đề nghị các bộ, ngành đã đề nghị sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư để khắc phục những chồng chéo, những rào cản về kinh doanh hiện nay.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu VCCI, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được bãi bỏ, cần điều chỉnh cho phù hợp vì nhiều nhóm ngành nghề đưa vào nhóm kinh doanh có điều kiện là cần thiết nhưng Nhà nước lại đang can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp.
Nhiều thủ tục gia nhập thị trường với doanh nghiệp còn rắc rối, chồng chéo, cần tiếp tục đơn giản thủ tục thực hiện. Đây chính là rào cản với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi họ tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep), cho rằng dù đã có nhiều nỗ lực cải cách, những năm qua năm nào Chính phủ cũng ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng sự chuyển biến của bộ, ngành vẫn rất chậm.
Ông Nam nêu ví dụ: "Khi Vasep báo cáo Bộ Khoa học và công nghệ sửa các quy định liên quan tới cấp mã vạch cho các sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu, chúng tôi báo cáo đúng tinh thần Chính phủ thì họ bảo chúng tôi chỉ là 1 trong 300-400 hiệp hội ngành hàng xuất khẩu".
"Họ bảo sửa một nghị định khó khăn lắm, mất nhiều thời gian lắm nhưng tôi thấy chỉ cần 1-2 tháng là xong" - ông Nam khẳng định. Trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy hải sản có những quy chuẩn, tiêu chuẩn của VN còn khó hơn cả quy chuẩn Mỹ, vì vậy chúng ta đang làm khó chính doanh nghiệp của mình.
Với quy chuẩn về nước thải quá khó khăn, khi lực lượng thanh tra môi trường kiểm tra có khoảng 80-90% nhà máy đều vi phạm quy định chuẩn nước thải nhưng báo cáo của bộ lên Chính phủ tỉ lệ vi phạm chỉ có 30-40%.
Mặt khác, có những văn bản quy định về lao động ban hành từ năm 1990, cách đây 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa hết hiệu lực và đang làm khó doanh nghiệp.