Dự án nhà biệt thự phường Thảo Điền Q.2: Hơn 20 năm mòn mỏi chờ sổ đỏ

ĐÌNH ĐẠI 08/03/2022 03:40

Mặc dù đã thanh toán đầy đủ mọi nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, nhưng đã hơn 20 năm qua, nhiều hộ dân trong dự án khu nhà biệt thự P.Thảo Điền, Q.2 (cũ), TP.HCM vẫn mòn mỏi chờ Giấy CNQSDĐ.

>>Hải Phòng: Cư dân TD- Plaza kêu cứu, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc

Mòn mỏi chờ trong vô vọng

Trong đơn kêu cứu gửi đến Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Thương Hoài ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, đầu năm 2000, bà cùng với nhiều hộ dân ký Hợp đồng góp vốn bồi hoàn và xây dựng khu nhà biệt thự tại phường Thảo Điền, Q.2 (nay là TP Thủ Đức) với Công ty Quản lý và phát triển nhà Q.4, nay là Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Công ích quận 4. Hợp đồng được ký kết dưới hình thức các hộ dân góp vốn để bồi hoàn hoa màu và xây dựng nhà biệt thự, đổi lại mỗi hộ dân sẽ nhận được 01 nền đất với diện tích và vị trí tương ứng với số tiền bỏ ra góp vốn.

Mặc dù đã thanh toán đầy đủ mọi nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, nhưng đã hơn 20 năm qua, nhiều hộ dân trong dự án khu nhà biệt thự P.Thảo Điền, Q.2 vẫn mòn mỏi chờ GCN quyền sử dụng đất trong vô vọng.

Mặc dù đã thanh toán đầy đủ mọi nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, nhưng đã hơn 20 năm qua, nhiều hộ dân trong dự án khu nhà biệt thự P.Thảo Điền, Q.2 vẫn mòn mỏi chờ Giấy CNQSDĐ trong vô vọng - Ảnh: Đình Đại.

Theo bà Hoài, từ khi ký hợp đồng góp vốn với công ty, bà cũng như những hộ dân khác luôn tuân thủ các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, ứng vốn theo đúng thời hạn, đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ các khoản góp vốn theo đúng thời gian quy định tại hợp đồng đã ký kết và hai bên cũng đã ký xác nhận Biên bản đối chiếu công nợ và Biên bản giao đất.

“Nhưng đáp lại sự mong đợi và kỳ vọng của chúng tôi vào chủ đầu tư, đến nay công ty “bỏ mặc” không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) cho chúng tôi theo như thỏa thuận tại điều 3 của Hợp đồng đẽ ký kết. Giấy phép xây dựng số 194/GPXD do kiến trúc sư trưởng TP.HCM cấp ngày 4/4/1998 đã hết hạn từ lâu, nhưng phía công ty cũng không có trách nhiệm xin Giấy phép gia hạn, mặc dù chúng tôi đã có đơn kiến nghị rất nhiều lần”, bà Hoài nêu trong đơn.

Bà Hoài cho rằng, việc chủ đầu tư không cấp Giấy CNQSDĐ và giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế từ hơn 20 năm trước đến nay đã lỗi thời và không còn phù hợp. Giấy phép xây dựng cũng đã hết hạn từ lâu, nên mặc dù được giao đất, nhưng người dân cũng không biết xây dựng như thế nào cho đúng, trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân là vô cùng cấp bách.

“Việc làm thiếu trách nhiệm này của công ty đã gây thiệt hại về kinh tế, tổn thất tinh thần vô cùng lớn cho chúng tôi, khi mà chúng tôi phải ở một nơi, nhưng hộ khẩu lại ở một nẻo, từ đó kéo theo rất nhiều hệ lụy mà suốt 20 năm qua chúng tôi đã phải trải qua. Chung quy cũng từ việc không có Giấy CNQSDĐ, khiến chúng tôi không thể tiến hành các thủ tục cần thiết khác để hợp thức hóa nhà đất và nhập hộ khẩu tại nơi mình ở”, bà Hoài bức xúc.

Cũng theo bà Hoài, bà và nhiều hộ dân khác góp vốn với Công ty Dịch vụ Công ích quận 4 vì tin tưởng rằng đây là công ty Nhà nước có năng lực, uy tín và trách nhiệm để thực hiện dự án một cách minh bạch. Nhưng đáp lại sự tín nhiệm là sự thờ ơ, vô cảm thiếu trách nhiệm từ phía công ty.

“Cùng một dự án, nhưng Khu A đã được cấp giấy chủ quyền từ rất lâu rồi. Trong khi suốt hơn 20 năm qua, chúng tôi theo đuổi dự án cùng công ty nhưng đến giờ này ở cái tuổi gần đất xa trời mà chúng tôi còn chưa biết khi nào mới được cầm trên tay tờ Giấy CNQSDĐ. Hơn 20 năm qua, chúng tôi chịu quá nhiều thiệt thòi so với các dự án của các công ty khác kế bên. Họ là công ty tư nhân triển khai dự án sau chúng tôi rất lâu, nhưng hiện giờ họ đã có đủ sổ đỏ, sổ hồng cầm trên tay”, bà Hoài ngậm ngùi chia sẻ.

>>Hải Phòng: Dân nhận đất tái định cư gần 10 năm vẫn "dài cổ" chờ sổ đỏ

Chủ đầu tư tự ý thay đổi hiện trạng?

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án xây dựng kinh doanh nhà biệt thự tại xã An Phú, huyện Thủ Đức (nay là phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) do Công ty Xây dựng và phát triển nhà quận 4 (nay là Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Công ích quận 4 làm chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng 45.845 m2 đất nông nghiệp gồm: Khu A với 12.243 m2 và Khu B với 33.602 m2), theo Quyết định số 51/QĐ-TTg ngày 2 tháng 2 năm 1994.

Nhiều công trình xây dựng dở dang và bỏ hoang nhiều năm qua, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận nhân dân.

Nhiều công trình xây dựng dở dang và bỏ hoang nhiều năm qua, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận nhân dân - Ảnh: Đình Đại.

Ngày 13/01/1995, Công ty Xây dựng và phát triển nhà quận 4 được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận tổng cho toàn dự án, gồm thửa 923 (khu A) diện tích 12.243 m2 và thửa 924 (khu B) diện tích 33.602 m2. Ngày 01/02/1996, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM (nay là Sở quy hoạch kiến trúc) có Quyết định số 1309/KTS.T.QH về việc duyệt quy hoạch chi tiết phân lô cho toàn bộ dự án với tổng diện tích khu đất là 45.845 m2 với cơ cấu sử dụng đất như sau:

Khu A, diện tích 12.234 m2 gồm, đất ở 9.289 m2 chia thành 28 nền biệt thự; đất giao thông, cây xanh, vỉa hè: 2.954 m2. Khu B, diện tích 33.602 m2 gồm: đất ở 17.634,5 m2 chia thành 58 nền biệt thự; đất giao thông 9.560 m2, đất cây xanh công cộng 6.389,5 m2.

Tuy nhiên, ngày 31/7/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có văn bản số 7555/STNMT-QLĐ gửi UBND quận 2 về hồ sơ Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 4 tại phường Thảo Điền, quận 2. Theo đó, Sở TNMT cho biết, đơn vị đã phê duyện Bản đồ hiện trạng vị trí phân lô Khu A, số 3872.KĐ/GĐ-TNMT ngày 17/11/2014 và đã cấp tách GCN quyền sử dụng đất cho 28 lô thửa.

Đối với Khu B, công ty cũng đã lập bản đồ hiện trạng vị trí phân lô số 43729.KĐ/GĐ-TNMT được Sở TNMT duyệt ngày 9/12/2015. Theo bản đồ này, thể hiện hiện trạng khu đất dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà. Tuy nhiên, so với quy hoạch được duyệt có một số vấn đề cần được làm rõ.

Theo Sở TNMT, ranh đất theo hiện trạng sử dụng có sự khác biệt với ranh đất công ty đã được cấp GCN và tăng 955,7 m2 (diện tích Khu B hiện trạng là 34.557,7 m2); Diện tích đất ở theo hiện trạng thể hiện tại bản đồ là 19.359,3 m2, tăng 1.724,8 m2 so với quy hoạch duyệt (17.634,5 m2), số nền đất ở không thay đổi, vẫn 58 nền; Diện tích đất cây xanh 4.233 m2, giảm 2.156,5 m2 so với quy hoạch được duyệt; Diện tích đất giao thông 10.965,4 m2, tăng 1.205,4 m2 so với quy hoạch được duyệt. Ngoài ra, vị trí các trục đường giao thông, lô đất ở, đất công viên cây xanh có sự dịch chuyển và không theo quy hoạch đã được duyệt.

Do đó, để cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng đất ở, nhà ở, Sở TNMT đề nghị UBND quận 2 có ý kiến về ranh đất theo hiện trạng, nguồn gốc, việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích tăng thêm. Với hiện trạng đầu tư như trên thì các công trình hạ tầng có kết nối với hạ tầng khu vực được hay không, có đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch và có thể giải quyết cấp Giấy CNQSDĐ cho người mua được hay không? Trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch, đề nghị UBND quận 2 khẩn trương hướng dẫn công ty thực hiện và báo cáo cho Sở TNMT.

Từ văn bản trên của Sở TNMT, các cơ quan chức năng của quận 2 (cũ) đã ra nhiều văn bản, cũng như làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, nhằm tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp (Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ phản ảnh ở những bài viết tiếp theo). Tuy nhiên đến nay, mọi vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ và số phận của 58 nền biệt thự cũng như quyền lợi của hàng chục hộ dân đã bỏ tiền góp vốn vào dự án này vẫn bị “treo” và chưa biết khi nào mới nhận được câu trả lời cụ thể từ các cơ quan chức năng của TP.HCM.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng loạt vi phạm pháp luật về đất đai tại Ninh Bình

    Hàng loạt vi phạm pháp luật về đất đai tại Ninh Bình

    00:09, 02/03/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tháo gỡ nút thắt các quy định pháp luật

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tháo gỡ nút thắt các quy định pháp luật

    20:15, 28/02/2022

  • Pháp luật bám sát thực tiễn

    Pháp luật bám sát thực tiễn

    19:57, 17/02/2022

  • Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai: Không để người dân đứng ngoài

    Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai: Không để người dân đứng ngoài

    13:00, 15/02/2022

  • Xây dựng chính sách, pháp luật - Phát huy nguồn lực từ đất đai

    Xây dựng chính sách, pháp luật - Phát huy nguồn lực từ đất đai

    00:06, 15/02/2022

  • “Xung đột pháp luật” trong cơ chế chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư

    “Xung đột pháp luật” trong cơ chế chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư

    04:20, 15/01/2022

ĐÌNH ĐẠI